Chị Cải làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ tư, 9/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - Sau nhiều năm vất vả, chị Triệu Thị Cải nghĩ, nếu mình không cố gắng thì sẽ nghèo suốt đời. Xác định phải thoát nghèo, chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn ngân hàng về nuôi lợn, lấy công làm lãi, tích cóp dần sẽ có vốn để phát triển sản xuất.
Cũng như nhiều gia đình khác tại thôn Khe Lép, xã Xuân Tầm (Văn Yên - Yên Bái), chị Triệu Thị Cải, dân tộc Dao, lập gia đình và ra ở riêng năm 1981 gặp rất nhiều khó khăn, vốn sản xuất không có, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng nghèo vẫn cứ nghèo bởi chỉ biết trông vào cây lúa mà kiến thức khoa học kỹ thuật không có, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.
Sau nhiều năm vất vả, chị nghĩ, nếu mình không cố gắng thì sẽ nghèo suốt đời. Xác định phải thoát nghèo, chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn ngân hàng về nuôi lợn, lấy công làm lãi, tích cóp dần sẽ có vốn để phát triển sản xuất. Nói là vậy, nhưng khi bước vào thực hiện, chị mới thấy do không có kiến thức chăn nuôi nên cứ nuôi mà không có lãi, thêm vào đó lại gặp rủi ro là lợn bị chết.
Không lùi bước trước thất bại, chị rút ra bài học là muốn làm tốt thì phải có kiến thức khoa học kỹ thuật. Chịu khó tìm hiểu qua sách báo, tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chị hiểu biết thêm về kiến thức sản xuất, phát triển mô hình kinh tế hộ, học hỏi kinh nghiệm các gia đình làm ăn hiệu quả để chọn cách làm ăn phù hợp với gia đình mình.
Với 1 mẫu ruộng 2 vụ năng suất thấp, chị chuyển sang cấy giống lúa mới, năng suất chất lượng cao, cộng với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phân bón, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng kỹ thuật nên năng suất lúa đã đạt trên 220kg/sào/vụ, tăng 20% so với những năm trước, mỗi năm cho thu hoạch trên 4 tấn thóc. Cần cù, chịu khó, không quản ngại gian khổ, chắt chiu vốn liếng, lại được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay 7 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình chị đầu tư nuôi lợn nái sinh sản, nuôi thêm trâu và nuôi gà. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Cải có thêm một con nghé, bán ra thị trường gần 1 tấn lợn và 200kg gà thịt.
Do địa thế đất đai thuận lợi, khéo bố trí sắp xếp công việc gia đình, phân công lao động hợp lý, sau nhiều năm khai hoang, hiện nay gia đình chị đã trồng được 10 ha quế, trong đó có 2 ha 16 năm tuổi, 8 ha quế 6 năm tuổi đang cho thu hoạch - đây là nguồn thu đáng kể và lâu dài của gia đình chị.
Nhờ ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên, chị Triệu Thị Cải đã xây dựng được mô hình phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo. Từ mô hình này đem lại thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi năm, gia đình chị đã mua được các phương tiện sinh hoạt phục vụ cuộc sống và các con có điều kiện học hành tốt hơn, gia đình có vốn để tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất.
Bên cạnh công việc gia đình, chị Cải tích cực tham gia hoạt động xã hội, hiện nay chị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã nhiệm kỳ 2006 - 2011. Chị thường xuyên quan tâm tới các chị em, đặc biệt là chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vận động chị em tham gia sinh hoạt hội, tư vấn cho chị em cách làm ăn sao cho có hiệu quả. Đồng thời, đề nghị cấp trên giúp đỡ để thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị em vay vốn phát triển sản xuất; chị em nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện vay thì chị giúp con giống để chăn nuôi và giúp tiền mặt, thóc gạo cho chị em neo đơn trong thôn xóm.
Bằng nghị lực vươn lên thoát nghèo, giúp đỡ chị em cùng xóa đói giảm nghèo, chị Cải xứng đáng là tấm gương để các chị em phụ nữ khác học tập, noi theo.
PV
Các tin khác
YBĐT - Qua lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện Văn Yên, chúng tôi đến thôn Đức Tiến, xã Đông An để tìm hiểu về cách làm giàu của anh nông dân Ngô Thành Đông.
YBĐT - Gần 15 năm nay, dấu chân của ông Bùi Đức Thịnh ở phố Bách Lẫm (thành phố Yên Bái) đã có ở hầu khắp các huyện thị trong tỉnh. Với tấm lòng của một thầy thuốc, ông tìm đến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, éo le không có đủ điều kiện để chữa bệnh, những mong giúp họ giảm bớt đi sự lo lắng về bệnh tật.
YBĐT - Là người con dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại bản Lụ, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ, năm 1976, thầy giáo Hà Thanh Tý đến nhận công tác tại xã vùng cao Làng Nhì, huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Nằm cách thành phố Yên Bái khoảng 200km về phía Tây Bắc, Mù Cang Chải là huyện thuộc diện vùng cao, vùng xa nhất của tỉnh Yên Bái. Bà con nơi đây hầu hết là người Mông, trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.