Triệu phú bản Dao

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo giới thiệu của Phó bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), tôi đến thăm gia đình anh Dương Kim Huyện ở thôn Đồng Song, một trong những hộ gia đình người Dao được bà con trong thôn gọi với cái tên trìu mến là "triệu phú bản Dao".

Nông dân xã Tân Đồng (Trấn Yên) khai thác quế.
Ảnh: T.L
Nông dân xã Tân Đồng (Trấn Yên) khai thác quế. Ảnh: T.L

Quả đúng như vậy, trong căn nhà gỗ khang trang và bề thế có giá đến cả trăm triệu đồng rất nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Anh Huyện cho biết, nhờ phát triển kinh tế đồi rừng mà gia đình anh từ 2 bàn tay trắng nay đã khá lên rất nhiều, có của ăn, của để.

Anh kể lại, năm 1980 được đi tham quan học tập kinh nghiệm trồng quế của đồng bào dân tộc Dao xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên), về nhà thấy đất rừng để còn hoang phí nhiều, anh gom góp vốn, vay thêm người thân và bắt đầu phát nương, làm rẫy, mua cây giống về trồng. Từ chỗ chưa đầy 1 ha ban đầu, đến nay sau gần 10 năm phát triển liên tục, gia đình anh đã có trong tay trên 40 ha quế, chủ yếu đang ở tuổi khai thác, nhưng anh chỉ tỉa thưa vì diện tích quế ban đầu trồng khá dày.

Trung bình mỗi năm, gia đình anh bóc tỉa, phơi khô bán 5-6 tấn quế vỏ, thu lãi 50-60 triệu đồng. Mấy năm gần đây quế bán được giá, có thu nhập, anh đã đầu tư mua 1 xe tải hạng nhẹ trị giá 250 triệu đồng về phục vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa cho bà con trong thôn. Cứ vào vụ thu hoạch quế, anh  hợp đồng và giải quyết thường xuyên cho từ 20-25 lao động là người trong thôn với mức thu nhập đạt gần 1 triệu đồng/người/tháng. Anh còn mua cả máy cày về phục vụ cho bà con, không phải dùng đến sức trâu cày kéo nữa. Một số hộ trong thôn có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất, anh sẵn sàng cho vay với mức lãi suất thấp và cho trả dần vào mỗi vụ thu hoạch quế.

Không chỉ biết trồng rừng, anh Huyện còn có đầu óc kinh doanh giỏi. Bản thân anh đứng ra nhận với HTX dịch vụ nông nghiệp của xã mở đại lý tiêu thụ phân bón, thuốc hóa học cây trồng cung ứng cho hơn 90 hộ dân trong thôn, tạo điều kiện cho bà con không phải đi ra trung tâm xã vì đường sá đi lại còn nhiều khó khăn.

Năm 2005, gia đình anh trồng được 0,5 ha tre măng Bát Độ, vì anh xác định phải có trong nhà mỗi thứ một ít, bản thân mình cũng phải học tập cả người khác nữa chứ không bằng lòng với những gì đã có. Hiện tại 100% diện tích đất đồi rừng của gia đình anh đã được phủ kín bằng quế và tre Bát Độ. Anh Huyện cho biết, nhà neo người, các con đi học xa, nên chỉ tập trung chăm sóc, thu hoạch dần diện tích quế để có nguồn thu nhập và tích lũy cho con cái sau  này. Bên cạnh đó, mỗi vụ lúa, với hơn 1 mẫu, gia đình anh cũng có trên 2 tấn thóc, đủ gạo ăn có phần dư dật để phát triển chăn nuôi.

Với những gì có được, anh Huyện đang làm giàu bằng chính sức lao động của mình, góp phần nhỏ bé vào xây dựng quê hương vùng cao Kiên Thành ngày càng giàu đẹp. Dương Kim Huyện thật xứng đáng là triệu phú bản Dao.

Triệu Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Bằng kinh nghiệm sẵn có cộng với tấm lòng say mê, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, anh Cấn Trọng Đức - một huấn luyện viên, trọng tài trên sân cỏ, chủ xưởng cơ khí Đức Hương tại khu phố II, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã sáng chế sản xuất thành công chiếc máy thái sắn được bà con trên địa bàn huyện Văn Yên và nhiều tỉnh thành trên cả nước ưa chuộng.

YBĐT - Ở bản Trống Tông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) ai cũng biết gia đình Hờ Chờ Mang là gia đình văn hoá, làm kinh tế giỏi. Với quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo lạc hậu, Hờ Chờ Mang đã vận động gia đình, con cháu tích cực thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng lương thực, dần dần xoá bỏ các tập tục lạc hậu để xây dựng nếp sống mới cho mình.

YBĐT - Con đường từ bản Ngòi Kè đến trung tâm xã Bảo Ái (Yên Bình) dài hơn 8km thì có tới 6km là đường đất, dốc và đèo. Cả bản có 46 hộ, 100% dân tộc Dao và có tới 65% là hộ nghèo; chỉ có 10 hộ được dùng điện lưới (dùng nhờ đường điện của Phân xưởng sản xuất chè số 2 thuộc Công ty Chế biến xuất khẩu chè Văn Hưng đóng trên địa bàn xã); thu nhập bình quân chỉ đạt 2,8 triệu đồng/người/năm. Nói như thế đủ biết đời sống của nhân dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sau nhiều năm vất vả, chị Triệu Thị Cải nghĩ, nếu mình không cố gắng thì sẽ nghèo suốt đời. Xác định phải thoát nghèo, chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn ngân hàng về nuôi lợn, lấy công làm lãi, tích cóp dần sẽ có vốn để phát triển sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục