Cây chanh thời hội nhập

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thoạt nghe việc trồng chanh làm giàu, tôi nghĩ là chuyện hài hước. Chẳng là bao năm nay, quả chanh ở Yên Bái bèo bọt, tôi thường gặp những người đàn bà bưng rổ, lăn lóc mấy quả chanh vườn nhà, mời chào mà ai cũng lắc đầu. Việc trồng, bán chanh như thế sao có chuyện làm giàu? Ấy vậy mà có, có một trăm phần trăm!

Vì có sự lạ ấy, tôi cất buổi, phóng xe xuống thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên. Căn nhà xây tựa lưng vào núi, rợp bóng cây xanh. Trước nhà là vườn cây ăn quả, hầu hết là chanh. Sân nhà đặt những chậu cây cảnh, những đõ ong, chứng tỏ một người chủ chịu khó, năng động, yêu thiên nhiên. Đó là nơi ở, nơi làm giàu của gia đình anh Phạm Thế Cầu. Biết tôi muốn tìm hiểu việc trồng chanh, kinh doanh chanh, anh vui vẻ:

-Trước khi nói chuyện, em mời bác đi thăm vườn cho rõ người thực việc thực.

Theo anh Phạm Thế Cầu vào vườn chanh mà tôi xuýt xoa. Cả một vùng cây chanh rộng, kéo dài qua bên kia đường vào nhà, xanh tốt. Quanh tôi, những cây chanh trĩu quả, cành uốn cong vì nặng, phải có cây chống. Trên cành thì quả to bằng vốc tay, còn tiếp lứa quả bằng đầu ngón tay, lứa quả mới bằng đầu nan hoa xe đạp, vẫn còn lứa hoa đang ra tiếp. Nhìn quả chanh to, mọng nước, tôi nâng, vừa nặng, vừa cỡ đầy bàn tay. Anh Cầu cho biết:

-Quả cỡ này, cứ mười quả là một kilôgam, hái năm cây là được một tạ. Ở đây, em chỉ bán chanh theo tấn chứ không bán theo quả...

Anh cho biết, cứ mấy ngày, lại có người đưa xe ô tô từ Cát Lem lên mua. Người của họ tự hái quả, tự đưa xếp lên xe. Mình chỉ xem mặt cân, nhận tiền. Bà con trong thôn, tiện thể cũng đưa chanh đến cân. Khách mua chanh, đưa về Cát Lem, chọn lọc. Quả đẹp thì xếp vào hộp giấy, đưa sang Trung Quốc còn lại thì đưa về Hà Nội, tiêu thụ nội địa.

Ngoài bán quả, anh Cầu còn bán cành chanh giống, bán cả cây chanh đang sai quả, bán cây trồng vào chậu, làm cây cảnh. Giống cây anh Phạm Thế Cầu trồng là giống chanh Thiên thời. Giống này, cả lá, quả dùng làm gia vị đều thơm ngon như chanh thông thường mọi nhà vẫn trồng, nhưng có ưu điểm: cây quanh năm ra hoa, phần lớn là có quả trái vụ, nên bán được giá gấp đôi chanh chính vụ mà tiêu thụ mạnh. Chanh Thiên thời còn có sức đề kháng sâu bệnh cao, có sức sống khỏe, có thể trồng ngoài đất, trồng trong chậu, để trên nhà tầng vẫn xanh tốt, ra hoa quả.

Trở lại nhà, ngồi uống nước, anh Cầu lấy từ cặp ra từng tập giấy tờ, làm tôi gặp bất ngờ mới. Trong tay anh có nhiều bản hợp đồng mua cây chanh giống. Nào hợp đồng với dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tổ chức cứu trợ trẻ em Nhật Bản (SCJ), ký tháng 5 năm 2007, mua 280 cây, trị giá 5 triệu 6 trăm nghìn đồng, để cung cấp cho các xã Lương Thịnh, Hưng Khánh (Trấn Yên). Tháng 6 năm 2007, Công ty CAVICO Thảo Nguyên hợp đồng mua 500 cành giống trị giá 10 triệu đồng. Sau đó, những tổ chức này còn ký tiếp hợp đồng mấy lần.

-Đến giờ gia đình đã có thu nhập bao nhiêu?

Trước khi chia tay, tôi hỏi anh Phạm Thế Cầu. Anh thận trọng nhẩm tính từng khoản lớn, nói chắc chắn:

-Cũng vào khoảng trăm triệu bác ạ. Đây là tổng thu nhập, tính cả chè, cá ở ao, nhưng chanh là chính. Nếu trừ chi phí công làm, tiền mua phân bón, còn lãi khoảng sáu mươi triệu.

Sáu mươi triệu đồng, số tiền không nhỏ, nhất là với hộ nông dân ở nơi đất  nghèo. Ở Yên Bái, nếu có điều kiện, chắc là còn gặp bao người, với bao cây, bao con vật nuôi khác, các cách làm ăn khác. Nghĩ về những người như thế, tôi thấy một tương lai không xa, Yên Bái không còn là tỉnh miền núi chỉ có nghèo nàn, lạc hậu.      

Trần Cao Đàm

 

Các tin khác

YBĐT - hị Trần Thị Huệ là Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Y tế tỉnh Yên Bái. Không chỉ là một cán bộ Đoàn, chị còn trực tiếp giảng dạy bộ môn Điều dưỡng, quản lý học sinh và giảng lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng như ở cơ sở.

Anh Lý Kim Kinh đi báo cáo thành tích ở Đại hội giáo dục Văn Chấn năm 2007.

YBĐT - Nậm Lành là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nơi tập trung hầu hết là đồng bào Dao. Đời sống nhân dân nay đã được cải thiện, giờ họ không chỉ lo cho con cái mình cơm ăn, áo mặc mà còn lo làm sao con em mình không bị thất học. Với nhận thức đó, ở nơi này có một dòng họ có số nhân khẩu lớn nhất xã cũng là dòng họ đầu tiên đã rất coi trọng việc học chữ cho con em mình mà công đầu thuộc về một người trong họ – Chủ tịch xã Lý Kim Kinh.

Nông dân xã Tân Đồng (Trấn Yên) khai thác quế.
Ảnh: T.L

YBĐT - Theo giới thiệu của Phó bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), tôi đến thăm gia đình anh Dương Kim Huyện ở thôn Đồng Song, một trong những hộ gia đình người Dao được bà con trong thôn gọi với cái tên trìu mến là "triệu phú bản Dao".

YBĐT - Bằng kinh nghiệm sẵn có cộng với tấm lòng say mê, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, anh Cấn Trọng Đức - một huấn luyện viên, trọng tài trên sân cỏ, chủ xưởng cơ khí Đức Hương tại khu phố II, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã sáng chế sản xuất thành công chiếc máy thái sắn được bà con trên địa bàn huyện Văn Yên và nhiều tỉnh thành trên cả nước ưa chuộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục