Gặp người "nằm rừng bắt tội phạm"

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngược con dốc hiểm trở dằng dặc đường núi, tôi đến bản Nả Tà, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, để gặp Sùng A Bình - Trưởng Công an xã đang làm nhiệm vụ giám sát địa bàn. Sau cái bắt tay thật chặt cùng nụ cười hồn hậu, anh kể tôi nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề, về tuổi trẻ với những hoài bão, ước mơ và cả những ngày "nằm rừng bắt tội phạm", những chiến công đầy gian nan, vất vả và nguy hiểm khi truy lùng các đối tượng buôn bán ma túy trên địa bàn...

Sinh năm 1976 trong một gia đình thuần nông người Mông, từ nhỏ anh đã gắn bó với núi rừng, lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của bà con thôn bản. Rồi, khi con đường học tập được mở ra, anh quyết tâm theo đuổi chỉ với một nguyện vọng: "Học để giúp dân mình đỡ khổ".

Thấm thía sự vất vả của đồng bào, được tiếp cận với kiến thức văn minh, anh quyết tâm học tập và được tuyển dụng vào lực lượng công an nhân dân rồi trở về phục vụ công tác tại quê hương. Công tác trong lực lượng công an đã gần 10 năm trời, mọi đường thôn, ngõ bản anh đều đã thuộc như lòng bàn tay, kể cả những bản xa nhất phải đi bộ đến mấy ngày đường, giáp ranh với tỉnh bạn anh cũng đã đặt chân đến.

Anh kể: Nhiều cuộc truy bắt rất vất vả, các đối tượng tội phạm về ma túy rất ranh ma, liều lĩnh và sẵn sàng dùng vũ khí để chống trả lại lực lượng truy bắt. Điển hình như vụ Giàng A Chừ ở Tà Hừa, Than Uyên, Lai Châu lấy vợ ở Hồ Bốn, đây là đối tượng nghiện hút thâm niên, thường xuyên qua lại địa bàn 2 tỉnh nên rất có thể có liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép chất ma túy.

Năm 2003, do mâu thuẫn gia đình, Chừ đã dùng dao giết vợ là chị Cứ Thị Dở rồi bỏ trốn. Xác định đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, anh đã cùng lực lượng công an xã vượt rừng đến địa bàn giáp ranh tỉnh bạn để phục kích. Cuộc truy đuổi kéo dài suốt từ 22 giờ đêm hôm đó đến mãi 6 giờ sáng hôm sau, các anh mới phát hiện được đối tượng đang trên đường lẩn trốn. Nguy hiểm ở chỗ lúc này đối tượng vẫn mang dao và rất manh động, sẵn sàng chống trả. Nhưng, với quyết tâm không để đối tượng lọt lưới, các anh đã dùng các biện pháp nghiệp vụ khiến cho đối tượng mất cảnh giác rồi chính Sùng A Bình là người quật ngã, bắt gọn đối tượng...

Hay năm 2002, một số đối tượng ở Nà Cang (Mường Kim - Lai Châu) kéo sang địa bàn để tổ chức buôn bán, sử dụng ma túy, các anh phải sang tận nơi điều tra và lập chuyên án vây bắt. Phát hiện lực lượng truy đuổi, bọn tội phạm đã tổ chức chống trả quyết liệt bằng súng kíp và bỏ chạy, các anh đã phải nổ súng chỉ thiên, 3 đối tượng mới chịu đầu hàng, tra tay vào còng. Rồi vụ đối tượng Cứ A Nủ (bản Nả Tà) được các anh vận động đi cai nghiện nhưng không đi, đến khi đọc lệnh cưỡng chế cai nghiện, đối tượng đã dùng cả bàn đèn và dao để đánh lại lực lượng truy bắt...

Phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và hiểm nguy là thế nhưng Sùng A Bình chưa bao giờ biết chùn bước trước bọn tội phạm. Anh tâm sự: "Nguyện vọng của chúng tôi là bà con dân bản được sống trong bình yên. Đặc biệt, tội phạm về ma túy là loại tội phạm nguy hiểm, kéo theo nhiều loại tội phạm khác nên cần phải loại bỏ trước tiên. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng hết mình, không ngại khó, không ngại khổ để hoàn thành nhiệm vụ".

Cũng chính anh là một trong những người đầu tiên đề ra rất nhiều các biện pháp giảm thiểu tác hại của ma túy dành cho các các đối tượng nghiện hút trên địa bàn, từ việc lập hồ sơ cho đi cai nghiện tập trung hoặc tổ chức cai nghiện tại cộng đồng đến việc giao cho mỗi đồng chí công an viên trực tiếp quản lý 2-3 đối tượng nghiện hút đều được thực hiện rất nghiêm túc, khoa học. Bởi vậy, nếu như trước năm 2003, ở Hồ Bốn có đến trên 40 đối tượng nghiện hút và nhiều tụ điểm buôn bán ma túy thì từ năm 2005, Hồ Bốn đã được UBND huyện công nhận là "Xã không có ma túy".

Để có được điều đó, không thể không nhắc đến công lao của Sùng A Bình - người Trưởng công an xã mưu trí, dũng cảm và luôn hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt tội phạm về ma túy.

Tô Anh Hải

Các tin khác

YBĐT - Qua lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Bản là thương binh hạng 4/4 ở khu 8 thị trấn Nông trường Trần Phú huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ông Bản là một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở các hộ gia đình ở nơi đây.

YBĐT - Ở địa bàn phường, xã, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, không có một nhân viên phục vụ nào lại có liên quan mật thiết với mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân trên địa bàn của mình như nhân viên bưu tá. Anh Lò Văn Son, dân tộc Thái ở bản Hát, xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là một trong những nhân viên bưu tá đã gắn bó suốt đời với nghề.

YBĐT - Năm 1968, chàng thanh niên Phạm Huy Lãng tạm biệt người thân lên đường tòng quân cứu nước. Năm 1985 ông trở về quê hương và tiếp tục công tác tại Công ty Chè Bảo Ái. Đến năm 1991 ông về nghỉ chế độ ở thôn 6 xã Thịnh Hưng (Yên Bình). Nhìn đàn con ăn không được no, mặc chưa đủ ấm, nhà cửa thì rách nát ông không khỏi băn khoăn làm thế nào để thoát nghèo. Sau nhiều trăn trở, ông bàn với vợ phát triển kinh tế trang trại với quyết tâm xóa bằng được đói nghèo bằng chính tiềm năng đất đai của gia đình.

Anh Lê Văn Sông (bên phải) đang kiểm tra máy biến áp.

YBĐT - Hơn 36 năm tuổi nghề, 30 năm làm tổ trưởng, trạm trưởng Lê Văn Sông lăn lộn hầu hết ở các vị trí công tác, người thợ điện bậc 7/7 thật xứng đáng là con người được tôn vinh là người có nhiều sáng kiến nhất trong ngành Điện lực Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục