Một đảng viên làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về một đảng viên làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế trang trại, không cần phải nghĩ ngợi lâu, các anh lãnh đạo UBND xã Phú Thịnh (Yên Bình) đã cùng nhất trí giới thiệu ngay đảng viên Phạm Văn Hùng.
Bố con ông Phạm Văn Hùng thu hoạch cá.
|
Con đường dẫn vào thôn Thanh Bình nồng mùi rơm và hương lúa. Những cơn gió làm dịu bớt cái nắng gay gắt mùa hè. Làng quê thanh bình. Thỉnh thoảng, bắt gặp từng đoàn người hì hục đẩy xe cây chống ra đường nhựa, anh cán bộ xã cùng đi nói: “Cây chống nhà bác Hùng mang bán đấy!”.
Trò chuyện trong căn nhà khang trang, ông Hùng kể về chuyện ngày đầu vỡ hoang dưới chân Gò Sồi với bao nỗi nhọc nhằn. Là cán bộ Công ty Thương nghiệp Yên Bình về nghỉ chế độ, đồng lương hưu ít ỏi lại nuôi 4 con đang độ tuổi ăn học, gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi có chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích người dân nhận đất trồng rừng, vốn có kinh nghiệm, lòng yêu thiên nhiên và bản tính cần cù lao động, ông đã bàn với vợ con nhận 8 ha đất để trồng rừng kinh tế. Diện tích đất này chủ yếu là lau sậy, nứa tép xen chè vè và một số gỗ tái sinh.
Với lợi thế nhà gần rừng, hàng ngày cả gia đình ông tập trung nhân lực phá bỏ cây bụi, khoanh nuôi lại được 4 ha cây keo, 2 ha cây quế, 1 ha cây ăn quả. Diện tích đất còn lại, gia đình trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai, sắn.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên cây trồng đạt năng suất cao, cuộc sống dần dần ổn định. Dư thừa chút vốn cùng với nguồn lương thực sẵn có, ông đầu tư chăn nuôi, thường trong chuồng có 2 con lợn nái, 8 - 9 con lợn thịt, trên dưới 100 con gà, 50 con ngan vịt. Sẵn lợi thế về nguồn nước, ông đắp khe Đát Bà, khe Đỉnh và khe Sồi thành hai đập giữ nước được trên 3.000m2 mặt nước để nuôi cá và tưới cho cây trồng. Mỗi năm, ông cho xuất chuồng 8 - 9 tạ lợn hơi, trên 100 kg ngan, gà, vịt và 300 kg cá cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Nhận thấy trang trại của mình phù hợp cho việc nuôi gia súc, có nguồn thức ăn phong phú, ông đầu tư chăn nuôi 2 con bò, 4 con dê, mỗi năm thu về trên 10 triệu đồng. Ngoài bán sản phẩm, việc chăn nuôi còn cung cấp một lượng phân để thâm canh ruộng lúa, 1 ha chè, hoa quả và rau xanh các loại.
Với dải đất bằng phẳng trước cửa nhà, gia đình trồng các loại cây ăn quả như vải, bưởi, nhãn, mỗi năm cho thu từ 8 - 10 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tỉa thưa 4 ha cây keo để bán cây chống cho các công trình xây dựng, mỗi năm được gần 10 triệu đồng. Khi có đồng vốn, ông bàn với gia đình mở đường vào trang trại rộng hơn để xe công nông có thể vào thu mua các sản phẩm của gia đình từ rừng. Một vài năm tới, gia đình sẽ có thu nhập từ trang trại ước tính đạt khoảng 500 triệu đồng.
Nhìn rừng cây của gia đình ông Hùng, bà con lối xóm cảm phục sự lao động cần cù và chịu thương chịu khó. Tấm gương đảng viên Phạm Văn Hùng phát triển kinh tế giỏi đáng để bao người khác học tập và làm theo.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Đã 60 tuổi, bác Giàng Lùa Tủa có nhiều năm công tác ở xã Zế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Trong công tác cũng như về với đời thường, bác luôn là tấm gương sáng cho con cháu và mỗi cán bộ đảng viên, công chức cũng như bà con ở đây noi theo.
YBĐT - Đến thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, ai cũng biết đến vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Bùi Văn Địch.
“Làm kinh tế vất vả và khó khăn lắm! Cuộc sống bây giờ không đơn giản như những ngày trước! Để kinh tế gia đình dư dật phải bươn trải lặn lội rất nhiều!”. Đó là câu nói của anh Nguyễn Minh Cách, thôn Khe Chè, xã Y Can khi chúng tôi đến thăm gia đình anh - một trong những hội viên làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên.
Trong tiềm thức của tôi, Anh hùng Đặng Văn Khoan là người vui tính và yêu trẻ. Vào những năm 1977, 1978 - khi tôi được 5-6 tuổi, mỗi lần đến nhà tôi chơi, chú Khoan thường cho tôi đội chiếc mũ cối có gắn huy hiệu công an. Thật tiếc, qua thời gian, tấm ảnh chú Khoan chụp cùng tôi đã bị thất lạc...