Con người của những sáng kiến

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hơn 36 năm tuổi nghề, 30 năm làm tổ trưởng, trạm trưởng Lê Văn Sông lăn lộn hầu hết ở các vị trí công tác, người thợ điện bậc 7/7 thật xứng đáng là con người được tôn vinh là người có nhiều sáng kiến nhất trong ngành Điện lực Yên Bái.

Anh Lê Văn Sông (bên phải) đang kiểm tra máy biến áp.
Anh Lê Văn Sông (bên phải) đang kiểm tra máy biến áp.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng, năm 1963 theo gia đình lên lập nghiệp ở Lào Cai, lúc đó Lê Văn Sông mới 13 tuổi. Nhưng lòng yêu nghề điện đã theo anh khi đang học phổ thông. Năm 1968 học xong phổ thông, anh đăng ký vào học lớp công nhân điện khóa 4 của Nhà máy điện Lao Cai. Tháng 5/1971, anh tốt nghiệp về nhận công tác ở Đội đường dây của Nhà máy điện Lào Cai và được phân công đi nghiệm thu đường dây 110kv Việt Trì - Thác Bà, một công việc hoàn toàn mới mẻ với một người vừa học xong như anh.

Để kiểm tra các mối ghíp nối dây dẫn đường dây trên cao rất khó, đặc biệt các ghíp nối giữa khoảng, anh đề xuất phương án làm dàn giáo kiểm tra. Cách làm của anh được cấp trên chấp nhận và áp dụng ngay. Kết quả thật không ngờ mang lại hiệu quả cao, được các chuyên gia Liên Xô đánh giá cao và tặng thưởng cho cả nhóm công tác 20.000 đồng, số tiền này vào thời điểm lúc đó thật vô cùng lớn.

Trong quá trình làm việc anh đã có nhiều sáng kiến áp dụng trong sản xuất, hợp lý hóa sản xuất. Năm 1988 khi thi công xây dựng tuyến đường dây 35kv cấp điện cho huyện Văn Yên, tuyến đường dây này đi qua một khu đầm lầy khá rộng, địa hình rất phức tạp không có một phương tiện cơ giới nào có thể đưa vào đây để vận chuyển cột, xà, sứ và các phương tiện, vật tư khác để thi công được. Thời gian đóng điện đường dây rất gấp mà vẫn chưa có phương án xử lý. Trong khi chờ cấp trên đưa ra phương án giải quyết, anh đề xuất cách xử lý là dùng những cây chuối to đóng thành bè để vận chuyển cột qua đầm lầy. Đề xuất của anh được chấp thuận và cho thử nghiệm. Kết quả vượt quá mong đợi, giảm được rất nhiều nhân công và sức lực đồng thời tiến độ thi công nhanh rõ rệt, vượt thời gian cho phép, đảm bảo tiến độ đóng điện kịp thời gian. Sáng kiến này được đánh giá cao trong lễ khánh thành đóng điện đưa đường dây vào vận hành. Nhiều công trình thi công sau này gặp địa hình tương tự đều áp dụng sáng kiến này.

Năm 1992 anh được phân công làm Trạm trưởng Trạm điện thành phố Yên Bái. Khu vực anh quản lý rất phức tạp, địa bàn rộng với hơn 9.700 khách hàng, doanh thu tiền điện hàng tháng hơn một tỷ đồng. Vừa phải quản lý hơn 30 km đường dây hạ áp với gần 60 trạm biến áp phân phối, trạm của anh còn phải quản lý hai tuyến đường dây 35kv, bốn tuyến đường dây 10kv với tổng chiều dài hơn 35km.

Để công tác quản lý, vận hành ổn định, cung cấp điện liên tục cho khách hàng, giảm tổn thất điện năng, nâng giá bán bình quân lên anh đề xuất với Chi nhánh thành phố Yên Bái và lãnh đạo Điện lực Yên Bái đưa việc giao khoán đến nhóm và người lao động, gắn trách nhiệm của người lao động với hiệu quả công việc. Thông qua cách làm này người lao động thấy được trách nhiệm của mình. Kết quả là tỷ lệ tổn thất điện năng khu vực trạm anh quản lý giảm xuống còn 5,9%, công tác áp giá kinh doanh được làm thường xuyên triệt để không bỏ sót khách hàng nào, đồng thời việc kiểm tra giám sát được tăng cường nên giá bán bình quân nâng lên 732đ/kwh. Tình trạng dư nợ tiền điện đã hoàn toàn chấm dứt. Hoạt động điện lực của trạm do anh quản lý đã đi vào nề nếp, ổn định hiệu quả công việc ngày một nâng cao.

Trạm quản lý điện thành phố thuộc Chi nhánh thành phố Yên Bái luôn dẫn đầu ngành Điện lực Yên Bái trong nhiều năm qua. Vai trò của anh - người trạm trưởng như một nhạc trưởng của tập thể 18 con người gắn bó, chia sẻ với nhau trong công tác cũng như trong đời sống thường nhật. Anh thật sự như một người anh của một tập thể này, dìu dắt các thế hệ đàn em trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ chung.

Trong qua trình vận hành, các tuyến đường dây hạ áp hay bị quá tải nên thường xuyên phải phân tuyến. Việc phân tuyến này trước đây thường sử dụng cách làm cũ là chọn những vị trí cột có xà kép để phân tuyến tại đây. Cách làm này vừa mất thời gian và tốn nhiều vật tư như phải thêm 2,5m dây và 12 ghíp. Hơn nữa cách này phải nối dây gần đầu cột, đây là việc rất tránh trong lưới điện vì sẽ gây phát nhiệt ở các mối nối và đây là nguyên nhân gây ra tổn thất điện năng.

Anh suy nghĩ thấy không hợp lý tìm cách giải quyết. Chỉ với hai thanh thép dẹt tận dụng 40x3 và 02 quả sứ bướm anh đã gia công được bộ kẹp phân tuyến hạ áp. Gá bộ kẹp vào xà của cột cần phân tuyến bằng hai bu lông. Chỉ cần hai người dùng 2 kích kéo chùng dây thì việc phân tuyến trở nên rất đơn giản, đặc biệt không cần phải sử dụng thêm dây dẫn, số lượng ghíp giảm xuống còn 6 ghíp, giảm được một nửa thời gian thi công giảm xuống chỉ còn 1 giờ so với 3 giờ trước đây. Sáng kiến này đã được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong vận hành.

Để giảm tổn thất điện năng, tránh tình trạng câu móc của khách hàng, thay thế dần các tuyến hạ áp dây dẫn trần bằng cáp vặn xoắn, đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị, năm 2000 Điện lực Yên Bái tiến hành thay dây dẫn trần bằng cáp vặn xoắn trên các tuyến hạ áp. Trong quá trình thi công kéo cáp vặn xoắn anh thấy việc kéo cáp bằng tay tốn nhiều lao động và rất vất vả. Anh suy nghĩ tìm ra cách kéo mới năng suất cao hơn, giảm được số lao động bằng việc dùng một dây da an toàn (dây đã thải loại - chỉ lấy phần dây chính có móc) quấn một đầu dây an toàn có móc vào đầu cáp để kéo. Kết quả, chỉ với hai công nhân nhưng lại có thể kéo dễ dàng một dây cáp rất nặng, đặc biệt là không làm sây sát cáp. Sáng kiến này được đưa vào áp dụng ngay và đạt được kết quả rất khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 36 năm tuổi nghề, 30 năm làm tổ trưởng, trạm trưởng lăn lộn hầu hết ở các vị trí công tác, người thợ điện bậc 7/7 thật xứng đáng là con người được tôn vinh là người có nhiều sáng kiến nhất trong ngành Điện lực Yên Bái. Sáng kiến của anh đã mang lại lợi ích kinh tế và giảm bớt sự nhọc nhằn cho công nhân ngành Điện lực. Những cống hiến của anh đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua khen thưởng của tỉnh, Công ty Điện lực I và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 Nguyễn Trung Cao

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục