“Ông Hải chè”

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Câu nói đó rất xứng đáng được dành tặng cho bác Lê Đức Hải 70 tuổi, ở thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), hội viên Hội Người cao tuổi của huyện vì bác đã có những biện pháp làm kinh tế hiệu quả, làm giàu rất chính đáng và vì những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Từ việc thành lập xưởng thu mua, chế biến chè, bác đã được bà con nơi đây trìu mến gọi là “ông Hải chè”.

Bác Lê Đức Hải (ngoài cùng bên trái) giới thiệu dây chuyền sản xuất chè của mình với các cán bộ Hội Người cao tuổi tỉnh và huyện Trấn Yên.
Bác Lê Đức Hải (ngoài cùng bên trái) giới thiệu dây chuyền sản xuất chè của mình với các cán bộ Hội Người cao tuổi tỉnh và huyện Trấn Yên.

Ghé thăm gia đình bác, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi được chứng kiến cơ ngơi rất khang trang, ngôi nhà hai tầng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt nằm sát đường quốc lộ.

Bác Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp. Từ khi thời còn trẻ, bác đã sớm cảm nhận được sự lam lũ vất vả của nghề nông và dần hình thành một quyết tâm thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Vì thế, vào những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, khi ngành lâm nghiệp của nước ta bắt đầu manh nha được xây dựng, bác đã xung phong tình nguyện đi theo. Ngày đó, vừa đi học thêm vừa đi làm, lại phải thường xuyên di chuyển, sơ tán trong rừng tránh kẻ thù, thức ăn chủ yếu chỉ là củ mài và sắn song những kinh nghiệm khi tiếp xúc với rừng, với điều kiện khí hậu, với đặc trưng của từng loại đất đã được tích lũy, hun đúc trong bác để trở thành một vốn sống quý báu phục vụ cho công việc sau này.

Hơn 30 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, đầu thập niên 1990, bác Hải về hưu và với tâm lý “không có việc gì làm, nhàn rỗi là không chịu được”, bác đã quyết định nhận 13ha đất đồi để đầu tư trồng rừng. Với số vốn khởi đầu 4 triệu đồng vay được từ Ngân hàng huyện, bác đã thuê nhân công phát rừng, đốt rẫy và mua giống cây bồ đề, bạch đàn về trồng. Kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đã có sẵn, rừng trồng của gia đình bác phát triển rất nhanh, đúng chu kỳ và cho chất lượng gỗ tốt. Năm 1997, toàn bộ diện tích rừng cho khai thác, bán được trên 100 triệu đồng. Từ nguồn thu này, bác Hải đã đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi với trên 20 con bò, đào ao sản xuất cá giống bán cho hợp tác xã...

Nếu chỉ có vậy thì cũng chưa có gì đáng nói, bước ngoặt trong công cuộc làm kinh tế của gia đình bác Hải chính là thời điểm năm 2001, khi Nhà nước có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình. Sớm nhận thức được sự phát triển, thế mạnh của mô hình kinh tế tư nhân, bác đã bắt tay vào làm chè - một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà. Tuy vậy, “vạn sự khởi đầu nan”, sự thiếu thốn về vốn để đầu tư vào máy móc, mặt bằng sản xuất và kỹ thuật đã đặt bác trước một bài toán khó giải. Lại một lần nữa bác trăn trở suy nghĩ, rồi với sự ủng hộ của người thân, sự đóng góp, cho mượn của anh em họ hàng, bác đã quyết định vay thêm 200 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư. Thời gian đầu, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ với chỉ vài công nhân và người trong nhà, có những lúc tưởng chừng như thất bại vì thị trường thì rộng, các mối quan hệ với bạn hàng còn rất thiếu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Bác đã chủ động bỏ công đi đến các tỉnh lân cận để tìm mối hàng và khi trở về đã có trong tay một số địa chỉ đáng tin cậy. Dần dần, sản xuất đi vào ổn định, các mối hàng ngày càng nhiều hơn và uy tín xưởng sản xuất của bác cũng được nâng lên; “vốn sinh vốn, lãi đẻ lãi”, bác đã có nguồn để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng máy móc, kỹ thuật và sản lượng chè...

Năm này qua năm khác, xưởng chè của bác Hải đều được đầu tư nâng cấp để đến cuối năm 2007 vừa qua, dây chuyền sản xuất trị giá 1,5 tỷ đồng đã được đầu tư, sản xuất được cả hai loại sản phẩm là chè xanh và chè đen; hai phân xưởng chế biến riêng, hoạt động hết công suất mỗi ngày có thể chế biến được tới 12 tấn chè búp tươi; tổng sản lượng cả năm 2007 đạt 200 tấn chè sơ chế (khoảng 1000 tấn chè búp tươi) cho tổng thu nhập lên tới 1,5 tỷ đồng (trừ tất cả các chi phí bác còn được lãi trên 100 triệu đồng). Bác cũng đã ký hợp đồng kinh tế dài hạn với nhiều công ty trong và ngoài tỉnh về việc tiêu thụ sản phẩm (riêng Công ty cổ phần sản xuất chè Thanh Ba - Phú Thọ mỗi năm mua cho bác 100 tấn chè sơ chế)...

Để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, bác đã trực tiếp ký hợp đồng thu mua chè búp với người dân, giá cả ổn định và có điều chỉnh khi giá thị trường tăng cao. Mặt khác, đối với những hộ gia đình thiếu vốn đầu tư trồng chè, bác đã tổ chức cho vay dưới hình thức cấp phân bón (không lấy lãi)... Đến nay, xưởng chè của bác Hải đã tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động địa phương với thu nhập hơn 800 ngàn đồng/người/tháng và được bà con nhiệt tình ủng hộ.

Với những cách làm táo bạo, sáng tạo và gặt hái nhiều thành công đó, bác Lê Đức Hải thực sự là một tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi cho nhiều người học tập và làm theo.

 Thiên Cầm

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục