Làm giàu từ mô hình trang trại và dịch vụ
- Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 1988, anh Nguyễn Văn Hữu rời quê huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ cùng vợ lên định cư tại thôn Bảo Yên xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái. Đến nay, bước vào tuổi 50 và anh đã có tài sản trị giá cả tỷ đồng nhờ làm tốt mô hình trang trại VACR - dịch vụ.
Hàng trăm ha keo của anh Nguyễn Văn Sơn đang trong thời kỳ phát triển. (Ảnh: Văn Tuấn)
|
Khởi nghiệp của anh bắt đầu từ chuyển ngành từ bộ đội về trại chăn nuôi tập trung của tỉnh Yên Bái. Kinh tế của gia đình phụ thuộc vào đồng lương, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Được về nghỉ chế độ năm 1992 và với ý chí vượt nghèo khó, anh đã vay 2,5 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, để đầu tư vào dịch vu bán căng tinï. Nhân lúc có chính sách giao đất giao rừng, năm 1994, anh đã mạnh dạn nhận 15 ha rừng để trồng cây lâm nghiệp. Có được tiền lãi từ dịch vụ bán căng tin và chút tiền dành dụm của gia đình, anh đầu tư tất vào trồng 15 ha bồ đề. Rồi thời gian trôi đi thật nhanh, đến năm 2001 gia đình khai thác tất 15 ha chỉ thu được 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ rừng không cao, anh tìm hiểu sách báo, nghe đài kết hợp nhờ sự tư vấn của cán bộ khuyến nông và lâm nghiệp, anh chọn được loại cây trồng phù hợp, đó là keo tai tượng và keo lai. Đến năm 2002, có vốn từ trồng bồ đề, anh cải tạo căng tin đa dạng hóa các mặt hàng, nên mỗi năm cũng cho thu nhập lãi từ 15-20 triệu đồng. Đồng thời, tập trung vào trồng 11 ha keo tai tượng và 4 ha keo lai đến nay đã sang tuổi thứ 5. Chúng tôi cùng anh nhẩm tính, chỉ vài năm nữa rừng keo sẽ cho thu trên 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, anh còn đắp được 20 sào ao để nuôi cá. Vụ đông xuân anh để cấy lúa, đồng thời ươm cá con ở một số ao nhỏ. Khi lúa được gặt, anh thả các loại cá ươm nuôi xuống ao cấy lúa với các loại cá như: cá trắm, trôi, mè, cá chim, rô phi đơn tính… Trung bình mỗi năm thu nhập từ cá cũng được trên 20 triệu đồng. Vùng ven các đồi cây thì trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn nuôi 18 con bò trong đó có 10 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi gà thả vườn mỗi năm cũng cho thu nhập thêm từ 8-10 triệu đồng. Dự kiến, đầu năm 2007 anh sẽ nuôi thêm từ 300-400 con vịt đẻ để lấy trứng và nguồn phân cho cây trồng. Không dừng lại ở phát triển trồng rừng, chăn nuôi, anh còn quy hoạch vùng đất xung quanh nhà để trồng mía với diện tích 0,5 ha để phục vụ bán nước mía giải khát vào mùa hè và mỗi năm cũng cho thu nhập thêm từ 18-20 triệu đồng.
Khi chúng tôi hỏi về sử dụng nhân công giúp việc, anh cho biết: "Hàng năm tôi thuê 1 lao động thường xuyên, vào thời vụ có thể thuê thêm từ 5-10 người giúp việc. Tính sơ sơ mỗi năm cũng phải thuê thêm từ 700-900 công, mỗi công tôi trả cho họ 30.000đ". Nhờ thu nhập từ VACR-dịch vụ, nên anh đã mua đất và xây được căn nhà 3 tầng ở trung tâm thành phố và nuôi được hai con học đại học và cao đẳng.
Như vậy, mô hình trang trại VACR- dịch vụ của anh Nguyễn Văn Hữu đã và đang rất hiệu quả. Nó không những đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình mà còn thu hút được một số lượng lao động tại địa phương có công ăn việc làm. Ngoài ra, mô hình còn góp phần cải tạo môi trường, giữ được màu xanh của rừng, hạn chế xói mòn rửa trôi đất đồi gò.
Ngô Đăng Sỹ
Các tin khác
YBĐT - Xã Yên Thắng (Lục Yên) hiện đang có nhiều gia đình phát triển nuôi thỏ hàng hóa và đã có kết quả đáng khích lệ. Điển hình gia đình anh Lương Xuân Hè, ở thôn Hin Lò đang nuôi hàng trăm con.
YBĐT - Hai mươi lăm tuổi. Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái. Tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử - Viễn thông - Trường Đại học Curtin, nước Úc. Chủ nhân của một website có thứ hạng lừng lẫy thế giới mang tên: www.vdict.com - trang từ điển điện tử lớn thứ 16 trên thế giới và là một trong những trang web phổ biến nhất Việt Nam.Đó mới chỉ là một vài nét phác thảo về chân dung chàng thanh niên Nguyễn Công Chính.
YBĐT - Anh Hờ A Dao ở bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, là con thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Cuộc sống gia đình trước đây rất đói khổ bởi nhà đông anh em lại chỉ trông vào mấy sào lúa ruộng nên năm nào cũng thiếu đói từ 2 đến 3 tháng. Nhìn hoàn cảnh gia đình vừa nghèo lại vừa đông các em đi học, anh nghĩ bản thân mình đã không được đi học để biết cái chữ, mình phải làm sao để cuộc sống đỡ khổ.
YBĐT - Cách đây 5 năm, gia đình anh Lê Văn Huệ và chị Hoàng Thị Xuân ở thôn 7, xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên là một trong những hộ nghèo của thôn. Nhà có 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, một ít đất bãi khéo lắm cũng chỉ đủ ăn nên những khi có việc lớn cần chi tiêu là gia đình anh lại phải vay mượn.