Người giữ vàng trong từng trang viết
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT- Ở Yên Bái, có một người rất say mê công việc sưu tầm, lưu giữ những giá trị lịch sử - bản sắc văn hóa. Anh đã có hàng chục tập sách in chung, 18 tập sách in riêng, hàng trăm bài báo, trong đó nhiều tác phẩm có giá trị tư liệu lịch sử quý giá về mảnh đất và con người Yên Bái. Anh sống trầm lặng như chính những trang sách của mình. Đó là nhà văn Hoàng Việt Quân, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái.
|
Chuyện về người đàn ông chỉ biết đi xe đạp
Ngày nào cũng vậy, trên đoạn đường quen thuộc từ số nhà 298, tổ 15, phố Hồng Tân, phường Hồng Hà đến Trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái), Hoàng Việt Quân vóc dáng nhỏ bé, vai đeo túi vải, đi trên chiếc xe đạp Mifa màu vàng nhạt đã cũ, đằng sau gác - ba - ga buộc một chiếc cặp da màu đen khá to, lẫn vào dòng người đông đúc, ngược xuôi trên đường phố...
Quê gốc ở Làng Mọc, Quan Nhân, Cự Chính, Nhân Chính, Hà Nội nhưng Hoàng Việt Quân lại được sinh ra ở Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vì khi đó cha anh là ông Hoàng Kim Try, nguyên cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia Việt Minh, được tổ chức phân công làm quân báo tại Trung Quốc. Quân học cấp 1 ở Hà Nội, học phổ thông ở tỉnh Lào Cai, tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, từng là bộ đội Trường Sơn chống Mỹ cứu nước thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5; là giáo viên dạy học ở các tỉnh Lào Cai, Hoàng Liên Sơn (cũ) và Yên Bái. Tháng 5/1992, anh chuyển về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cho đến nay.
Hoàng Việt Quân bắt đầu cầm bút viết truyện ngắn từ ngày còn là học sinh cấp 3, nhưng gửi mãi mà chẳng thấy ở đâu in cho. Năm 1970, khi đang là sinh viên Văn khoa năm thứ nhất, trong chuyến đi thực tế ở Cao Bằng, anh được tiếp xúc với bà con dân tộc trong bản Pác Bó và một số cán bộ kháng chiến cũ - những người may mắn được ở gần Bác Hồ kể cho nghe rất nhiều chuyện về Bác. Trở về trường, anh viết một mạch bản thảo tập truyện ký Người ở nguồn dày hơn 100 trang. Mãi đến năm 1995, cuốn sách mới được Nhà xuất bản Phụ nữ in ấn và phát hành.
Nhà văn Ma Văn Kháng, khi đọc cuốn Người ở nguồn đã viết thư lên Yên Bái khen: “Đây là tập sách viết về Bác Hồ rất hay”. Mười năm sau, bất ngờ Hoàng Việt Quân nhận được điện thoại của Nhà xuất bản đề nghị tái bản và trong năm 2004, cuốn sách được tái bản 2 lần.
Nhắc đến Hoàng Việt Quân, cánh văn nghệ sỹ vẫn thường đùa vui: "Quân là chàng thanh niên cô đơn chỉ biết đi xe đạp”. Anh đùa lại, đi xe đạp cho an toàn, nhưng quan trọng nhất là trong khi đi xe đạp mình vẫn được tự do nhẩn nha suy nghĩ về nhiều thứ... Bạn bè nhiều lần giục anh lấy vợ, anh cười hì hì: “Lấy vợ làm gì cho khổ. Tớ xem bói rồi, nếu lấy vợ là ngay lập tức tớ sẽ gặp đại hạn”.
Mỗi người có một nỗi niềm riêng, rồi bạn bè cũng quen mà không nhắc đến chuyện vợ con của Quân nữa. Khi cha còn sống, hai bố con anh như hai người bạn tri kỷ cùng chia sẻ vui buồn và những thành công nhưng giờ đây, trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại một mình người đàn ông trầm lặng...
Giữ vàng trong từng trang viết
Hoàng Việt Quân là một người đa tài. Anh viết truyện, làm thơ, viết báo... đủ cả, lĩnh vực nào cũng thể hiện một phong cách rất riêng. Nhưng có thể nói, niềm đam mê của Hoàng Việt Quân là việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn các tư liệu lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nền văn học địa phương. Trong số 18 cuốn sách đã xuất bản của riêng anh, có tới 8 cuốn thuộc lĩnh vực này. Anh vẫn nói: “Nhiều người bạn bảo mình là lập dị, trong khi văn nghệ sỹ đổ xô vào sáng tác để khẳng định tên tuổi thì lại đi lao vào cái công việc sưu tầm, nhặt nhạnh vừa khó vừa tốn kém này”. Đúng vậy, công việc Hoàng Việt Quân đam mê là một công việc đòi hỏi phải có thời gian, sự lưu trữ tài liệu một cách khoa học, đức tính cần cù, chăm chỉ, cẩn thận và tâm huyết.
Tôi biết, trong số các sách của anh, có một số cuốn được nhà xuất bản in ấn, phát hành và trả nhuận bút. Anh có tới 3 cuốn sách lịch sử văn hóa văn nghệ của Lào Cai, việc mà ngay chính Lào Cai cũng chưa làm được, khiến bạn đã phải thốt lên, nếu không có Quân thì lịch sử văn hóa - văn học nghệ thuật Lào Cai sẽ không lưu giữ được.
Hoàng Việt Quân là người biết hy sinh cho niềm đam mê của mình. Mỗi cuốn sách - công trình nghiên cứu là một minh chứng cho điều đó. Anh in sách bằng tiền tiết kiệm, vay mượn bạn bè hoặc được người thân ủng hộ nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập sách “Kỷ yếu Hội VHNT tỉnh Yên Bái 1991 - 2005” với chi phí in ấn lớn nhất từ trước tới nay.
Tặng sách cho tôi, anh phấn khởi khoe: “Chưa nhìn thấy đâu, chỉ thấy mình đã phải “nghiến răng” bỏ ra gần 20 triệu đồng để có được “nó” đây này”. Cầm trên tay những cuốn sách của anh, tôi thầm cảm phục một con người cần mẫn, tỉ mẩn, cẩn trọng và giàu tình cảm với các lĩnh vực nghiên cứu.
Trong một lần đến thăm anh, chị Hà Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái đã rất tiếc rẻ: “Giá như cuốn sách “Bác Hồ trong lòng người Yên Bái - Lào Cai” của anh đem trình sang Hội đồng Khoa học của tỉnh và để chậm lại một năm sau (tức là năm 2006) mới xuất bản thì có lẽ sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí vì đây xứng đáng là một công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh”. Anh chỉ cười: “Cái gì mình ấp ủ thì phải làm ngay. Đợi thế nào được. Thế mới có cái để em Lan tham khảo cho việc xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ” chứ”.
Thay lời kết
Hoàng Việt Quân vẫn nói, những gì anh làm là một sự cố gắng ghi chép, biên soạn một cách đầy đủ, trung thành nhất, không đánh giá, bình phẩm. Nhưng bên cạnh các tập sách tư liệu “thô” này, anh cũng công bố dần những công trình về tác giả, tác phẩm của địa phương, đóng góp vào tủ sách Yên Bái - điều mà chương trình “Yên Bái học” đang hình thành ở tỉnh rất cần.
Quân luôn ước nguyện: "Giá như ở tất cả các địa phương trong cả nước đều có người làm công việc sưu tầm, biên soạn về lịch sử và ấn phẩm văn học của địa phương mình thì hay biết bao. Như vậy, chúng ta sẽ có cách nhìn bao quát về lịch sử hình thành và phát triển của văn học nước nhà, đồng thời, có thể thống kê được toàn bộ các ấn phẩm đã được công bố của cả nước từ trước đến nay".
Vâng, đúng vậy, qua những trang sách của mình, Hoàng Việt Quân đã làm được một việc đầy ý nghĩa: lưu giữ lại nhiều giá trị tốt đẹp của lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái - Lào Cai mà nếu không khai thác, những giá trị đó chỉ như tài nguyên quý mãi mãi nằm yên trong lòng đất.
Hồng Thanh Tâm
(Bài dự thi Đất và người Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Mùa hè năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt thị xã Yên Bái. Đáp ứng kịp thời công tác phục vụ chiến đấu và sản xuất, ngành Bưu điện đã thành lập "Đội thanh niên xung kích đường dây" được gọi là "Đội xung kích 15A".
YBĐT - Nhờ sự năng động của người giám đốc mà Doanh nghiệp Xây dựng và Kinh doanh nội thất Xuân Cảnh đã chiếm được sự tín nhiệm của khách hàng trong và ngoài tỉnh Yên Bái. Doanh thu của Cửa hàng Kinh doanh nội thất Xuân Cảnh trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007 đạt 6 tỉ 506 triệu đồng...
YBĐT - Ngược con dốc hiểm trở dằng dặc đường núi, tôi đến bản Nả Tà, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, để gặp Sùng A Bình - Trưởng Công an xã đang làm nhiệm vụ giám sát địa bàn. Sau cái bắt tay thật chặt cùng nụ cười hồn hậu, anh kể tôi nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề, về tuổi trẻ với những hoài bão, ước mơ và cả những ngày "nằm rừng bắt tội phạm", những chiến công đầy gian nan, vất vả và nguy hiểm khi truy lùng các đối tượng buôn bán ma túy trên địa bàn...
YBĐT - Qua lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Bản là thương binh hạng 4/4 ở khu 8 thị trấn Nông trường Trần Phú huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ông Bản là một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở các hộ gia đình ở nơi đây.