Những người lính đeo xà cột da

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa hè năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt thị xã Yên Bái. Đáp ứng kịp thời công tác phục vụ chiến đấu và sản xuất, ngành Bưu điện đã thành lập "Đội thanh niên xung kích đường dây" được gọi là "Đội xung kích 15A".

Nguyễn Văn Minh và Vũ Hồng Văn đang làm nhiệm vụ.
Ảnh: hồng vân (chụp năm 1966)
Nguyễn Văn Minh và Vũ Hồng Văn đang làm nhiệm vụ. Ảnh: hồng vân (chụp năm 1966)

Họ là những thanh niên vừa tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, là những chàng trai từ đồng ruộng, từ những đơn vị thanh niên xung phong đi khai hoang khi Yên Bái chưa có chiến tranh, với nhiệt huyết cách mạng viết đơn tình nguyện vào đội đường dây cảm tử của ngành.

Họ được đào tạo cấp tốc và nhận nhiệm vụ ở những nơi chiến sự nóng bỏng để phục hồi và giữ vững mạch máu thông tin liên lạc cho Tổ quốc. Toàn đội có trên ba chục chiến sỹ được biên chế trực chiến theo từng tổ, chốt giữ từng khu vực Văn Phú - Ấm Thượng, thị xã Yên Bái, Trấn Yên, Mậu A - Trái Hút, Lâm Giang - Lang Khay và Bảo Hà - Lang Thíp do đồng chí Trần Khai Lai làm Đội trưởng và đồng chí Trần Quang Tuyên làm Đội phó.

Cả một chiến tuyến dài trên một trăm cây số chạy dọc con đường sắt huyết mạch và nhiều cầu cống quan trọng là trọng điểm đánh phá của máy bay giặc Mỹ cùng thị xã Yên Bái. Vũ khí của họ là chiếc xà cột da - máy điện thoại đi đường - luôn đeo bên mình cùng túi phụ tùng và cái sừng bò cuốn dầy dây súp, kèm thêm khẩu K44 sẵn sàng chiến đấu và bắt giặc lái.

Ngay từ những ngày đầu, các chiến sỹ đường dây 15A đã trực tiếp đối đầu với máy bay, bom đạn của giặc. Hôm ấy, tổ xung kích ở thị xã do đồng chí Khánh chỉ huy tiếp tục tháo gỡ máy móc ở khu Nhà máy Điện để chuyển về nơi sơ tán thì máy bay địch ập đến đánh phá dữ dội, Khánh chỉ kịp hô: "Tất cả xuống hầm" thì mặt đất đã chao đảo, tiếng bom nổ gần chỉ nghe "ục" rồi đất đá, gạch ngói, cành cây rơi rào rào. "Xuống chưa ?". "Xuống rồi ạ". "Thằng Vượng đâu ?". "Em đây". "Thằng Văn, anh Thùy đâu ?". "Đây rồi, còn sống".

Bom lại nổ đến nghẹt thở, lép ngực, lồi mắt, u tai, khói đen đắng khé họng. Khánh nhô lên gào: "Còn đủ không ?", "Còn đủ" - những tiếng gọi đáp lẫn trong tiếng rốc két. Bỗng có tiếng Hùng kêu: "Có xe bộ đội bị bốc cháy anh Khánh ơi !". Bóng Khánh đã vọt lên: "Theo tôi !". Cả bốn lao về phía chiếc ô tô đang loang loáng lửa. Họ cởi áo, bẻ cành cây, bốc cát, bốc đất xúm lại dập lửa mặc bom nổ, đạn bắn tung mặt đất.

Tiếng máy bay xa dần cũng là lúc ngọn lửa cuối cùng tắt hẳn, chiếc xe bốc nóng hừng hực, cánh cửa được bật mở, mấy anh em lúc này mới nhận ra là xe cứu thương của bộ đội pháo phòng không Trung Quốc, trong xe chở đầy đạn pháo. Chẳng kịp hỏi nhau một câu, chỉ những cái tay vẫy vẫy rồi cùng về vị trí của mình.

Cũng tại khu ga, Đài trưởng Đặng Bá Diễm trực tiếp chỉ huy các chiến sỹ Minh, Hùng, Tuyết nối lại đường dây vừa bị địch đánh phá. Máy bay Mỹ lại ập đến, bác Diễm quát to: "Minh, xuống đi! Hùng, Tuyết sẵn sàng chiến đấu".

Tiếng lên đạn lách cách lẫn trong tiếng "Vâng" của Minh song bác Diễm thấy Minh vẫn bình tĩnh tác nghiệp, máy bay cắm xuống bên này để bắn rốc két thì Minh xoay mình sang phía cột bên kia, nó cắm bên kia Minh xoay sang bên này như hai kẻ đang chơi ú tim. Khi tốp máy bay vòng ra xa lấy độ cao cũng là lúc anh kéo được hai đầu dây ngoắc vào nhau và xoắn lại. Vừa nhảy xuống đến đất thì bom lại nổ rung chuyển, mảnh bom xé gió rợn sống lưng, chiếc mũ cối trên đầu Minh văng đâu mất, bác Diễm chụp cho Minh cái mũ rơm kèm thêm câu: "Cậu liều lắm !". Minh cười từ tốn: "Ném bom là việc của nó, nối dây là việc của bác cháu mình. Cứ thế mà làm thôi ạ".

Ngày hôm sau, tại khu vực Ấm Thượng, Đội trưởng Lai với chiếc "sừng bò" đầy dây đang tiếp cho Văn và Vượng đang ở trên hai đầu cột thì một tốp F105D ập tới chơi luôn hai loạt bom phá, Vượng bị sức ép cướp đi không còn gì trên người, may chiếc dây da bảo hiểm còn giữ Vượng lại lúc lắc trên đầu cột, anh vẫn gào: "Anh Lai, cứu thằng Văn !". Đầu cột của Văn bị gãy gục, Văn đánh đu chơi vơi như người đang chơi xà đơn cùng cái dây da bảo hiểm, anh Lai trèo lên tháo cho Văn rồi cả hai cùng rơi tòm xuống ao. Lóp ngóp bò lên thì một loạt đạn 20 li của máy bay địch bắn xé tung làn nước, bùn đất chụp cả lên người.

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, chiều 31/5/1966 đánh dấu sự hủy diệt nghiêm trọng của giặc Mỹ đối với thị xã Yên Bái. Hơn ba tiếng đồng hồ không lúc nào ngớt tiếng máy bay và bom đạn, lửa ngùn ngụt cháy khắp thị xã, khói đen che kín một vùng đất, hố bom nối tiếp hố bom, cột điện oằn gãy chẳng còn một mẩu dây nơi đầu cột. Trời về chiều, tiếng máy bay lặng dần, các chàng trai 15A khoác xà cột da lên vai lao thẳng ra chiến trường. Gặp lực lượng bảo vệ quân đội, họ trình thẻ đặc nhiệm rồi tiếp cận những khu vực đã định theo phương án. Những đường dây dần dần được nối lại, chỗ vươn lên đầu cột, chỗ lượn lên taluy, vắt qua cành cây rồi buông dần xuống lại lên đầu cột thẳng tắp như những sợi dây đàn.

Dọc tuyến các anh phải thận trọng nhặt từng quả bom bi, loại quả na, quả dứa đặt vào chiếc rành cát rồi chuyển về nơi tập kết, bình tĩnh rải dây qua những điểm còn bom nổ chậm chưa kịp tháo kíp và cảnh giác khi gặp biển báo có bom từ trường. Khi Đội trưởng Lai báo cáo về Tổng đài: "Đường dây đã thông suốt" thì cũng là lúc anh được lệnh đưa anh em về lán, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày hôm sau.

Cùng với nhiệm vụ nặng nề giữ vững đường dây thông suốt trên tuyến đường Ấm Thượng - Bảo Hà, được sự phê duyệt của Tổng cục, ngành Bưu điện Yên Bái quyết định thực hiện "Kế hoạch K4", thiết lập một đường dây bí mật từ Làng Đát đi Tân Hương, Cẩm Ân, Bảo Ái, Tân Nguyên, Trung Tâm, Trúc Lâu, Khánh Hòa tới Bảo Yên và sang Bảo Thắng, Lào Cai theo đường rừng, dọc con đường mới mở.

Trên tinh thần cùng nhân dân cả nước "Mỗi người làm việc bằng hai", Đội xung kích 15A được tách đôi làm nòng cốt cùng với tuyển thêm chiến sỹ tình nguyện thành lập Đội xung kích 15B do Trần Quang Tuyên làm Đội trưởng, họ lại lặng lẽ xuyên rừng xây dựng tuyến mới. Tưởng rằng sẽ giảm bớt được mật độ bom đạn của kẻ thù song gió rừng, mưa lũ, lũ quét, cây đổ, cành gãy và kẻ gian phá hoại làm cho tuyến đường dây gặp không ít khó khăn, đến mức một buổi đi kiểm tra tuyến, Trưởng ty Chu Văn Cận đã nhấn mạnh: "Tổng cục trưởng chỉ đạo cho chúng ta, một người giữ mười cột, không được thì mỗi người giữ một cột cho tôi. Phải giữ vững liên lạc cho Tổ quốc !".

Với ý chí và tinh thần quyết tâm ấy, toàn Đội xung kích 15B cùng các chiến sỹ công trình đã hoàn thành và đứng vững trên một chiến tuyến dài âm u gió rừng và mưa núi, góp phần quan trọng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trong những tháng năm hào hùng của dân tộc.

Bốn chục năm qua đi, giờ đây, những người con của 15A, 15B không còn đủ, nhiều chiến sỹ đã ngã xuống cho đường dây thông suốt như anh Thái, anh Đậu, anh Lộc, anh Lâm, anh Liên, anh Lập… Có những người đã trưởng thành được điều về Tổng cục như anh Lai, sau này còn là ông bầu của Đội bóng đá Tổng cục Bưu điện, và tất cả đã nghỉ chế độ, quây quần bên con, bên cháu và ở rải trên nhiều tỉnh của Tổ quốc Việt Nam yêu thương.

Vũ Quang Trung
 (Bài dự thi Đất và người Yên Bái)

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục