Có chí thì nên
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nếu không được giới thiệu trước, chắc tôi không thể đoán được người thanh niên đang cặm cụi trồng hàng keo phía đằng xa lại là chủ của một trạng trại rộng trên 10 ha ở bản Giàu, xã Khánh Thiện (Lục Yên) và mỗi năm trang trại này cho thu nhập trên dưới 60 triệu đồng. Đó là chủ trang trại Hoàng Văn An. Anh An có dáng người nhỏ nhắn, nước da rám nắng, đôi mắt sắc sảo và trông già hơn rất nhiều so với tuổi của mình.
Anh Hoàng Văn An đang kiểm tra chất lượng những cây vải thiều mới ra quả vụ đầu tiên.
|
Khó khăn thách thức
"Không làm được đâu, sẽ thất bại đó" là từ mà rất nhiều người dân bản Giầu đã nói, khi nghe anh Hoàng Văn An nói về mô hình kinh tế trang trại của mình. Bởi vì theo họ thì sao có thể trồng cấy được trên mảnh đồi rộng trên 10 ha toàn cỏ may, đã bỏ hoang gần 20 năm, không có nước và nắng như thiêu như đốt.
Năm 1998, thấy anh An vẫn quyết định đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại, nhiều người đã nhìn anh với đôi mắt ái ngại xen chút thương cảm cho một ý tưởng mặc dù chưa triển khai đã cầm chắc đến 90% thất bại. Anh An tâm sự: "Mình là thanh niên mà không mạnh dạn làm thử thì chẳng lẽ cứ để cho đất hoang hoá sao? Chẳng lẽ mình vẫn mãi phải cam chịu cảnh đói nghèo? Vì thế, ngoài việc tích cực tìm hiểu, học tập các kỹ thuật chăm sóc cây con giống mới trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, mình còn trực tiếp đi tham khảo các mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao tại Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Giang... và thấy rằng nguyên nhân bà con nhân dân trong thôn mình còn nghèo là do chưa biết khai thác tiềm năng sẵn có của đồng đất quê hương".
Với quyết tâm đó, anh An đã lần lượt đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Một phần vì thiếu nước, một phần là do đất để hoang hoá quá lâu và sâu bệnh, trâu bò thường xuyên phá hoại, nên các loại cây anh đem về như: cam, hồng Vĩnh Lạc, đậu tương đều chưa đem lại hiệu quả. Mỗi lần thất bại là một lần rút kinh nghiệm, năm 2000, anh mạnh dạn dồn mọi khoản tiền tích cóp đầu tư bắc đường nước lên trang trại và đưa vào trồng thử các loại cây khác như hồng Tiễn, tre măng Bát Độ và vải thiều... đồng thời dần chuyển hướng sang phát triển đàn gia súc. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và vệ sinh chuồng trại tốt nên đàn gia súc nhà anh ngày càng phát triển.
Nếu tính trung bình mỗi một đầu gia súc là 7 triệu đồng thì vào thời điểm cách đây mấy năm nhà anh đã có tài sản lên đến hàng trăm triệu. Nhưng như muốn thử lòng người, đàn gia súc mà anh dày công chăm sóc đang phát triển tốt lại có nguy cơ mất trắng vì dịch lở mồm long móng. Khi hết dịch, tuy đàn gia súc không bị ảnh hưởng nhưng anh thua lỗ hàng chục triệu đồng vì trâu bò rớt giá. Những khó khăn và rủi ro liên tiếp từ việc đầu tư trồng cây đến chăn nuôi gia súc đã khiến toàn bộ số vốn mà hai vợ chồng anh vay mượn và tích cóp được đã không hề sinh thêm được đồng lãi nào.
Có chí thì nên
Những thất bại liên tiếp làm cuộc sống của gia đình anh vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Nhưng cũng chính thất bại đó đã giúp anh nhận ra rằng, phải kết hợp đa dạng các loại hình sản xuất nông lâm nghiệp theo nhu cầu của thị trường và chỉ có như vậy thì mới hạn chế được thua lỗ. Từ việc xác định được hướng đi, anh An đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư phát triển trồng rừng kinh tế với loại cây chủ đạo là keo lai và duy trì trồng trên 100 gốc vải thiều, 150 gốc hồng, 500 bụi luồng và chăn nuôi lợn, gà. Không phụ công người chăm sóc, 10 ha đất trống đồi trọc qua tháng ngày miệt mài của vợ chồng anh nay đã khoác lên mình một tấm áo mới của mầu xanh no ấm. Nhờ đó nợ được trả hết và bước đầu gia đình anh đã có tích lũy.
Chỉ tính riêng diện tích hồng và vải thiều, mỗi năm đã đem lại cho gia đình anh từ 20 đến 30 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh An hồ hởi kể cho chúng tôi nghe kế hoạch mở rộng trang trại: " Mình dự định sẽ vay thêm khoảng 50 triệu mua khu đất này để trồng thêm 1 vạn keo và 1 đến 2ha vải hoặc hồng. Nếu canh tác tốt thì chỉ cần 3 - 4 năm nữa, chắc chắn sẽ xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại VACR khép kín, cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng trên năm". Từ những thành công trong việc xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, rất nhiều gia đình trong xã đã tìm đến anh để học hỏi kinh nghiệm và liên kết làm ăn. Anh không ngại ngần hướng dẫn họ kỹ thuật chăm sóc cây con giống mới, đặc biệt là kỹ thuật vệ sinh phòng trừ dịch bệnh. Nhờ đó rất nhiều hộ gia đình tại Khánh Thiện đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chia tay anh Hoàng Văn An, chúng tôi thầm cảm phục những cố gắng của anh trong cuộc chiến với đói nghèo. Về với phố xá tấp nập, chúng tôi vẫn không quên lời nói hết sức chân thành và tâm huyết của anh: "Quê hương, đất nước ta không nghèo, cái nghèo chỉ tìm đến những người không cần cù và nỗ lực tìm cách tránh nó”.
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT - Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, tôi tìm đến nhà bác Vũ Hà Tiến ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình. Ngôi nhà sàn rộng rãi với nhiều tiện nghi hiện đại làm tôi khó có thể tin trước đây gia đình bác là một trong những hộ nghèo nhất xã.
YBĐT - Tháng 4 năm 1970, anh thanh niên Đỗ Văn Cầu lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Bị thương trong một trận đánh và được chuyển về tuyến sau điều trị, rồi tháng 10 năm 1971, anh chuyển ngành về công tác tại Phòng Tổ chức chính quyền thị xã Nghĩa Lộ, sau đó làm Đội trưởng của Lâm trường Ngòi Lao (Văn Chấn). Năm 1989, về nghỉ hưu tại xã Tân Thịnh (Văn Chấn), đó là thời điểm mà hoàn cảnh gia đình anh cũng như bao cựu chiến binh trong xã còn lắm khó khăn. Người cựu chiến binh Đỗ Văn Cầu đã luôn trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo cho gia đình và đồng đội.
YBĐT - Trở về từ chiến trường Tây Nguyên với thương tật 3/4, cựu chiến binh Mai Xuân Thìn - Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng (Văn Yên) không chịu ngồi yên mà đã nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương, từ bí thư Đoàn thanh niên, chủ nhiệm HTX nông nghiệp, công an viên… Rồi ông lại cùng gia đình bắt tay vào làm kinh tế, nào đóng gạch, nung vôi, làm thợ mộc, nuôi ong lấy mật, làm dịch vụ xay xát kết hợp chăn nuôi… tất cả để đảm bảo cuộc sống, kiếm đủ cái ăn cái mặc.
YBĐT - Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tám, thôn 4 xã Thịnh Hưng - huyện Yên Bình là một nông dân tiêu biểu về sản xuất giỏi.