Làm giàu từ chăn nuôi lợn

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Kinh nghiệm gì đâu, chỉ có lấy ngắn nuôi dài để có vốn quay vòng nhanh, đảm bảo lúc nào cũng có nguồn vốn lưu động. Khi đầu tư phải tính toán, tiết kiệm chi tiêu hợp lý mới có điều kiện phát triển kinh tế...” - đó là tâm sự của chị Đinh Thị Bin, người dân tộc Mường ở Bản Loong, xã Sơn Thịnh. huyện Văn Chấn, một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn Thịnh, Văn Chấn, khi lập gia đình chị Bin cũng như bao gia đình khác chỉ có ít đất ruộng và nương đồi, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cả 2 vợ chồng chỉ biết chăm chỉ làm ruộng, đi làm thuê kiếm sống. Nhiều khi muốn mua con lợn, con gà về chăn nuôi mà không thực hiện được vì không có vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất.

Năm 2003, Hội Phụ nữ xã Sơn Thịnh đã tín chấp cho chị vay 7 triệu đồng làm vốn kinh doanh và tạo điều kiện để chị tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác chăm sóc cây, con giống. Bước đầu làm ăn, nhằm quay vòng đồng vốn nhanh, chị mua 2 con lợn nái sinh sản, đầu năm 2004 đã có đàn giống 25 con và gần một năm sau cho xuất chuồng 1,5 tấn lợn hơi, trừ mọi chi phí chị thu lãi 10 triệu đồng. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, qua cán bộ khuyến nông và chị em trong Hội Phụ nữ, chị có thêm hiểu biết về cách chăn nuôi khoa học.

Thấy chăn nuôi lợn vừa có hiệu quả kinh tế, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của gia đình, vừa có nguồn phân bón cho ruộng và cây trồng chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi thêm con giống.  Gia đình chị nuôi đàn lợn nọ kế đàn kia, mỗi năm gia đình chị Bin đã xuất chuồng được 4 lứa  với trên 5 tấn lợn. Chỉ sau 2 năm đầu tư vào chăn nuôi, chị đã trả hết  nợ gốc và lãi với ngân hàng và có thêm đồng vốn để phát triển chăn nuôi. Tính ra mỗi năm thu lãi từ chăn nuôi lợn được gần 60 triệu đồng, cuộc sống gia đình dần dần được cải thiện.

Bên cạnh chăn nuôi chị còn đầu tư mua máy xay xát trị giá 15 triệu đồng làm dịch vụ phục vụ bà con thôn, xóm; đầu tư thuê nhân công khai hoang 0,5 ha nương đồi để trồng thêm cây màu như ngô, sắn; nuôi thêm cá thả ruộng cấy lúa, kết hợp chăn nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Với 0,2 ha ruộng, chị đưa vào gieo cấy các giống lúa mới chất lượng cao, thâm canh tăng vụ năng suất đạt trên 5 tấn/ha.  Hàng năm, gia đình chị Bin có thu nhập từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ xay xát được 120- 150 triệu đồng.

Không chỉ tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, chị Bin còn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào của hội. Chị tận tình giúp đỡ chị em khó khăn cho vay cây giống, con giống không tính lãi và nuôi chia 2 con lợn nái, chị còn nhiệt tình hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh gia súc gia cầm cho bà con trong xã.

Bằng ý chí và sự cần cù từ khó khăn, chị Đinh Thị Bin đã vươn lên, trở thành là một trong những gương tiêu biểu của phụ nữ dân tộc vươn lên thoát nghèo, góp phần đổi thay quê hương Sơn Thịnh, Văn Chấn.

Kim Tiến

Các tin khác
Phát triển mạnh cây đậu tương trên đất Lục Yên.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên trên quê hương Minh Tiến, huyện Lục Yên, anh Hoàng Văn Đình sau khi tốt nghiệp đại học lâm nghiệp được phân công công tác tại Trạm Khuyến nông Lục Yên và được sắp xếp theo đúng ngạch chuyên môn của mình là một kỹ sư lâm nghiệp. Điều đó thật là một niềm hạnh phúc lớn với anh.

V­­ườn cam sai lúc lỉu của gia đình chị Phượng. (Ảnh: Thành Trung).

YBĐT- Nhờ mạnh dạn phát triển trồng cây ăn quả, đến nay gia đình chị Hà Thị Phượng ở thôn Thắm, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã thoát đói nghèo. Với thu nhập bình quân xấp xỉ 60 triệu đồng/năm, gia đình chị Phượng đã trở thành một trong những hộ giàu ở thôn Thắm.

YBĐT - Chúng tôi đến xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái) để tìm gặp đồng chí Nguyễn Thanh Lơi - Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên xã, người cán bộ đã có nhiều đóng góp, cùng Đảng bộ, chính quyền xã lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế và xây dựng lực lượng quân sự địa phương ngày càng vững mạnh.

YBĐT - Dáng người gầy, nước da ngăm đen, đó là những điểm dễ nhận nhất về ngoại hình của lão nông Ngô Văn Trung ở thôn Trung Nghiêm, xã Văn Lãng, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục