Người đem màu xanh cho đất
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cô cán bộ khuyến nông vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Lại Minh Tiến ở thôn Trấn Ninh 1, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái(Yên Bái). Đã 72 tuổi nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh lại là người năng động, chịu khó lao động và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nên hàng năm ông luôn đạt danh hiệu cựu chiến binh sản xuất giỏi của xã.
CCB Lại Minh Tiến - xã Tân Thịnh - TP Yên Bái bên vườn quả mang lại thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng mỗi năm.
|
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hà Nam, năm 1968 ông nhập ngũ, vào Sư đoàn 320 Quân khu 3. Trải qua những năm tháng chiến đấu, đến năm 1974 ông xuất ngũ trở về với vùng quê còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Cảnh nghèo đói của gia đình đã khiến ông nảy sinh ý định lên Yên Bái và ông đã chọn xã Tân Thịnh là nơi dừng chân tạo dựng cơ nghiệp ở một vùng đồi núi lau lách um tùm.
Ngày ngày ông cùng vợ con lên rừng phá bỏ lau lách, khoanh nuôi một số cây rừng tái sinh, kết hợp trồng một số loài cây lâm nghiệp như keo, bồ đề và lấy nứa củi để bán. Chỗ đất đai màu mỡ ông trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như: sắn, ngô, đậu, để phục vụ sinh hoạt gia đình và phát triển chăn nuôi.
Vào thời điểm năm 1993, Đảng và Nhà nước có chủ trương giao đất rừng tới hộ gia đình, ông mạnh dạn nhận 7 ha đất rừng để phát triển kinh tế trang trại. Những năm đầu vừa học hỏi vừa làm cũng chỉ đủ ăn hoặc dư thừa chút ít thì ông đầu tư vào chăn nuôi để có nguồn phân phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hàng năm ông xuất bán được từ 6 - 7 tạ lợn hơi, gây dựng và phát triển gần 100 con gà thả vườn và chăm sóc trên 500m2 vườn gồm các loại rau theo mùa vừa cải thiện bữa ăn gia đình vừa mang lại thu nhập từ 3-4 triệu đồng mỗi năm.
Phía sau nhà, lợi dụng 3 sào đất bằng phẳng ông đào 2 ao thả cá bằng các giống như: chim trắng, trắm cỏ mỗi vụ xuất bán trên 3 tạ cá thịt được 5 triệu đồng. Với 2,5 ha chè được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn nên hàng năm nhà ông thu được trên 10 tấn búp tươi, mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Trên diện tích đồi gò gần nhà, ông đã biết cải tạo để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế gồm: 100 cây cam Đường canh, trên 100 cây chanh tứ thời và 50 cây vải, hàng năm thu từ 4-5 tấn quả các loại và thu nhập đạt từ 12-15 triệu đồng. Hiện tại gia đình ông có 4 ha keo 7 tuổi, 1 ha bồ đề và 2 ha bạch đàn đang hứa hẹn một nguồn thu đáng kể trong những năm tới.
"Gia đình tôi có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ có cán bộ nông nghiệp đã giúp đỡ rất nhiều. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật tổ chức tại xã, qua đài, qua sách báo tôi đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cách bố trí trang trại VACR hợp lý nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm trừ các khoản chi phí gia đình tôi thu lãi từ 45-50 triệu đồng, do đó có điều kiện nuôi các con ăn học và mua sắm các tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt gia đình" - Ông tâm sự.
Miệt mài lao động, gia đình ông đã biến cả một vùng đất cằn cỗi, rậm rạp thành một vùng đất trù phú với màu xanh bạt ngàn của các loại cây rừng, cây nguyên liệu, cây ăn quả và chè. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn về vốn, giống cây trồng và phổ biến kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Người chiến sỹ năm xưa từng xả thân vì đất nước, nay lại cần cù, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống mới, ông Tiến xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người cùng học tập và làm theo.
Phạm Thị Thủy
Các tin khác
YBĐT - Ông Tăng Ngọc Định, 78 tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Yên Thắng (Lục Yên), ông là cán bộ tiền khởi nghĩa đã nghỉ hưu nhiều năm nay và trở thành một già làng rất có uy tín.
YBĐT - Được sự giới thiệu của Đảng ủy xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình, Yên Bái) chúng tôi tìm đến thôn Miếu Hạ. Ở đây có gia đình thương binh Nguyễn Ngọc Châm, quê ở Phú Thọ là một Đảng viên vượt khó vươn lên làm giàu.
YBĐT - Vừa là người con hiếu thảo, chăm ngoan, Vàng Thị Tâm Trang dân tộc Mông, sinh năm 1997, quê xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) còn liên tục 4 năm đạt học sinh giỏi.
YBĐT - Đó là anh Trần Văn Phú ở thôn 9, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Năm 1987, tốt nghiệp Trường trung cấp Thủy sản TW 1, anh về công tác tại Trại cá giống Báo Đáp và nhưng chỉ sau một thời gian tham gia hoạt động, Trại cá giống của xã giải thể, anh đã mạnh dạn đứng ra nhận 0,7 ha mặt nước ao và toàn bộ tài sản gồm nhà xưởng và bể ấp trứng để khôi phục lại nghề sản xuất cá giống mà bấy lâu mình yêu thích.