Ông Tâm làm du lịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ông Hoàng Trọng Tâm nguyên là Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh từ năm 1999 đến năm 2005. Là người dân tộc Tày sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời hàng ngàn năm của cộng đồng cư dân người Tày, người Dao sinh sống dọc lưu vực sông Chảy Lục Yên châu xưa, trong những năm đổi mới, với cương vị là Chủ tịch xã, ông có điều kiện đi nhiều nơi, được tiếp cận với nhiều cách thức làm ăn mới trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là lĩnh vực du lịch trong đó có du lịch văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi đang được khách nước ngoài ưa chuộng. Và con đường làm ăn của ông Tâm được bắt đầu một cách hết sức tình cờ.

Một góc khu nhà sàn của ông Hoàng Trọng Tâm.
Một góc khu nhà sàn của ông Hoàng Trọng Tâm.

Đó là vào năm 2003, một đoàn khách du lịch người nước ngoài từ Hà Nội lên Lục Yên. Tìm hiểu tại địa phương, đoàn liên hệ với huyện và xã Tân Lĩnh đến tham quan một làng người Dao và một làng người Tày để tìm hiểu đời sống phong tục tập quán dân dã đời thường của cư dân bản địa. Do vậy, làng Ính 100% hộ dân là người Dao đỏ và làng Chuông có tới 80% hộ là người Tày sinh sống từ lâu đời thuộc xã Tân Lĩnh, là nơi được đoàn chọn làm điểm đến. Điểm lý tưởng là cả hai làng này đều gần đường giao thông, gần trung tâm xã và trung tâm huyện lỵ. Tuy nhiên lên làng Ính phải đi bộ leo dốc bằng đường mòn. Khi đi qua khu nhà sàn của gia đình ông Tâm đoàn đã dừng chân lên thăm. Với địa thế sơn bao thủy bọc, ngôi nhà sàn của gia đình ông rộng rãi, thoáng mát, ngồi trên nhà sàn có thể ngắm nhìn cảnh vật, núi non hùng vĩ. Nhà ông đẹp bởi còn có vườn cây, ao cá, quần cư xung quanh chòm xóm có nhiều nhà sàn của người Tày bao quanh vườn đồi, vườn rừng cùng ruộng lúa, nương ngô xanh bát ngát tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Bởi thế đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách từ buổi đầu đặt chân đến và thật bất ngờ là ngay buổi chiều sau khi tham quan làng Ính về đoàn khách đã quyết định dừng chân nghỉ qua đêm tại đây. Đó cũng là lần đầu tiên, gia đình ông được đón tiếp người nước ngoài đến ăn nghỉ tại nhà mình. Được biết, đây là tua du lịch lữ hành do Công ty trách nhiệm hữu hạn CKC Pê-rô Cộng hòa Pháp ở Hà Nội khai thác. Sau chuyến đi này, Công ty CKC Pê-rô đã chính thức lấy nhà sàn gia đình ông Tâm và nhà ông Báo ở xã Tân Lĩnh làm điểm đến Lục Yên trong các tua du lịch tiếp theo cho du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Không hẹn mà gặp, không định mà làm, thế là gia đình ông Tâm bắt tay vào một nghề mới, đó là làm du lịch. Ngôi nhà sàn 5 gian gia đình ông ở bây giờ là một ngôi nhà sàn cổ được làm cách đây đã 70  năm với những hàng cột to chắc khỏe, hàng xà ngang, xà dọc, câu đầu bằng gỗ tốt đã lên nước đen bóng màu thời gian. Nhà sàn lợp lá cọ dày nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Để đi lại cho êm ông thay sàn giát tre vầu bằng ván gỗ rồi lát gạch men lên trên, làm mới thêm 3 gian nhà sàn nối tiếp thành 8 gian nhà khách và nhà ở. Nhà bếp 5 gian liên hoàn thông với phòng khách và phòng ở, diện tích dưới sàn để thoáng, các công trình phụ được bố trí thuận tiện hợp vệ sinh. Trong nhà sàn luôn thông thoáng, có phân thành các phòng ngủ riêng biệt cho du khách. Cổng ngõ vào sân được rải nhựa và bê tông. Trong khuôn viên nhà sàn ông trồng bồn hoa cây cảnh, cùng hòn non bộ và hệ thống nước lần được dẫn về ao cá rộng, bốn mùa nước ra nước vào, róc rách ngày đêm. Qua nhiều năm đầu tư, cải tạo nâng cấp đến nay, ông Tâm đã có một khu nhà sàn mang nét đẹp truyền thống rất đặc trưng, dân dã, mộc mạc mà sang trọng giữa không gian thuần khiết của đất trời. Gia đình ông Tâm có thể đón cùng lúc gần 30 khách du lịch nước ngoài đến ăn nghỉ dài ngày tại nhà. Bà Nông Thị Chuyền, vợ ông Tâm, trở thành đầu bếp chính trong các bữa ăn hàng ngày cho khách. Bà cho biết: khách nước ngoài rất thích các món ăn do tự tay bà nấu, các món ăn truyền thống của người Tày như nem rán, măng dồi, nộm dọc mùng, đặc biệt là món cá trắm, cá bỗng hấp cách thủy. Khách nước ngoài cũng rất thích ăn cơm gạo nương và các loại rau quả của Lục Yên. Một yêu cầu khắt khe của họ là thực phẩm (thịt cá, rau quả) phải đảm bảo vệ sinh an toàn. Thông thường một suất ăn cho du khách theo thực đơn có giá 60.000đ, một suất nghỉ qua đêm là 50.000đ, giá ăn và nghỉ đều được thỏa thuận giữa gia đình và các công ty du lịch lữ hành.

Hơn hai năm đã qua, công việc ngày càng thuận lợi hơn khi ông được nghỉ hưu có nhiều thời gian cùng gia đình chuyên tâm lo cho công việc. Khách du lịch nước ngoài từ Công ty CKC đến nghỉ tại nhà sàn tăng dần hàng năm. Tiếng lành đồn xa, lần lượt các công ty du lịch lữ hành khác như Công ty Viễn Đông, Công ty Xuyên Đông Dương, Công ty APT và Công ty du lịch Sa Pa (Lào Cai) đều đã liên lạc với gia đình ông để đưa du khách đến Lục Yên theo các tua du lịch lữ hành.

Cùng với đầu tư công sức, tiền của để nâng cấp hoàn thiện nhà sàn đón khách, ông Tâm còn đi tham quan nhiều nơi như làng người Mường ở Mai Châu (Hòa Bình) và một số địa phương khác trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm. Ông cũng đã trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ cho ông Triệu Tài Báo, Trưởng thôn làng Ính để cùng phối hợp đón khách du lịch. Cuốn sổ theo dõi tạm trú của gia đình ông còn ghi rất rõ ràng cụ thể ngày tháng năm, họ tên, tuổi, quốc tịch của từng du khách đã đến nghỉ tại gia đình theo hướng dẫn của cơ quan công an. Theo danh sách đó thì có tới 80% là người mang quốc tịch Pháp, còn lại là các nước Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân, Áo, Ca-na-đa và Mỹ. Chỉ chưa đầy 4 tháng đầu năm 2007 đã có 70 lượt khách nước ngoài đến nghỉ tại nhà ông Tâm. Chỉ riêng ngày mồng 1 tết Nguyên đán Đinh Hợi vừa qua đã có 35 khách du lịch đến Lục Yên trong đó có 22 khách nước ngoài nghỉ tại nhà ông Tâm và ông Báo, cùng đón xuân ăn tết với gia đình. Ngay trong tháng 4 năm 2007, Công ty CKC đã cùng ông Tâm, ông Báo đi khảo sát thực địa với một tuyến đi bộ leo núi dã ngoại qua các làng bản người Tày, người Dao, một tuyến đường thủy đi bằng mảng nứa trên dòng sông Chảy và con ngòi khu vực đền Đại Cại dự định đưa vào các tua du lịch sắp tới.

Cách làm du lịch của ông Tâm đang mở ra nhiều triển vọng. Ngôi nhà sàn truyền thống của các cư dân bản địa Lục Yên cùng bản sắc văn hóa lâu đời của họ đang được chính những người dân nơi này đánh thức. Cách làm du lịch bằng việc khai thác, tận dụng những tiềm năng sẵn có như ông Tâm, ông Báo không phải là mới, quan trọng là việc sáng tạo, kết hợp giữa cái “cần” và cái “có” chứ chưa hẳn cứ phải tiền nhiều mới làm du lịch tốt!

Đoàn Ngọc Lâm

Các tin khác
Bố con ông Phạm Văn Hùng thu hoạch cá.

YBĐT - Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về một đảng viên làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế trang trại, không cần phải nghĩ ngợi lâu, các anh lãnh đạo UBND xã Phú Thịnh (Yên Bình) đã cùng nhất trí giới thiệu ngay đảng viên Phạm Văn Hùng.

YBĐT - Đã 60 tuổi, bác Giàng Lùa Tủa có nhiều năm công tác ở xã Zế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Trong công tác cũng như về với đời thường, bác luôn là tấm gương sáng cho con cháu và mỗi cán bộ đảng viên, công chức cũng như bà con ở đây noi theo.

Ông Bùi Văn Địch giới thiệu với khách thăm quan về cách chăm sóc vải thiều. (Ảnh: Nguyễn Sơn)

YBĐT - Đến thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, ai cũng biết đến vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Bùi Văn Địch.

“Làm kinh tế vất vả và khó khăn lắm! Cuộc sống bây giờ không đơn giản như những ngày trước! Để kinh tế gia đình dư dật phải bươn trải lặn lội rất nhiều!”. Đó là câu nói của anh Nguyễn Minh Cách, thôn Khe Chè, xã Y Can khi chúng tôi đến thăm gia đình anh - một trong những hội viên làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục