Sáng chế của một huấn luyện viên

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bằng kinh nghiệm sẵn có cộng với tấm lòng say mê, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, anh Cấn Trọng Đức - một huấn luyện viên, trọng tài trên sân cỏ, chủ xưởng cơ khí Đức Hương tại khu phố II, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã sáng chế sản xuất thành công chiếc máy thái sắn được bà con trên địa bàn huyện Văn Yên và nhiều tỉnh thành trên cả nước ưa chuộng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề sản xuất cơ khí nông nghiệp, ngay từ nhỏ Cấn Trọng Đức đã cùng với bố sản xuất ra những chiếc cày, chiếc bừa để phục vụ bà con nông dân sản xuất. Tốt nghiệp Đại học TDTT năm 2000, Đức vào công tác tại Phòng VHTT-TT huyện. Say mê với công tác chuyên môn, suốt ngày lăn lộn ngoài sân cỏ nhưng trong Đức còn tiềm ẩn một niềm say mê sáng tạo. Những ngày nghỉ cuối tuần Đức tranh thủ gia công sản xuất cửa sắt và nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình.

Năm 2002 cây sắn cao sản được đưa vào thâm canh trên đất Văn Yên, đem lại cho người dân Văn Yên một nguồn thu nhập lớn, đồng thời nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Thị trường sắn khô tiêu thụ mạnh, các lò sấy sắn lát khô mọc lên như nấm, các chủ lò sắn phải thuê lao động về băm tay, năng suất rất thấp, một giờ chỉ băm được khoảng 1 tạ sắn củ tươi, trong khi đó khoảng 10 tấn sắn tươi mới đủ cho một mẻ sấy của một lò. Giữa lúc đó có một người nông dân đã gặp Đức đặt làm cho một chiếc máy băm sắn để giải phóng đôi tay và tăng năng suất lao động.

Sau một tuần thức trắng nghiên cứu, chiếc máy thái sắn đầu tiên do Đức chế tạo đã ra đời với cấu tạo hai lưỡi dao nhưng năng suất chỉ đạt 5 tạ/1 giờ và phải cho từng củ sắn vào máy. Không bằng lòng với kết quả đạt được, năm 2004 anh Đức đã bắt đầu tìm tòi tự chế tạo và lắp ráp chiếc máy thái sắn có công suất lớn hơn và tiện dụng hơn. Ban ngày đi làm, ban đêm về âm thầm kẻ vẽ, hàn tiện, lắp đặt.

Sau một tháng chiếc máy thái sắn có cấu tạo một lưỡi dao, 2 cửa máy để cho sắn vào đã được đưa vào vận hành thử nghiệm. Bố trí công việc chuyên môn một cách hợp lý, đêm đêm Đức xuống cơ sở, đến từng nhà dân thức trắng từ 23 h đến 4h sáng để băm sắn thử nghiệm bằng chiếc máy của mình, tham khảo ý kiến của người sử dụng và trực tiếp quan sát xem chiếc máy của mình có điểm yếu gì.

Qua một vụ sắn (khoảng 4 tháng) chiếc máy thái sắn đã được Đức hoàn thiện đưa vào sản xuất tung ra thị trường và được người dân ưa chuộng. Ưu điểm của chiếc máy thái sắn do Đức chế tạo là: máy bền chắc, gọn nhẹ, dễ sử dụng, có giá thành phù hợp, có thể cho nhiều củ sắn vào cùng một lúc, sắn rơi tự do xuống cho máy chém lát. Công suất thái sắn lát tươi đạt 2,5 tấn đến 3 tấn/giờ, lát sắn sau khi thái không bị nát, có độ dày bằng nhau. Người sử dụng có thể điều chỉnh tốc độ nhanh chậm, độ dày, mỏng của lát sắn theo ý muốn.

Chiếc máy thái sắn này có tổng trọng lượng 42kg, không kể động cơ chạy bằng mô tơ 1,5kw. Nguyên liệu chế tạo máy chỉ có động cơ do Trung Quốc sản xuất, còn lại là các linh kiện và vật liệu trong nước sản xuất có bán sẵn trên thị trường như ốc, sắt, dây cua roa, bánh đà, lưỡi thép... Với một hệ thống liên kết khoa học từ dây cua roa, vòng bi, bánh đà, lưỡi dao được Đức chế tạo phù hợp với gia tốc rơi tự do của sắn là 280 - 295 lần chém/1phút. Về mặt kỹ thuật, bi, trục, bánh đà phải chống được a xít do nhựa sắn và đất cát tạo ra, lưỡi dao được làm bằng thép tốt để ít bị mài mòn, bánh đà phải luôn quay trên một mặt phẳng không bị đảo. Anh Đức còn thiết kế, lắp đặt thêm bánh răng để có thể chuyển sang chạy máy nổ ở những nơi không có điện. Giá thành một chiếc máy có động cơ là 2.200.000 đồng, không có động cơ là 1.400.000 đồng, được bảo hành 6 tháng.

Tiếng lành đồn xa, công dụng và hiệu quả của chiếc máy thái sắn có tên là Đức Hương do anh Đức chế tạo đã vươn ra thị trường các huyện bạn và các tỉnh trong cả nước. Khách hàng từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tây, Sơn La, Lao Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình... đã tìm đến Văn Yên để mua máy thái sắn của Đức. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng Đức đã thuê thợ về lắp ráp hàng loạt máy, có lúc cao điểm Đức thuê tới 10 thợ sản xuất ở cả 2 xưởng của gia đình. Chỉ tính riêng năm 2007, cơ sở Đức đã bán được trên 100 chiếc máy thái sắn, trong đó riêng khách hàng từ các tỉnh bạn mua khoảng 100 cái.

Điều quan trọng hơn cả, là sáng chế của anh đã góp phần giải phóng sức lao động cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và làm giàu chính đáng ngay trên đất quê mình.

Hồng Vân
(Đài TT - TH Văn Yên)

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục