Người đảng viên kiên trung
- Cập nhật: Thứ tư, 29/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ông Tăng Ngọc Định, 78 tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Yên Thắng (Lục Yên), ông là cán bộ tiền khởi nghĩa đã nghỉ hưu nhiều năm nay và trở thành một già làng rất có uy tín.
Ông Tăng Ngọc Định thường xuyên đọc sách báo tìm hiểu thông tin để truyền đạt cho mọi người.
|
Ông Định sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho. Vốn có trí tuệ thông minh, có bản lĩnh và sớm giác ngộ cách mạng, năm lên 9 tuổi, ông đã học chữ Nho và 14 tuổi, ông đọc thông viết thạo chữ Nho và chữ quốc ngữ. Thời niên thiếu ông đã chứng kiến bọn cường hào, tiên chỉ, lý dịch cưỡng bức, hà hiếp dân thường, thấy nhiều cảnh bất công.
Tháng 6/1945, Đội tuyên truyền giải phóng quân bí mật đến địa phương, xây dựng lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ông Định ghi lòng sâu sắc lời tuyên truyền của ông Đội Hà "Dân ta phải đánh Pháp, đuổi Nhật, xóa bỏ áp bức bóc lột, thực hiện bình đẳng, bình quyền". Kinh, Thổ, Tày, Nùng là anh em một nhà. Dân ta theo Đảng thì cơm no, áo ấm, được học hành tiến bộ. Ông thấy những điều đó rất hợp với ý nguyện của mình nên ông xung phong gia nhập đội tự vệ chiến đấu. Ông hăng hái luyện tập, đánh trận giả bằng súng gỗ mà khí thế bừng bừng, thu hút ngày càng đông lực lượng, phát triển thành đội du kích, làm cho chính quyền địch hoang mang, tạo thuận lợi để giành chính quyền nhanh chóng.
Sau Cách mạng tháng 8/1945 ông làm giáo viên và làm Trưởng ban bình dân học vụ xã. Từ năm 1946 đến 1949 được tỉnh công nhận xã xóa nạn mù chữ và ông được tặng bằng khen của tỉnh Yên Bái. Tháng 03/1949 ông được kết nạp đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Cùng thời gian đó ông được bầu vào HĐND xã.
Nhận thấy ông Định có uy tín cao, có khả năng phát triển, năm 1950 ông được cấp trên phân công giữ chức Bí thư Huyện đoàn Lục Yên.
Năm 1962, Tỉnh ủy Yên Bái quyết định điều ông lên Tỉnh đoàn làm nhiệm vụ của Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn. Do tính năng động, xông xáo, ông vẫn dành nhiều thời gian đi các xã, củng cố hợp tác xã, xây dựng cánh đồng năng suất cao, phát động phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng"...
Tháng 9/1970, ông Định đủ thời gian công tác nghỉ hưu và ông trở lại địa phương với ý định chỉ chú tâm củng cố kinh tế gia đình. Nhưng đến năm 1972, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 195 và Chỉ thị 192 về củng cố Đảng, thế là yêu cầu nhiệm vụ cách mạng lại không cho phép ông được "nghỉ hưu". Huyện ủy Lục Yên nhờ ông Định giúp truyền đạt nghị quyết trung ương cho Đảng bộ xã Yên Thắng. Qua đó, khả năng, uy tín của ông càng được khẳng định. Ông được bầu vào HĐND xã làm Phó chủ tịch xã rồi lại được bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ xã, kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã hợp nhất, kiêm chính trị viên quân sự. Ông lại có cơ hội tiếp tục cống hiến hết mình cho quê hương.
Trong mọi công việc, ông Định đều đưa Yên Thắng trở thành đơn vị lá cờ đầu của huyện và cách làm việc của ông rất kiên quyết nhưng thấu tình, đạt lý, thắm đượm tình nhân ái.
Trải qua hơn chục năm liên tục làm Bí thư Đảng ủy xã, đến 1985 ông mới hoàn toàn nghỉ công tác. Dẫu vậy, cái tâm, cái tầm của một đảng viên kiên trung như ông vẫn luôn tỏa sáng. Ông Định dồn tâm vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, trong đó có sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân tộc Nùng ở địa phương. Chẳng hạn, tập tục trước đây làm tang ma phải 2 đêm 3 ngày, nay ông khéo sắp xếp, cải tiến từng phần việc hợp lý nên đám ma chỉ làm 1 đêm. Bà con ở xã Yên Thắng đều học và làm theo ông, giúp cho việc hiếu tiết kiệm được thời gian, tiền của, lại phù hợp qui ước của làng văn hóa.
Ông Định tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, gương mẫu đóng góp các loại quĩ, tích cực tham gia sinh hoạt và phát biểu những ý kiến có trọng lượng, giúp cho thôn bản giữ vững làng văn hóa. Cả nhà ông có ba thế hệ cùng chung sống và là một gia đình cách mạng gương mẫu đáng để mọi người học tập, noi theo.
Xuân Khánh - Thu Hương
Các tin khác
YBĐT - Được sự giới thiệu của Đảng ủy xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình, Yên Bái) chúng tôi tìm đến thôn Miếu Hạ. Ở đây có gia đình thương binh Nguyễn Ngọc Châm, quê ở Phú Thọ là một Đảng viên vượt khó vươn lên làm giàu.
YBĐT - Vừa là người con hiếu thảo, chăm ngoan, Vàng Thị Tâm Trang dân tộc Mông, sinh năm 1997, quê xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn liên tục 4 năm đạt học sinh giỏi.
YBĐT - Đó là anh Trần Văn Phú ở thôn 9, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Năm 1987, tốt nghiệp Trường trung cấp Thủy sản TW 1, anh về công tác tại Trại cá giống Báo Đáp và nhưng chỉ sau một thời gian tham gia hoạt động, Trại cá giống của xã giải thể, anh đã mạnh dạn đứng ra nhận 0,7 ha mặt nước ao và toàn bộ tài sản gồm nhà xưởng và bể ấp trứng để khôi phục lại nghề sản xuất cá giống mà bấy lâu mình yêu thích.
YBĐT - Sinh ra trong một gia đình người Dao nghèo ở xã Động Quan, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Anh Lý Văn Thụ đã trải qua đói khổ và phải tự lập rất sớm để kiếm sống. Trăn trở trước cái đói, cái nghèo, anh bàn với gia đình tìm đất khai hoang ruộng để trồng lúa. Sau nhiều năm kiên trì, đến nay gia đình anh trở thành một trong những gia đình người Dao tiêu biểu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương vượt khó, biết làm giàu từ nghề trồng rừng.