Như đoá hướng dương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người vợ, người mẹ 25 tuổi ấy đã phải chịu nhiều đau khổ, T "nuốt" nước mắt vào trong, để sống. Và những tia sáng, ánh sáng của lòng nhân ái với một nghị lực sống mãnh liệt đã làm cho cuộc sống của chị - một người nhiễm HIV, có AIDS và gia đình "hồi sinh". Chị - như một đóa hướng dương, dẫu bao dông bão, vẫn hướng về phía mặt trời...

Chị T nhặt bơm kim tiêm.
Chị T nhặt bơm kim tiêm.

Là một nữ sinh nhanh nhẹn, hoạt bát, được bạn bè thương yêu, quý trọng, thầy cô tận tình chỉ bảo - nhưng cuộc đời của Trần Thị Hoài T quê ở tỉnh H - sinh viên một trường trung học chuyên nghiệp về báo chí đã có bước ngoặt lớn khi gặp anh Nguyễn Vĩnh N - sinh viên cùng lớp. N đã bị đình chỉ học tập một năm vì phát hiện sử dụng ma túy. Yêu N, T nghĩ rằng tình yêu của mình sẽ cảm hóa được anh. Nhưng N đã không thay đổi. Anh lại tìm đến với ma túy và bị nhà trường phát hiện, đuổi học.

Khi biết mình có thai, chị bỏ lại đằng sau việc học tập, sự nghiệp, tình thương của cha mẹ, rời bỏ quê hương theo người yêu lên thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái (quê của N) để cùng anh xây dựng gia đình. Được sự giúp đỡ của bố mẹ chồng cùng với tài cắt chữ của N, đôi vợ chồng trẻ đã sắm máy vi tính để làm nghề cắt chữ. Khi chị sinh cháu bé, không ngờ, xét nghiệm máu có kết quả dương tính - chị đã nhiễm HIV. Không muốn cho T biết sự thực, sợ cô không chịu được cú sốc lớn như vậy, mẹ chồng chỉ khuyên cô:

- T à, đừng cho con bú nhé!

- Tại sao vậy mẹ?

Câu hỏi đầy ngạc nhiên của T chỉ bắt gặp ánh mắt đượm buồn, đang ngấn lệ của mẹ. Linh cảm có chuyện bất ổn, cô cố gặng hỏi nhưng mẹ chồng đã vội đi ra, nhìn sang phía chồng tìm câu trả lời, nhưng chỉ nhận được khuôn mặt rầu rĩ, rồi lẩn tránh. Biết không giấu được, chị gái của chồng đã chủ động cho T biết tất cả. Biết mình đang mang HIV, những đau khổ, dằn vặt, cào xé tâm can người vợ, người mẹ mới 23 tuổi. "Nuốt" nước mắt vào trong, phải sống và vươn lên, phải là chỗ dựa vững chắc để anh ấy từ bỏ hẳn con đường nghiện hút trở về với gia đình, cộng đồng xã hội. Ý chí mạnh mẽ không cam chịu bùng dậy, chị nghĩ, chẳng nhẽ người bị HIV không được sống hay sao? Và chính chị đã tạo nên sự thay đổi ở N. Anh bỏ hẳn ma túy, cùng vợ tu chí làm ăn, chăm lo cho con nhỏ.

 

Vở kịch tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS của Câu lạc bộ “Niềm tin” tại thị xã Nghĩa Lộ do chị T viết kịch bản.

Những đau khổ, sự miệt thị của không ít người khi ấy, thậm chí có người còn đề nghị gia đình T chuyển đến nơi khác, tước cả danh hiệu gia đình văn hóa đã buộc chiếc máy cắt chữ vi tính nằm yên bất động, không một khách hàng nào qua. Trong khi đó, tiền thuốc men chữa trị cho hai vợ chồng là 2 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tiền mua sữa ngoài cho con và sinh hoạt hàng ngày. Trong những lúc khó khăn nhất, vợ chồng T đã được sự quan tâm hết mực của bố mẹ, anh, chị em bên nhà chồng; đặc biệt là sự quan tâm của Trung tâm y tế dự phòng và Bệnh viện Đa khoa thị xã Nghĩa Lộ. Để mọi người đối xử bình đẳng, khách hàng quay lại với cửa hàng, chị đã không quản ngại khó khăn, xuống Hà Nội, đến từng nơi có liên quan đến công tác HIV/AIDS để học tập kinh nghiệm, cách điều trị bệnh; chủ động xin các tờ rơi, các pa - nô, áp - phích đưa về quê tuyên truyền; đến những nơi mà các nhóm đồng đẳng hoạt động để học tập và sẻ chia kinh nghiệm.

Trở về quê, với những kiến thức tích luỹ được, vợ chồng T chủ động tuyên truyền đến tất cả mọi người: "Chúng tôi cũng là con người, chúng tôi yêu cuộc sống, yêu quý mọi người, sao lại phân biệt đối xử như vậy? chẳng nhẽ nhiễm HIV là không có quyền được sống hay sao!?". Cái nhìn mặc cảm, xa lánh đã dần dần được chính vợ chồng T thu hẹp lại. Thay vào đó là sự ân cần, quan tâm giúp đỡ, sự động viên của bạn bè, anh em và cộng đồng. Khách hàng đã quay trở lại. Những người bị nhiễm HIV/AIDS ở khắp vùng đã tìm đến nhờ chị tư vấn, giới thiệu các loại thuốc chữa trị. Tháng 12.2006, vợ chồng chị thấy khắp nơi trong cả nước và ngay trong tỉnh Yên Bái các hoạt động về bảo vệ những người nhiễm HIV/AIDS diễn ra mạnh mẽ, nhất là các hoạt động của nhóm đồng đẳng. Chị đã chủ động tìm gặp bác sỹ Thu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thị xã nhờ hướng dẫn để thành lập nhóm đồng đẳng. Ban đầu, nhóm chỉ có 3 người tham gia và lấy tên "Bạn giúp bạn".

Đến nay, nhóm đồng đẳng đã có 11 người với cái tên mới là "Niềm tin". Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của chị, sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và Dự án phòng chống HIV/AIDS mà những người không may nhiễm HIV/AIDS  ở thị xã Nghĩa Lộ đã được sử dụng thuốc điều trị HIV. Chị còn tổ chức nhiều hoạt động cho nhóm đồng đẳng, sinh hoạt nhóm thường kỳ, tham gia nhặt bơm kim tiêm, phát thuốc, phát tờ rơi, kêu gọi những người còn đang ngần ngại chưa tham gia vào nhóm... Không chỉ hoạt động mạnh mẽ trong nhóm đồng đẳng, các phong trào do địa phương phát động, vợ chồng chị còn đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Từ căn nhà gỗ đơn sơ, anh chị đã chuyển sang căn nhà khang trang 2 tầng và thành lập Trung tâm Quảng cáo Nam Lương vào tháng 8.2007, phục vụ các loại hình quảng cáo, cho thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Chia tay chị, chúng tôi không khỏi cảm phục ý chí sắt đá, nghị lực kiên cường của cô gái 25 tuổi này. Chị nói: "Chị nhìn thấy các bơm kim tiêm là không thể không nhặt, chỉ sợ các cháu nhỏ ham chơi dẫm phải thì khổ lắm! Sống bao lâu, có lẽ chưa quan trọng bằng chúng ta đã và đang sống như thế nào!". Chúng tôi nghĩ, với những gì đã làm, đang làm, chị như đóa hướng dương, qua bao dông bão vẫn hướng về phía mặt trời!    

Ngọc Sơn

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục