"Người thương binh dũng cảm"
- Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách trung tâm huyện Lục Yên 10 km, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Kim Tô, sinh năm 1942 ở thôn Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc, thương binh hạng 1/4, bị nhiễm chất độc màu da cam được mệnh danh là “người thương binh dũng cảm”.
|
Năm 1963, ông Tô lên đường nhập ngũ. Trong trận đánh ngày 20, 21 tháng 9 năm 1967 tại đường 9 Nam Lào, ông bị thương, được xét tặng Huân chương Chiến công hạng Ba với danh hiệu “Người thương binh dũng cảm” và được vinh dự kết nạp Đảng.
Sau khi làm xong nhiệm vụ trên nước bạn Lào, đơn vị ông tiếp tục quay về tham gia chiến dịch Trị - Thiên - Huế. “Cái hôm cả đại đội vượt qua đồi Con Mèo đánh lên đồi Bò Tót ở Tà Ôi, rất nhiều người về đều kêu bị bỏng không rõ nguyên nhân nhưng đâu có biết rằng mình đã bị nhiễm chất độc da cam”. Sau 7 ngày đêm chiến đấu, ông bị thương vào mắt phải, sau đó được đưa ra Bắc điều trị. Năm 1970, ông ra quân, về địa phương với một vết thương nặng ở mắt trái, dọc theo tay, chân và mông; được công nhận là thương binh hạng 1/4; được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang và được Nhà nước Lào trao tặng 4 bằng khen, 3 giấy khen v.v…
Trở về với đời thường, ông bắt tay vào làm kinh tế. Ông được bà con gọi là “người giữ hồng trên núi”. Chuyện bắt đầu từ những năm tám mươi của thế kỷ XX, khi hồng Lục Yên gây được tiếng vang trên thị trường. Đó cũng là thời điểm ông Tô lập dự án thành lập Hội làm vườn của xã mà trọng tâm là trồng cây hồng không hạt. Sau khi dự án được phê duyệt, Hội làm vườn bắt đầu phát triển nhanh. Không lâu sau, cả xã Vĩnh Lạc đã đổi thay nhờ cây hồng. Cùng đó, ông tích cực chăm sóc 2 mẫu ruộng cấy hai vụ, năng suất năm nào cũng đạt trên 10 tấn. Cả khu đất của gia đình, ông xây dựng trang trại theo mô hình vườn, rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, đặc biệt đầu tư cho khu vườn hồng cây và hồng giống. Trung tâm của trang trại là căn nhà ông rộng rãi, thoáng mát được Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con xây tặng.
Tưởng chừng cuộc sống đã yên ổn thì oái oăm thay, các vết thương và chất độc điôxin mang trong người ông bắt đầu phát tác. Sau một buổi làm đồng, người ông nóng ran, ngứa dữ dội. Khắp người đỏ sậm như bị bỏng, các vết cào cấu đã rỉ nước vàng và máu loãng. Được đưa lên Bệnh viện Lục Yên, rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh ông đỡ hẳn. Nhưng chỉ một thời gian sau, căn bệnh lại phát. Lần này, Bệnh viện tỉnh phải chuyển ông lên tuyến trên. Nằm ở Bệnh viện Bạch Mai, ông mới biết mình đã bị nhiễm chất độc điôxin. Bảy tháng vật vã trên giường bệnh như người bị bỏng toàn thân ở độ cao nhưng ông không một lời kêu rên. Ông đã chết đi sống lại không dưới 10 lần. Các giáo sư, bác sỹ của Quân y viện 8 nghiên cứu và hỗ trợ chữa bệnh cho ông đã đề nghị Bộ LĐ,TB&XH phong tặng ông danh hiệu “Người thương binh dũng cảm”.
Vừa qua, ông là một trong năm gương mặt tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được đi dự “Hội nghị tổng kết phong trào đền ơn đáp nghĩa, biểu dương tập thể và người có công tiêu biểu toàn quốc” tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn 11, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên là người nông dân thành công trong phát triển kinh tế gia đình nhờ chăn nuôi lợn.
YBĐT - "Người công nhân gương mẫu" - đó là lời giới thiệu của mọi người về anh Hoàng Huy Nghĩa, Tổ trưởng Tổ lái máy Công ty Quản lý xây dựng đường bộ I.
YBĐT - Đến xã Sùng Đô huyện Văn Chấn, nếu nói đến trưởng thôn Giàng A Châu, dân tộc Mông ở thôn Giàng Pằng thì bà con nơi đây ai cũng biết, vì anh là người đã đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất và là người tự tìm cách vươn lên để thoát nghèo trong cuộc sống.
YBĐT - Hơn 20 năm trong ngành, trong đó phần lớn thời gian gắn bó với công tác phụ trách địa bàn, đại úy Trần Đình Vương - Đội phó Đội Công an phụ trách xã, Công an huyện Yên Bình đã hết lòng vì sự bình yên của nhân dân. Ngoài chức vụ Đội phó Đội Công an phụ trách xã, anh còn là Cụm trưởng cụm trung tâm, trực tiếp phụ trách địa bàn thị trấn Yên Bình.