“Ông bưu tá” nơi vùng cao Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ ba, 11/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở địa bàn phường, xã, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, không có một nhân viên phục vụ nào lại có liên quan mật thiết với mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân trên địa bàn của mình như nhân viên bưu tá. Anh Lò Văn Son, dân tộc Thái ở bản Hát, xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là một trong những nhân viên bưu tá đã gắn bó suốt đời với nghề.
|
Sinh năm 1957 trong một gia đình nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn nên năm 16 tuổi, anh Son xin vào làm nhân viên bưu tá của Bưu điện huyện Trạm Tấu. Năm nay tròn 50 tuổi đời, nhưng anh đã có tới 34 năm trong nghề cùng với bao kỉ niệm... Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, như con ong cần mẫn, anh hối hả với hàng loạt các công văn, thư tín, báo chí, bưu phẩm, bưu kiện... mang đến các xã vùng sâu, vùng xa.
Dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, hay vui đùa, anh luôn tận tâm với công việc. Giọng nói, nụ cười cũng như hình ảnh của anh đã trở nên quen thuộc với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trạm Tấu. Và anh được mọi người gọi bằng cái tên thân mật: “Ông bưu tá”.
Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, đường sá toàn đèo cao, dốc thẳm, đi lại rất khó khăn. Nhưng vì tính chất công việc nên quanh năm suốt tháng, anh có mặt trên mọi nẻo đường. Nhớ hồi đầu mới vào nghề thì đi xe “căng hải”, 5 giờ sáng đã phải khoác ba lô đi bộ 18 cây số đường rừng xuống trung tâm huyện lấy thư, báo, công văn, bưu phẩm, bưu kiện. Sau khi nhận về, anh luôn phải phân loại, ghi chép vào sổ từng loại cho từng cơ quan, ban, ngành ở từng xã rồi lại bắt đầu cuộc hành trình đến các bản, làng xa heo hút chân mây.
Xã này qua xã khác cũng đã 20 cây số chứ chưa nói đến việc đi tới bản, như bản Chống Chùa (Tà Xi Láng) phải đi bộ từ 3 - 4 ngày mới tới nơi. Tính ra cả đi lẫn về, mỗi ngày anh đi bộ tới cả trăm cây số. Để có cuộc hành trình dài ngày đến các xã xa xôi nhất, anh phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm như chắt gạo vào ống nứa, một ít mì sống ăn sẵn cùng lương khô kèm theo và cứ thế, dấu chân anh đã in trên nhiều nẻo đường như Bản Công, Bản Mù, Tàng Ghênh (Xà Hồ), Bản Hát (Hát Lừu), Bản Chí Lư (Phình Hồ), bản Tá Khoan (Túc Đán) hay bản Chống Chùa (Tà Xi Láng) v.v...
Hai năm vào nghề, đến năm 1975, anh đã sắm được một chiếc xe đạp và 24 năm sau thì có xe máy nên bớt đi phần nào những vất vả. Nhưng đồng thời công việc của một nhân viên bưu tá lại ngày càng nhiều, nặng nề và gấp gáp hơn. Mùa nắng thì bụi bặm bạc cả đầu, còn mùa mưa thì cực hết chỗ nói, sạt lở và lũ suối luôn rình rập. Có nhiều hôm đưa thư đến các bản xa, gặp trời mưa lớn, cả người ướt đẫm nhưng những bưu phẩm mà anh “cõng” trên lưng vẫn đảm bảo khô ráo đến tận tay người nhận.
Anh tâm sự: “Có lẽ, kỷ niệm để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong mình là hồi tháng 9/2005, khi cơn bão số 6, số 7 đổ về, nhưng nhiệm vụ thì vẫn diễn ra như mọi ngày, không được chậm trễ. Mưa to gió lớn, nước lũ ngập hết các con sông, con suối, cầu cống, đặc biệt cầu Thia bị chia cắt nên các phương tiện không lên được Trạm Tấu, mình phải vác bộ tất cả thư, báo, công văn... từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện”. Gian khổ, khó khăn là vậy, song suốt quãng thời gian qua, anh không hề nản lòng hay bỏ cuộc trước bất cứ một khó khăn nào, bởi anh luôn tâm niệm: “Mình đã làm đơn tự nguyện xin vào ngành thì phải sống chết vì nghề, phải giữ vững lập trường, trọn tình, trọn nghĩa với nghề mình đã chọn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Chị Đồng Thị Hem, vợ của anh Son không giấu được nỗi niềm: “ Ôi, khổ lắm! Có nhiều khi đang dở cơm nhưng các anh trong cơ quan gọi điện tới báo đưa thư hỏa tốc đi cơ sở thì anh cũng sẵn sàng bỏ bữa để đi ngay cho kịp. Hay nhiều đêm về muộn do bị sạt lở tắc đường, tôi và các con ở nhà lo lắng, tìm kiếm khắp nơi. Dù vậy nhưng nhiệm vụ của chồng thì phải hoàn thành nên tôi chỉ biết an ủi, động viên thôi”.
Với đồng lương ít ỏi cho một công việc quá vất vả, song anh không hề dao động, chùn bước mà vẫn luôn yêu nghề, khắc phục khó khăn, làm việc với tinh thần lạc quan, trách nhiệm cao nên báo chí, công văn, thư tín... không bao giờ bị chậm trễ, thất lạc. Bên cạnh công việc, anh còn có niềm vui từ gia đình với 2 con gái, 3 con trai. Các con đều chăm ngoan, học giỏi và người vợ thì luôn động viên anh làm tốt công việc của một nhân viên bưu tá.
Khó có thể tổng hợp được những con số cho từng loại báo chí, công văn, thư từ, bưu phẩm, bưu kiện mà anh Son đã nhận và phát đến từng đối tượng suốt 34 năm qua. Chỉ biết rằng, công việc của anh đã góp phần đưa thông tin, ánh sáng văn hóa, văn minh đến từng bản làng và là nhịp cầu nối những niềm vui đến với đồng bào nơi vùng cao Trạm Tấu.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Năm 1968, chàng thanh niên Phạm Huy Lãng tạm biệt người thân lên đường tòng quân cứu nước. Năm 1985 ông trở về quê hương và tiếp tục công tác tại Công ty Chè Bảo Ái. Đến năm 1991 ông về nghỉ chế độ ở thôn 6 xã Thịnh Hưng (Yên Bình). Nhìn đàn con ăn không được no, mặc chưa đủ ấm, nhà cửa thì rách nát ông không khỏi băn khoăn làm thế nào để thoát nghèo. Sau nhiều trăn trở, ông bàn với vợ phát triển kinh tế trang trại với quyết tâm xóa bằng được đói nghèo bằng chính tiềm năng đất đai của gia đình.
YBĐT - Hơn 36 năm tuổi nghề, 30 năm làm tổ trưởng, trạm trưởng Lê Văn Sông lăn lộn hầu hết ở các vị trí công tác, người thợ điện bậc 7/7 thật xứng đáng là con người được tôn vinh là người có nhiều sáng kiến nhất trong ngành Điện lực Yên Bái.
YBĐT - Trong cuộc trò chuyện cởi mở tại Xưởng sửa chữa thuộc Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, Thượng úy Nguyễn Văn Sơn nói nhiều đến công việc chung của đơn vị mà ít nói về bản thân mình. Nhìn vẻ bề ngoài anh cũng bình thường giản dị như bao người lính chuyên nghiệp khác, nhưng qua tiếp xúc, càng thấy cháy bỏng trong anh là sự yêu nghề, say mê công việc và khả năng tìm tòi sáng tạo.
YBĐT - Bùi Thị Thu Nga là một trong những "bông hoa đẹp" của tỉnh Yên Bái tham dự "Liên hoan đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc lần thứ IV năm 2007" tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.