Những giáo dân điển hình trong thi đua yêu nước
- Cập nhật: Thứ tư, 19/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư.
Ông Đỗ Trọng Bút - Trưởng ban hành giáo Họ đạo Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã gắn bó với đồng đất Báo Đáp đã từ lâu, nhưng nếu chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp thì thu nhập của gia đình cũng eo hẹp. Ông đã tổ chức cho 3 thành viên trong gia đình tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm nghề, kết hợp thâm canh cây lúa, cây chè, chăn nuôi gia súc gia cầm mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Gia đình 3 thế hệ 7 người cùng chung sống hoà thuận, hạnh phúc.
Không những chăm lo tốt cuộc sống gia đình, ông Bút còn tích cực vận động, giúp đỡ các gia đình trong thôn cùng phát triển kinh tế, dạy nghề cho 7 lao động địa phương làm thợ xây có thu nhập 800 ngàn-1 triệu 200 ngàn đồng/tháng, tuyên truyền vận động bà con trong họ sống “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Hiện nay, Họ đạo Nhân Nghĩa không có người sinh con thứ 3, có 95% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, nhiều năm đạt họ đạo tiên tiến. Theo ông Bút, để sống tốt đời là bản thân gia đình luôn gương mẫu lao động sản xuất làm giàu chính đáng, chấp hành tốt nghĩa vụ công dân. Đồng thời, tuyên truyền giáo dân trong họ giáo, trong làng cùng đoàn kết lương giáo, làm giàu chính đáng.
Cư trú tại thôn An Lạc 4 thuộc họ giáo Minh Danh, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, giáo dân Nguyễn Minh Tiến đã cùng gia đình tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ kết hợp làm thêm dịch vụ mua bán lâm sản, thu nhập gia đình mỗi năm đạt 50 đến 60 triệu đồng. Anh còn tạo việc làm cho khoảng 20 con em trong thôn có thu nhập ổn định.
Các thành viên trong gia đình anh luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong các cuộc vận động đóng góp, gia đình anh đều thực hiện đầy đủ, vận động nhân dân trong thôn ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo trên 2 triệu đồng, vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hoá trị giá trên 30 triệu đồng.
Ở các xã có nhiều đồng bào công giáo sinh sống, được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống vật tư, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, các hộ giáo dân đã nỗ lực đoàn kết, quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Qua đó, đã xuất hiện nhiều giáo dân sản xuất kinh doanh giỏi thu nhập cao như ông Tráng Sáo Hờ, thôn Khuân Bổ, xã Hồng Ca (Trấn Yên) là Trưởng ban hành giáo, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn luôn mẫu mực trong công tác. Ông còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình theo mô hình tổng hợp với 14 ha quế, và 1.000m2 ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm đạt mức thu nhập 50 triệu đồng/ năm.
Cựu chiến binh Phạm Như Nhường - Trưởng ban hành giáo Họ đạo Đồng Lú (Văn Chấn) luôn xác định trách nhiệm của người công dân trước hết phải vì dân vì nước, từ đó chăm lo việc đạo việc đời đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và sinh hoạt tôn giáo của bà con. Do vậy, ông luôn gương mẫu tham gia vận động ủng hộ quỹ từ thiện nhân đạo, quỹ “vì người nghèo” đạt hiệu quả cao, hỗ trợ người trong họ đạo cùng phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu lại có các ông: Vũ Văn Bình phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái); Đàm Văn Toản, thị trấn Yên Thế (Lục Yên); Nguyễn Văn Hiển ở họ đạo Mậu Đông (Văn Yên)... Họ là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Xây dựng họ đạo tiên tiến- người giáo dân sản xuất giỏi”, đoàn kết tập hợp đồng bào công giáo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 250 cá nhân là người công giáo tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia xây dựng quy chế dân chủ, tích cực tham gia phát triển sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục, đoàn kết tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Yên Bái.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Là người dân tộc Dao, năm 2004, khi chưa đầy 20 tuổi, Thiều Thị Nguyệt tham gia Trung đội dân quân cơ động của xã vùng cao Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Được bạn bè cựu chiến binh mách bảo, giúp đỡ, Quyết bàn với vợ chuyển ra gần chợ ngoài thành phố để có cơ hội làm ăn dễ hơn. Vợ chồng thống nhất ý kiến, chị xin thôi việc, bán nhà, cùng anh gom tiền mua được mảnh đất ven đồi gần chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, cô giáo Nguyễn Thị Huyền mới hơn 22 tuổi đã thấu hiểu nỗi khổ của người dân vùng cao. Đặc biệt là các em nhỏ chưa được đến trường, cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn mọi thứ.
YBĐT - "Tận tụy với công việc, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực vận động nhân dân khu phố tham gia các phong trào, bác Quảng luôn xứng đáng với sự tin tưởng của chính quyền địa phương và lòng mến phục của bà con dân phố". Đó là nhận xét của Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hồng Hà Nguyễn Tiến Thành khi nói về bác Nguyễn Minh Quảng, một giáo dân của phố Hồng Tiến.