Chàng trai với những ước mơ thời hội nhập

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hai mươi lăm tuổi. Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái. Tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử - Viễn thông - Trường Đại học Curtin, nước Úc. Chủ nhân của một website có thứ hạng lừng lẫy thế giới mang tên: www.vdict.com - trang từ điển điện tử lớn thứ 16 trên thế giới và là một trong những trang web phổ biến nhất Việt Nam.Đó mới chỉ là một vài nét phác thảo về chân dung chàng thanh niên Nguyễn Công Chính.

Bố con Nguyễn Công Chính tại sân bay Nội Bài trong ngày đón Chính trở về nước sau những năm du học ở Úc.
Bố con Nguyễn Công Chính tại sân bay Nội Bài trong ngày đón Chính trở về nước sau những năm du học ở Úc.

Chuyện về một cậu bé ham mê máy tính

Tôi tìm đến nhà Nguyễn Công Chính qua lời giới thiệu rất ngắn gọn của bà Trần Thị Thiệp - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái: "Đây là một trong những gia đình hiếu học của tỉnh". Ngôi nhà số 293, tổ 72, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái nằm đối diện cổng Công an tỉnh ngay trên trục đường chính của thành phố nhưng không hề chịu ảnh hưởng sự ồn ào phố thị mà toát lên một sự yên tĩnh, thanh bình. Chỉ có mẹ của Chính - cô Trần Thị Minh, giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Yên Bái - ở nhà, bố Chính đang bận công tác phường, phố. Cơn mưa đầu mùa hạ như càng làm mát lòng người mẹ khi nhắc đến cậu con trai chăm ngoan, học giỏi. Tôi đọc được trong ánh mắt của cô Minh niềm hãnh diện, tự hào, cả những suy nghĩ xuất phát từ tình thương yêu và bản năng người mẹ: "Cô vừa mới vào trong thành phố Hồ Chí Minh thăm em. Chỉ có một mình, không người quen biết, thế mà cứ nhất quyết vào trong đó, thuê nhà ở, làm thủ tục xin phép thành lập một công ty riêng mà bố mẹ không giúp được gì về tài chính...".

Chính là một trong những người của thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên ở Yên Bái. Ký ức tuổi thơ của Chính gắn với những năm tháng vất vả, gian nan của thời bao cấp. Khi ánh sáng của công cuộc đổi mới đất nước mang lại những đổi thay nhất định mới là lúc Chính tiếp cận với máy vi tính. Tôi biết gia đình cô Minh cũng khá lâu vì mẹ tôi và cô vốn công tác cùng trường. Vì thế, câu chuyện của chúng tôi giống như một buổi "ôn cố tri tân" với những kỷ niệm khó quên ngày chúng tôi còn thơ ấu. Nhắc đến Chính, cô Minh chợt lặng đi xúc động: "Ngày đó, các cháu không được có điều kiện học hành như bọn trẻ bây giờ. Nhiều khi nhớ lại lúc nuôi con ăn học cứ thấy xót xa, thương con đến quặn lòng, cháu ạ...". Vào cấp ba, Chính theo học Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và mới bắt đầu làm quen với máy tính nhưng dường như cậu sinh ra đã có thiên bẩm đối với loại hình công nghệ này. Nhà nghèo, chỉ đến giờ Tin học ở trường, Chính mới được tiếp xúc với máy tính mà thôi. Còn nhớ cách đây khoảng hơn chục năm, Trường Cao đẳng Sư phạm cử một giáo viên tên là Vinh đi học Tin học. Chú Vinh mua được một chiếc máy tính đã rất cũ, gần như không thể sử dụng được nữa (của một cơ quan ở Hà Nội thanh lý) với giá 4 triệu đồng. Chính đến nhà chú Vinh chơi, nhìn chiếc máy vi tính bằng con mắt háo hức, thèm thuồng, cậu lăn lóc đòi bố mẹ phải mua cho một chiếc. Bốn triệu đồng của những năm 1997, 1998 thực sự quá lớn so với khả năng tài chính của gia đình nhưng tất cả vì mục đích đầu tư cho việc học của con, cô chú chạy vạy khắp nơi, vay được tiền nhưng trên thị trường không có chiếc máy tính nào giá như thế. Vợ chồng cô hứa với Chính là sẽ mua cho cậu một bộ máy vi tính thật mới, thật tốt, nhưng mãi đến khi Chính vào đại học năm thứ nhất, lời hứa đó mới thực hiện được. Thương bố mẹ, Chính quyết tâm học thật giỏi, khi mới theo học được kỳ học đầu tiên ở Học viện Bưu chính và Viễn thông, Nguyễn Công Chính đăng ký dự thi và giành được một suất học bổng của Chính phủ Úc. Năm 2000, Chính tạm biệt quê hương sang Australia du học ngành điện tử - viễn thông.

Khởi nghiệp bằng những ước mơ

Nơi Chính đến là thành phố Perth, miền Tây nước Úc - một thành phố với diện tích gần bằng phân nửa quốc gia Australia nhưng dân số chỉ chiếm 1/10. Hòa nhập với cuộc sống mới không khó, nhưng Chính vấp phải những khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhất là với những từ ngữ chuyên ngành. Không thể lúc nào cũng mang theo cuốn từ điển vừa to vừa nặng, trong khi các máy vi tính của trường lại không được phép cài đặt các phần mềm từ điển tiếng Việt và các từ điển trực tuyến thì không "mặn mòi" gì với ngôn ngữ mẹ đẻ của Chính. Khi đó, chỉ có trang điện tử trực tuyến mang tên Jdict của Hồ Ngọc Đức - một người đồng hương của Chính, nhưng lại quá cũ vì đã lâu không được cập nhật.

Những bức xúc từ nhu cầu học tập đó đã thôi thúc Chính quyết tâm phải xây dựng một quyển từ điển trực tuyến. Chính đã lấy cơ sở dữ liệu từ những bộ từ điển miễn phí đang hiện hành trên mạng và viết cho mình một trang từ điển trực tuyến với tiêu chí "phá rào cản ngôn ngữ cho Việt Nam và bạn bè thế giới". Tháng 12/2004, www.vdict.com đã ra đời từ sự quyết tâm, cần mẫn, sáng tạo và tận tụy của một du học sinh Việt Nam trên đất Úc.

Vdict là trang web miễn phí bao gồm ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa và từ dịch ra được sắp xếp theo từng ý nghĩa chuyên ngành. Hãy xem Google, Amazon, Yahoo - những tập đoàn uy tín thế giới đã xếp hạng vdict như sau: là từ điển đứng đầu về từ điển tiếng Việt và dịch tiếng Việt có lượng trang liên kết đứng đầu (Google); trang từ điển lớn thứ 16 trên thế giới trong tổng số hàng ngàn trang thuộc mọi ngôn ngữ và lĩnh vực, trang từ điển lớn thứ 3 trong số các từ điển đa ngôn ngữ, nằm trong Top 0.01% những trang web lớn nhất trong tổng cộng hơn 100 triệu trang web (Amazon); đứng vị trí thứ 7 trong số những trang web phổ biến nhất Việt Nam (Yahoo). Chỉ trong vòng hai năm, cuốn từ điển của Nguyễn Công Chính đã phục vụ nhu cầu của hàng trăm triệu người trên thế giới. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có đến hơn 30.000 lượt truy cập và gần 300.000 từ được tra nghĩa trên trang web này.

Được biết, sau khi tốt nghiệp về nước, Chính đã có một thời gian làm việc ở Công ty FPT. Nhưng anh đã chọn thành phố Hồ Chí Minh là nơi để khởi đầu cho những dự định và ước mơ. Chính đã lập ra một nhóm phát triển nội dung và kỹ thuật cho vdict với tự tin: "Vdict sẽ được nâng cấp, đầu tư thành không gian của cộng đồng những người học ngoại ngữ trên mạng với đầy đủ thông tin và tài liệu cần thiết". Vdict bản mới sẽ là một diễn đàn trao đổi ngoại ngữ, có tính năng tra từ điển mở (có hình ảnh, bài báo kèm theo từ); cộng đồng có thể trao đổi như Wikipedia (những nghĩa mới chưa được đưa lên, người sử dụng sẽ đưa thêm vào)... Cùng với đó, chàng trai trẻ Nguyễn Công Chính đang bắt tay xây dựng một mô hình giao dịch thương mại điện tử mới, không chỉ gói gọn trong việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng mà còn là cầu nối các công ty sản xuất với nhau...

Với quyết tâm người Việt làm giàu cho đất Việt, những ước mơ của Nguyễn Công Chính chắc chắn sẽ còn tiếp tục bay cao, bay xa, tiến kịp với xu thế chung của thời đại hội nhập và phát triển.

Hồng Thanh Tâm
       (Bài dự thi ký, phóng sự)

Các tin khác
(Ảnh minh hoạ)

YBĐT - Anh Hờ A Dao ở bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, là con thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Cuộc sống gia đình trước đây rất đói khổ bởi nhà đông anh em lại chỉ trông vào mấy sào lúa ruộng nên năm nào cũng thiếu đói từ 2 đến 3 tháng. Nhìn hoàn cảnh gia đình vừa nghèo lại vừa đông các em đi học, anh nghĩ bản thân mình đã không được đi học để biết cái chữ, mình phải làm sao để cuộc sống đỡ khổ.

YBĐT - Cách đây 5 năm, gia đình anh Lê Văn Huệ và chị Hoàng Thị Xuân ở thôn 7, xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên là một trong những hộ nghèo của thôn. Nhà có 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, một ít đất bãi khéo lắm cũng chỉ đủ ăn nên những khi có việc lớn cần chi tiêu là gia đình anh lại phải vay mượn.

YBĐT - Đến xã Sơn Thịnh, Huyện Văn Chấn mọi người đều nhắc đến gia đình anh Nguyễn Văn Tiến chị Nguyễn Thị Cầu là một điển hình phát triển kinh tế gia đình giỏi của xã.

Nữ cán bộ công chức Ngân hàng làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và tham gia công tác xã hội.
Ảnh: Giao dịch, phục vụ khách hàng vay vốn tại trụ sở Ngân hàng.

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, ở các xã vùng sâu vùng xa người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và xã hội. Nhận thấy vấn đề đó, từ năm 2000, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giúp đỡ 2 tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục