Giàng A Tùng niềm nở và nhanh nhẹn chứ không trầm tư, nói thủng thẳng, chậm rãi như nhiều người đàn ông Mông mà tôi đã gặp. A Tùng tự hào bảo: "Nậm Khắt bây giờ khá hơn rất nhiều rồi. Xã đã được công nhận xã nông thôn mới, đời sống bà con đã khấm khá lên; điện, đường, trường, trạm đủ cả. Trên con đường no ấm của người Mông Nậm Khắt có sự góp sức đáng kể của đồng vốn tín dụng chính sách, nó đã giúp bà con có điều kiện làm nhà, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; phát triển sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa”.
"Và có cả công lao của những Tổ trưởng Tổ TK&VV như anh nữa chứ? - Tôi hỏi cũng là để khẳng định, nhưng chỉ thấy anh cười khiêm tốn.
Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Giàng A Tùng trở về địa phương làm ăn. Có sức khỏe, chịu khó lao động nhưng con đường thoát nghèo còn rất dài và khó khăn vì thiếu vốn và thiếu kiến thức. Sau khi tham gia tổ chức Hội Cựu chiến binh, thông qua các buổi sinh hoạt Hội, Giàng A Tùng nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách tín dụng; đặc biệt, anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp.
Là người đã tốt nghiệp THPT, đã được rèn luyện trong môi trường quân đội, là đảng viên, lại là hội viên cựu chiến binh nhiệt tình, năng nổ nên tổ chức Hội Cựu chiến binh xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải đã lựa chọn anh làm Tổ trưởng Tổ TK&VV của Chi hội cựu chiến binh bản Cáng Dông.
Được tham gia các lớp tập huấn do Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức, Giàng A Tùng nhận thức được vai trò, ý nghĩa của chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đây là cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách nói chung và người Mông Cáng Dông, Nậm Khắt vươn lên. Thông qua việc ủy thác cho vay, tổ chức Hội cũng tập hợp được hội viên, duy trì sinh hoạt, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và trong sản xuất…
Tổ trưởng Giàng A Tùng đã tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nhằm trang bị những kiến thức và kinh nghiệm duy trì Tổ TK&VV ở cơ sở như: tổ chức bình chọn người vay vốn, tham gia đánh giá, phê duyệt phương án sử dụng vốn, kế hoạch giải ngân, giám sát quá trình sử dụng vốn, thu lãi và gốc đúng kỳ, đúng hạn; tổ chức sinh hoạt Tổ TK&VV, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; xử lý tình huống trong quá trình đầu tư cho vay và thu nợ…
"Cái nào cũng phải tỷ mỷ, chi tiết, phải thực hiện đúng các quy trình đã đề ra; tuyệt đối không qua loa, đại khái, nể nang, để tình cảm làng bản, gia đình, dòng họ vượt qua các quy định của Nhà nước để rồi cho vay sai đối tượng, sử dụng vốn sai mục đích, kém hiệu quả, đặc biệt là mất vốn, phát sinh nợ xấu…” - cựu chiến binh Giàng A Tùng tâm sự.
Bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm cao, Tổ trưởng Tổ TK&VV đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đến đúng đối tượng, tham mưu giúp bà con, anh em hội viên trong bản sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; thu lãi và gốc đúng kỳ, đúng hạn. Thống kê cho thấy, 36 tổ viên Tổ TK&VV của bản Cáng Dông đã tham gia nhiều chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; sản xuất kinh doanh nước sạch và vệ sinh môi trường, xóa nhà dột nát…
Nhờ có đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, đàn trâu của Cáng Dông tăng mạnh qua từng năm;100% số hộ trong bản đã làm được nhà khang trang, nhiều nhà đầu tư xây dựng chuồng trại, làm nhà vệ sinh, mua đường ống dẫn nước, téc nước inox; riêng máy móc nông cụ như máy cày, máy tuốt lúa thì nhiều không kể hết. Hiện nay tổng dư nợ ở bản Cáng Dông là 1 tỷ đồng.
Theo giải thích của Tổ trưởng Tùng thì thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm trước, tốc độ giảm nghèo khá cao, dù vậy dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo của Tổ là khá lớn, nguyên nhân bởi vẫn trong chu kỳ vay vốn; tới đây Tổ sẽ tập trung triển khai các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, đặc biệt là sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn và nước sạch và vệ sinh môi trường.
Từ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, bản Cáng Dông xa xôi của xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã xuất hiện những mô hình vươn lên thoát nghèo như hộ anh Giàng Nhà Thùa có đàn trâu 12 con; hộ Giàng A Nhà có 3 trâu nái, 3 trâu con; còn hộ gia đình Tổ trưởng Giàng A Tùng cũng có đời sống khá giả; nhiều hộ trong bản đã mở cửa hàng buôn bán hàng hóa, làm dịch vụ xay sát lương thực, kết hợp với chăn nuôi lợn… đồng bào Mông đã biết tính toán làm ăn, biết chi tiêu hợp lý, biết tổ chức sản xuất gắn với khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.
Nậm Khắt đang chuyển mình mạnh mẽ, vùng cao đang đổi mới, đi lên, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông đã no ấm, nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi và những cán bộ ngân hàng cùng đội ngũ Tổ trưởng Tổ TK&VV gắn bó với dân như Giàng A Tùng.
Lê Phiên