Kỳ tích của bà mế Mường
- Cập nhật: Thứ hai, 15/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - Bà mế người Mường này tên là Đặng Thị Tỵ, quê ở thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Ngày xưa nhà mế ở ven sông Hồng, nhưng vì bom Mỹ ác liệt quá nên cả nhà dinh tê vào ở tại một vùng đồi hoang vu. Bây giờ nhà mế vẫn gần như biệt lập với bên ngoài và đường vào nhà thật khó đi. Tuy nhiên, trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, biệt lập ấy, mế Tỵ đã lặng lẽ gần trọn cả cuộc đời chèo lái qua mọi gian khổ để lập nên một kỳ tích mà bất kỳ ai cũng phải kính nể.
Chồng mế mất sớm, để lại cho mế tám đứa con thơ dại. Ở vào hoàn cảnh ấy trong những năm của thập niên 80 mà một mình mế lo được đủ miếng ăn cho các con thì đã khổ lắm rồi. Ấy vậy mà nghị lực của mế còn làm được những điều không thể tưởng tượng nổi ngay tại một vùng quê đồng đất cát tro, mưa thì lầy, nắng thì khô hạn và trước đây vốn nghèo vào bậc nhất của huyện Trấn Yên. Khó khăn là vậy, nhưng mế Tỵ chỉ có một tâm niệm là cố làm sao sau này các con phải có cuộc sống thành đạt và không phải chịu vất vả như mế.
Mế luôn căn dặn các con phải học cho tốt và không phải động tay vào việc nhà. Nói vậy chứ, các con rất thương mế nên đứa nào cũng tự giác học bài cho nhanh cho tốt để còn giúp mẹ. Cách đây trên dưới hai chục năm người Quy Mông đi học THPT ở bên thị trấn Cổ Phúc vẫn còn rất ít, bởi dân ở đây chủ yếu là người Mường và cuộc sống còn nghèo khó, trường ở xa và lại phải vượt qua sông lớn chỉ bằng thuyền nan chứ đâu có đò ngang như bây giờ. Dẫu vậy, mế chẳng từ nan. Hàng ngày con của mế vẫn sải bước chục cây số đường bộ và vượt sông Hồng đi học.
Các con của mế kể rằng: “Để cho chúng em có bữa ăn sáng đi học thì đêm nào mẹ em cũng dậy từ 3 đến 4 giờ sáng để nấu cho bát cơm, bát cháo và thường là củ khoai, củ sắn”. Những miếng ăn nghèo khó ấy đã truyền được hơi ấm vào tinh thần quyết tâm học tập của con mế và đứa nào học cũng khá. Thế rồi, sau người con cả, người con thứ hai đỗ đại học. Ở nông thôn cách đây hơn hai chục năm, chắc ai cũng hiểu khi mỗi đứa con học đại học thì gia đình sẽ gặp phải khó khăn biết nhường nào. Mế Tỵ cũng vậy, nhưng mế lại thấy đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để mế cố gắng thêm mười phần vì các con.
Đã có những thời điểm mế nuôi liền một lúc 4 sinh viên. Tiền bán trâu, bò, gà, lợn, cá, thóc, gỗ rừng trồng...và không nhớ bao nhiêu lần mế đã đi vay lãi suất cao của mọi người mà vẫn chỉ đáp ứng được mức tối thiểu nhu cầu ăn học của các con. Vinh-người con trai của mế Tỵ bảo rằng: “Có những tết cả 4 chị em về nghỉ tết. Khi mẹ tiễn chúng em qua sông trở về trường, cả 4 chị em nhìn theo bóng mẹ mà khóc. Ở trường, nhiều đêm nghĩ thương mẹ quá, chúng em cũng khóc”.
Hơn hai chục năm liên tục nuôi “các sinh viên của mẹ” giờ thì “nợ đã mòn, con đã lớn”. Chúng ta hãy tham khảo bảng “thành tích” của mế Tỵ: Hoàng Thị Vượng-Đại học Dược Hà Nội, đang công tác ở Bệnh viện huyện Trấn Yên; Hoàng Thị Loan-Đại học Quốc gia, dạy học ở Trường THCS Quy Mông; Hoàng Thị Nguyệt-Đại học Tuyên giáo, đang là giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Tin học Hà Nội; Hoàng Văn Quang-Đại học Y khoa Thái Nguyên, là cán bộ Trạm y tế xã Quy Mông; Hoàng Văn Vinh-Đại học Sư phạm Thái Nguyên, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên); Hoàng Thị Hảo-Đại học Ngoại ngữ, Giáo viên THPT xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội); Hoàng Mạnh Hùng-Đại học Luật và Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh, hiện đang là cán bộ Toà án nhân dân huyện Trấn Yên.
Hiện mế Tỵ đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người con muốn đón mế về ở cùng để phụng dưỡng mẹ nhưng mế bảo rằng, mế vẫn khoẻ, cứ để mế ở một mình cho thoải mái. Mế vẫn đang nuôi mấy trăm con gà, mấy ao cá và chỉ đạo nhân công chăm sóc đồi rừng. Ngoài lúc làm việc, mế Tỵ vẫn tham gia tốt các hoạt đoàn thể ở địa phương, vẫn đạp xe phăng phăng đi thăm bà con trong xã và nhiều người đã noi gương mế để cho con mình học hành tử tế.
Riêng với con mình, mế bảo: “Các con công việc bây giờ tạm ổn rồi! Đứa nào có điều kiện thì cố gắng mà đi học thêm cao học”. Hùng là người đầu tiên thực hiện “chỉ thị” của mẹ và vừa qua Hùng đã đỗ cao học. Một người phụ nữ Mường như mế Tỵ, quả thực là rất hiếm và rất đáng khâm phục! Điều đó xứng đáng được gọi là một kỳ tích.
Hoàng Nhâm & Hoàng Quang Vinh
(Dự thi viết về đất và người Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Trong cuộc gặp gỡ, anh Giáp mở đầu bằng những câu chuyện đời thường về nỗi vất vả của bà con vùng sâu, vùng xa.
YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Song lo lắng nhất của nông dân là thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học, ý chí và nghị lực.
YBĐT - Ông Nguyễn Văn Cẩn là Trưởng ban Mặt trận khu phố Tân Dân I phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, một con người ăn nói điềm đạm, mực thước ai cũng quí trọng. Hơn thế nữa trong khu phố có tới trên hai trăm sáu mươi gia đình, mỗi khi chỗ nào, gia đình nào có việc vui, việc buồn cần có sự giúp đỡ của bà con khu phố, mỗi khi trong nước có địa phương nào gặp rủi ro, bão lũ là ông có mặt đứng ra vận động các thành viên của mặt trận và nhân dân giúp đỡ tận tình.
YBĐT - Theo lời giới thiệu của Huyện đoàn Văn Chấn, chúng tôi tìm đến nhà anh Hứa Văn Giáp - Bí thư Đoàn xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, anh là một trong những cá nhân được biểu dương trong phong trào tuổi trẻ làm theo lời Bác.