Người làm thay đổi nhận thức của một dòng họ
- Cập nhật: Thứ năm, 31/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nậm Lành là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nơi tập trung hầu hết là đồng bào Dao. Đời sống nhân dân nay đã được cải thiện, giờ họ không chỉ lo cho con cái mình cơm ăn, áo mặc mà còn lo làm sao con em mình không bị thất học. Với nhận thức đó, ở nơi này có một dòng họ có số nhân khẩu lớn nhất xã cũng là dòng họ đầu tiên đã rất coi trọng việc học chữ cho con em mình mà công đầu thuộc về một người trong họ – Chủ tịch xã Lý Kim Kinh.
Anh Lý Kim Kinh đi báo cáo thành tích ở Đại hội giáo dục Văn Chấn năm 2007.
|
Bắt đầu từ năm 1995 đứng trước tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt khi được Trường PTCS Nậm Lành thông báo, anh Lý Kim Kinh (khi đó là cán bộ y tế thôn bản) đã tổ chức họp các người già trong họ để lập ra hội khuyến học của chính dòng họ mình. Là người có trình độ học vấn cao nhất họ (anh đã được bố mẹ cho đi học hết lớp 9 Trường nội trú vùng cao huyện Văn Chấn) nên anh nói họ nghe lắm. Với những hủ tục lạc hậu và khó khăn về kinh tế nên nhiều người, nhiều gia đình không muốn cho con mình đi học “để nó ở nhà còn giúp gia đình đi nương, trông nhà, bế em...”. Anh đã thuyết phục mọi người bằng cách đưa ra số liệu về tình trạng bỏ học của con em từng gia đình trong họ mà anh đã thống kê được; giải thích cho mọi người hiểu cho con em đi học để làm gì, tại sao người dân vùng cao mình cứ nghèo mãi như thế...
Đó chính là thiếu cái chữ, thiếu chữ thì càng nghèo hơn, cuộc sống càng vất vả hơn. Anh đã thống kê chính xác những hộ nghèo, hộ đói của dòng họ toàn là những người không biết chữ, không biết cách làm ăn mới đói, mới nghèo..., giải thích cho mọi người hiểu vì sao Đảng và Nhà nước lại coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, tại sao Đảng phải đưa giáo viên từ vùng thấp lên tận trên này để dạy chữ cho con em mình...
Thông tỏ cái đầu của mỗi người, hội khuyến học của dòng họ Lý được thành lập. Hội đã bàn và đi đến thống nhất là đưa những nội quy, quy định của việc học vào trong hương ước của dòng họ như: người già phải gương mẫu để động viên con cháu theo học, trách nhiệm của người lớn, của cha mẹ với con em mình, đóng góp quỹ hội tùy theo khả năng của từng hộ và anh chính là người đóng góp nhiều nhất từ tiền bán một con trâu của gia đình. Số tiền này để mua sách vở, quần áo cho cháu nào nghèo nhất, để làm phần thưởng cho các cháu học hành tiến bộ và mua xe đạp tạo điều kiện cho các cháu đi học xa chở nhau cùng đi... Vậy là mong muốn của anh đã thành hiện thực, tạo được phong trào học tập cho mọi người trong họ.
Đến bây giờ, dòng họ Lý xã Nậm Lành - Văn Chấn là dòng họ có truyền thống hiếu học và phong trào học tập mạnh nhất xã. Tổng số học sinh hiện đang đi học là 796 em, có 2 em đang học đại học, 3 em học cao đẳng và 1 em học trung học chuyên nghiệp. “Họ Lý không có học sinh bỏ học, chính anh là người đã góp phần không nhỏ vào công tác xã hội hóa giáo dục của xã nhà, vào việc phổ cập xóa mù chữ năm 1998, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2006 của Trường PTCS Nậm Lành”, theo như lời thầy Nguyễn Đức Cường – Hiệu phó Trường PTCS xã Nậm Lành đã nói.
Gương mẫu trong phong trào, anh còn động viên vợ tự nguyện tham gia lớp xóa mù chữ, lớp bổ túc tiểu học rồi bổ túc trung học cơ sở. Gia đình anh hiện có 4 cháu: một cháu đang học đại học, hai cháu học cấp ba và một cháu đang theo học tại Trường Dân tộc Việt Bắc.
Anh chính là người có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phá bỏ những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của các dân tộc vùng cao nói chung và xã Nậm Lành nói riêng. Các bậc cha mẹ nghe theo anh đã có ý thức tạo điều kiện cho con em mình đi học đến bậc THPT... Anh là người đại diện cho dòng họ Lý xã Nậm Lành và các dân tộc thiểu số vùng cao đi dự Đại hội giáo dục huyện Văn Chấn năm 2007, vinh dự được báo cáo với Đại hội về truyền thống hiếu học của dòng họ Lý trên vùng cao, dân tộc thiểu số.
Gặp anh khi anh vừa đi dự Đại hội giáo dục huyện về, anh phấn khởi tâm sự: “Mình muốn thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thì phải học cho biết chữ đã. Riêng con mình, mình sẽ đầu tư cho các cháu ăn học, nếu phải bán trâu cho con ăn học thì mình cũng bán. Các cháu có kiến thức sau này sẽ giúp ích được nhiều cho bà con vùng cao và cho xã hội. Mình chỉ mong sao phong trào học tập của dòng họ Lý sẽ được các dòng họ khác làm theo. Trẻ em vùng cao cầm tờ báo là phải biết đọc”.
Với mong muốn mở rộng phong trào học tập tới các dòng họ khác trong xã và bà con dân tộc thiểu số vùng cao, ở cương vị một chủ tịch xã năng động như anh, tôi tin anh sẽ thành công.
Nguyễn Xuân Tình
Các tin khác
YBĐT - Theo giới thiệu của Phó bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), tôi đến thăm gia đình anh Dương Kim Huyện ở thôn Đồng Song, một trong những hộ gia đình người Dao được bà con trong thôn gọi với cái tên trìu mến là "triệu phú bản Dao".
YBĐT - Bằng kinh nghiệm sẵn có cộng với tấm lòng say mê, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, anh Cấn Trọng Đức - một huấn luyện viên, trọng tài trên sân cỏ, chủ xưởng cơ khí Đức Hương tại khu phố II, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã sáng chế sản xuất thành công chiếc máy thái sắn được bà con trên địa bàn huyện Văn Yên và nhiều tỉnh thành trên cả nước ưa chuộng.
YBĐT - Ở bản Trống Tông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) ai cũng biết gia đình Hờ Chờ Mang là gia đình văn hoá, làm kinh tế giỏi. Với quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo lạc hậu, Hờ Chờ Mang đã vận động gia đình, con cháu tích cực thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng lương thực, dần dần xoá bỏ các tập tục lạc hậu để xây dựng nếp sống mới cho mình.
YBĐT - Con đường từ bản Ngòi Kè đến trung tâm xã Bảo Ái (Yên Bình) dài hơn 8km thì có tới 6km là đường đất, dốc và đèo. Cả bản có 46 hộ, 100% dân tộc Dao và có tới 65% là hộ nghèo; chỉ có 10 hộ được dùng điện lưới (dùng nhờ đường điện của Phân xưởng sản xuất chè số 2 thuộc Công ty Chế biến xuất khẩu chè Văn Hưng đóng trên địa bàn xã); thu nhập bình quân chỉ đạt 2,8 triệu đồng/người/năm. Nói như thế đủ biết đời sống của nhân dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.