Chuyện già Súa trên cánh đồng Tà Ghênh

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năng suất lúa đạt 45 - 50 tạ/ha vụ chiêm xuân đến nay đã không còn là điều mơ ước trên cánh đồng Tà Ghênh rộng hơn 50 ha của xã Xà Hồ (Trạm Tấu). Cái vụ lúa mà xưa kia người Mông nơi này cho rằng không thể nào có được chứ đừng nói đến chuyện năng suất cao. Nhưng lão nông “ngoan cố” bản Tà Ghênh Vàng A Súa đã quyết thay đổi bằng được thói quen sản xuất bấy lâu của dân bản khi là người gieo cấy những thửa mạ đầu tiên của vụ chiêm xuân, khởi nguồn cho một cánh đồng Tà Ghênh mênh mông lúa bây giờ.

Ông Vàng A Súa 
chăm sóc ao cá của gia đình.
Ông Vàng A Súa chăm sóc ao cá của gia đình.

Chừng bảy, tám năm về trước, mang cây lúa ra gieo cấy vào vụ đông xuân là điều bất bình thường trên đất này. Nhưng ông Súa lại không nghĩ như hầu hết người Mông nơi đây nghĩ: “Cái ruộng lúa nước bản người Thái cách mình có xa đâu, người ta làm được sao mình không làm được?”. Có thêm sự vận động của cán bộ nông nghiệp huyện, ông  Súa cùng ba gia đình nữa và cũng chỉ có ngần đó gia đình lần đầu tiên cấy lúa vụ chiêm trên những thửa ruộng vốn chỉ quen có vụ mùa. Dân bản bảo ông dại vì chỉ mất công mất sức mà thôi! Sau ba tháng gieo cấy, đương lúc lúa làm đòng, ba hộ gia đình kia đã vội thả trâu vào cho ăn lúa với lý do không tin vụ lúa sẽ thành, mà để thì e không kịp làm vụ mùa nữa. Người ta giục ông thả trâu vào ruộng để gỡ lại vì còn có cái cho trâu ăn. Vẫn một mực giữ lúa, ông rào ruộng ngăn trâu, tin tưởng vào việc mình làm. Không phụ công người, năm đó, ông Súa đã được thu hoạch một mùa lúa mới. Thực tế những thửa ruộng nhà ông đã chứng minh cái điều người dân bấy lâu vẫn nghĩ là không thể. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, ông may mắn, vẫn hoài nghi về điều mà già Súa đã khẳng định là có thể này, nên vụ lúa sau cũng chỉ có thêm 8 hộ gia đình theo ông gieo cấy. Lần này, không có chuyện thả trâu ăn lúa giữa mùa nữa, những gia đình làm lúa chiêm đã có một vụ bội thu. Việc tăng vụ đã giúp cho họ bớt cảnh thiếu ăn.

 

Bước sang vụ lúa thứ ba, thêm sự vận động và chỉ đạo sát sao, tích cực của huyện, nhiều gia đình nữa theo ông làm vụ chiêm. Từ đó đến nay, hơn 50 ha cánh đồng Tà Ghênh dần kín hai vụ lúa với năng suất cao. Giờ đây, mỗi khi thu hoạch, bà con còn nói vui với nhau, đây là "cánh đồng ông Súa". Nếu không có già Súa mạnh dạn đi đầu làm trước thì cánh đồng Tà Ghênh chắc không sớm được như bây giờ. Giờ đây, với hai vụ lúa đã mang lại cho gia đình ông gần 7 tấn lúa mỗi năm. Không còn cảnh thiếu ăn, lại thêm phần dư giả, ông dành để giúp đỡ bà con lúc khó khăn. Tận dụng nguồn nước, già làng họ Vàng này còn thả cá chép trên ruộng lúa chiêm và đào ao nuôi cá. Không những thế, từ năm 2000 đến nay, ông đã cùng gia đình trồng được 12 ha rừng thông, nhận chăm sóc, bảo vệ gần 7 ha rừng tái sinh. Kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, trong nhà ông lúc nào cũng có khoảng hơn chục con trâu bò, đàn lợn cũng độ hơn chục con. Già Súa cho hay, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình vào khoảng 40 triệu đồng. Ngoài những thứ sắm sửa được như xe máy, máy xay xát lương thực, máy khâu, già Súa còn tự sắm một máy thủy điện nhỏ. Những tấm giấy khen của huyện, xã dành cho người nông dân sản xuất giỏi đã khẳng định phần nào sự cần cù, chịu khó, mạnh dạn trong lao động sản xuất của lão nông vùng cao này.

 

Và chuyện lập điểm trường bán trú

 

Tiến bộ trong suy nghĩ và dám mạnh dạn làm, già làng Vàng A Súa cũng chính là người có công đầu trong việc tạo lập điểm trường bán trú dân nuôi Tà Ghênh bây giờ. Tám năm trước, già Súa đã nhận thấy, nếu tập trung cho con em nơi này được học cả ngày thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều. Thêm chuyện không nhập học được cho con ở lớp bán trú Bản Công khi đó, già Súa đã nghĩ, sao không tự lập một lớp bán trú dân nuôi của thôn bản mình ? Nghĩ là làm. Lặn lội vận động người dân góp công sức làm lớp học ở trung tâm xã. Nghe phân tích, nhiều gia đình đã cùng già Súa góp vật liệu, công sức, chỉ trong một tuần đã dựng bốn gian lớp học. Khỏi phải bàn đến chuyện các thầy cô giáo đã vui mừng như thế nào khi không chỉ Tà Ghênh mà cả 4 thôn bản: Sáng Pao, Háng Thồ, Háng Khấu Dê và Suối Giao có được một lớp học bán trú dân nuôi. Bốn gian lớp học tre nứa của tám năm trước bây giờ đã trở thành Trường Bán trú dân nuôi Tà Ghênh với gần chục lớp học đã được đầu tư, nâng cấp, cùng với Trường Bán trú Đầu Cầu trở thành hai trường bán trú của cả Xà Hồ.

Rạm nắng nước da của một người lăn lộn với đồng, rừng, giờ đã ở cái tuổi 70, nhưng già Súa vẫn hì hụi xây lại ao nuôi cá, vẫn tính chuyện tiếp tục trồng chè… và cho con cái đi học để về làm cán bộ.

 

Thu Hạnh

Các tin khác

YBĐT - Không cam chịu đói nghèo anh Tô Văn Hộ, dân tộc Tày ở thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai (Yên Bình) đã gần gũi những người có kinh nghiệm làm kinh tế, tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn cây trồng vật nuôi. Từ vốn tri thức được trang bị cộng với nguồn vốn cho vay hộ nghèo của Hội Nông dân đứng ra tín chấp đã thổi bùng lên trong anh ngọn lửa làm giàu.

YBĐT - Trận thi đấu đang diễn ra quyết liệt tại Giải cầu lông các câu lạc bộ cầu lông của tỉnh thì bỗng có một phụ nữ chạy nhớn nhác tìm ngược tìm xuôi làm xôn xao một nhóm khán giả gần cửa ra vào của Nhà thi đấu trung tâm tỉnh. Hỏi ra mới biết đó là chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - thành viên Câu lạc bộ cầu lông Bưu điện tỉnh.

Vườn chè xem cây ăn quả này mỗi năm chu thu trên 20 triệu đồng.

YBĐT - Anh cán bộ khuyến nông huyện Yên Bình luôn miệng kể về người chủ trang trại tài giỏi mà anh rất khâm phục khi đưa chúng tôi tới thăm mô hình làm kinh tế vườn rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Bỗng, xã Vĩnh Kiên huyện Yên Bình (Yên Bái). Đây là một trong số không nhiều mô hình kinh tế tổng hợp được đánh giá là hiệu quả cao và bền vững ở Vĩnh Kiên với mức thu nhập trung bình hàng năm (trừ chi phí) đạt trên dưới 60 triệu đồng.

YBĐT - Ngôi nhà nhỏ của nghệ sỹ Lương Khành Nguyệt nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc tổ 7, phường Yên Thịnh (thành Phố Yên Bái) ngập tràn hoa cảnh. Đã bươc sang tuổi 65 nhưng dương như sự trẻ trung yêu đời trong tâm hồn người nghệ sỹ khiến gương mặt bà trẻ hơn nhiều so với tuổi tác thật. Đã có một thời, tiếng hát của ca sỹ Lương Khánh Nguyệt từng ngân vang trên các chiến trường, là niềm cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Và tiếng hát ấy bao năm là niềm tự hào của Đoàn văn công tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục