Cháy hết mình cho quê hương

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trên vùng đất lũ Cát Thịnh (Văn Chấn), mới đây mọc lên một toà nhà 5 tầng sang trọng, trị giá cả tỷ đồng. Mấy ông khách từ xa thường xuyên qua đây ngạc nhiên: Không biết ai ở vùng đất lũ khó khăn này lại có ngôi nhà to thế? Họ có biết đâu, chủ nhân của nó là ông Nguyễn Hồng Quang, một người chuyên nghề đốt gạch, chiều nào cũng đánh cờ tướng với mấy bác xe ôm...

Giám đốc Nguyễn Hồng Quang (thứ ba, phải sang) cùng anh em công nhân bên dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 15 triệu viên/năm dự kiến hoàn thành vào quý II/2009.
Giám đốc Nguyễn Hồng Quang (thứ ba, phải sang) cùng anh em công nhân bên dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 15 triệu viên/năm dự kiến hoàn thành vào quý II/2009.

Chuyện ông Quang làm giàu trên vùng đất lũ Cát Thịnh thì nhiều người đã biết, nhưng để có cơ ngơi như hôm nay, ít ai biết cuộc đời ông đã nếm trải nhiều đắng cay, gian khổ như thế nào. Sau giải phóng miền Nam 1975, ông Quang trở về Bắc, được cử đi nước ngoài học tập, nhưng chỉ vì chưa học cấp 3 mà may mắn đến với ông vụt tan biến.

Nhiều năm lận đận, cuối cùng ông cũng có được tấm bằng trung cấp kinh tế. Năm 1982, tạm biệt quê hương Vũ Bình (Kiến Xương, Thái Bình), chỉ với chiếc ba lô, ông Quang cắp bên nách đứa con gái 4 tuổi lên nhận công tác ở Xí nghiệp Chè Trần Phú (xã Cát Thịnh, Văn Chấn) cũng là quê ngoại của ông. Ba tháng sau, vợ ông dắt cậu con trai lên nhận làm hợp đồng trong bếp ăn tập thể của cơ quan. Chỉ mình ông có biên chế, cả gia đình mấy miệng ăn trông vào 15 kg gạo được trợ cấp hàng tháng. Để có ăn, ngày nghỉ, ông cùng vợ phát rẫy làm nương trồng lúa, trồng ngô…

Đêm đêm, ông lại cặm cụi ra suối đánh dậm kiếm con cá, con tôm về nấu canh, nửa đêm mấy bố con húp sùm sụp để có sức cho ngày mai. “Rồi vợ tôi sinh thằng út, khó đẻ phải mổ, mẹ tôi từ Thái Bình lặn lội lên chăm sóc… - ông Quang bùi ngùi kể - Người mẹ già thay vợ tôi lo cơm nước cho cả nhà. Tôi còn nhớ như  in buổi chiều hôm đó, tôi đi làm về muộn, bà ngập ngừng mãi mới nói: “Nhà hết gạo rồi, con ạ”. Nhìn trên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục chờ gạo, tôi nói: “Mẹ đợi con”, rồi quay lại Nhà máy. Thế nhưng dọc đường, nhìn ai cũng ngại ngùng không cất được lên lời, vì mình đã vay họ rồi mà chưa trả được.

Thấy tôi vòng đi vòng lại ở cổng Nhà máy cả chục lần, anh bảo vệ ra hỏi: “Anh mất gì vậy?”. Được lời, tôi mới kể rõ tình cảnh, anh ấy vui vẻ nói “Anh về nhà em…”. Về nhà anh ấy mở thùng gạo, nó cũng rỗng không. Anh lúng túng bảo: “Vợ em về muộn nên chưa kịp đong”, cũng may cạnh đó có tải ngô răng ngựa, xúc lấy nửa túi nặng nặng, tôi khoác lên vai cám ơn anh rồi về. Đến ngõ, thấy mẹ đứng cửa, nước mắt tôi chỉ muốn trào ra, tôi nghèn nghẹn nói: “Hôm nay thay đổi một chút mẹ nhé”, mẹ tôi hiểu ý, đón lấy bao tải: “Mẹ cũng đang thèm được ăn ngô…”.

Sau cái đận khó khăn ấy, trước cảnh bần cùng của gia đình, Giám đốc Nhà máy nhường cho ông suất đất 200m2 sâu trong mấy ngọn đồi hoang phía sau đơn vị để làm nhà. Nhìn mấy ngọn đồi hoang quanh nhà, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện làm gạch. Hết giờ cơ quan, cơm nước xong, ông lao vào đào đất, nhào nặn đóng gạch một mình, đứa con 12 tuổi cũng nghỉ học giúp. Mấy mẻ gạch đầu tiên liên tục hỏng, mẻ thì non, mẻ thì quá lửa bị phồng nứt… Rút kinh nghiệm, ông thử lấy đất ở nhiều chỗ khác nhau cuối cùng cũng tìm được loại đất sét thích hợp. Vậy là nhiều năm liền người ta hiếm thấy bố con ông đi ngủ trước 12 giờ đêm.

Nhà máy gạch tuynel của Công ty cổ phần xây dựng Quang Thịnh (Văn Chấn).

Khi mẻ gạch đầu tiên ra lò, mẻ gạch của mồ hôi và nước mắt thì cũng là lúc căn nhà bị mưa lũ làm đổ sụp xuống, vợ ông bị gỗ đè liệt nửa người, phải thuốc thang nhiều tháng mới gượng dậy được. Khó khăn chồng chất khó khăn, ông được mấy đứa cháu ở quê lên giúp đóng gạch. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng bảo ông: “Chúng cháu hộ chú cất nốt mẻ gạch này, chú không được bán mà phải dùng xây một căn nhà kiên cố cho cô và các em đỡ khổ”. Thực hiện lời hứa, năm 1990 ông cất được ngôi nhà xây kiên cố. Cũng năm đó, Nhà máy thành lập tổ sản xuất vật liệu xây dựng và giao cho ông làm đội trưởng.

Có sẵn kinh nghiệm, ông chèo lái đưa tổ sản xuất làm ăn ngày một khấm khá, có thể tự mua sắm nhiều công cụ tiện lợi cho công việc. Tuy nhiên, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhiều người thấy ông làm tốt lại mua sắm nhiều thứ cho tổ sản xuất nên lời ra tiếng vào. Ban giám đốc kỷ luật ông vì làm sai nguyên tắc, thu cả chiếc công nông mà tổ sản xuất dành dụm nhiều năm mới sắm được rồi cách chức ông, giao cho người khác quản lý đội, còn ông chỉ ở đó làm công tác Đảng. Chán nản, ông xin quay về tiếp tục đóng gạch. Vắng ông, tổ sản xuất làm ăn lẹt đẹt, xuống dốc, công nhân xin nghỉ ngày một nhiều, Nhà máy lại mời ông quay lại.

Năm 2000, được sự cố vấn của một người bạn làm ở Huyện ủy Văn Chấn, ông Quang làm đơn xin thành lập doanh nghiệp tư nhân Quang Phú. Từ đó, ông có điều kiện để vay vốn sản xuất, mở rộng thị trường, đa dạng ngành nghề. Không chỉ bó gọn trong sản xuất vật liệu xây dựng, ông còn tham gia vào xây dựng các công trình dân dụng. Năm 2004, ông thành lập Công ty cổ phần Quang Thịnh. Ngay trong năm thành lập, doanh nghiệp đã có doanh thu trên 3 tỷ đồng, nộp ngân sách 200 triệu đồng. Đến năm 2005, giấc mơ về một nhà máy gạch của ông đã thành hiện thực, một nhà máy gạch tuynel công suất 18 triệu viên/năm với công nghệ hiện đại đã ra đời trên vùng đất lũ.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi mới của Công ty, ngôi nhà 5 tầng có diện tích gần 1.000 m2 sàn đang trong quá trình hoàn thiện, ông nói về dự định của mình: “Công ty cổ phần Quang Thịnh sẽ phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tiến tới sẽ thành lập một tập đoàn kinh tế theo mô hình hợp tác xã”. Hiện Công ty có 5 đội sản xuất (xây dựng dân dụng, công nghiệp, đội cơ khí, đội mộc, đội sản xuất vật liệu), một nhà máy gạch tuynel công suất 18 triệu viên/năm, một trang trại nuôi lợn siêu nạc... với gần 300 công nhân, mức lương bình quân 1,2-1,7 triệu đồng người/tháng.

Mới đây, Công ty còn đầu tư 20 tỷ đồng, lắp thêm 1 dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 15 triệu viên/năm, dự kiến đến hết quý II năm 2009 đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm 150 chỗ làm mới. Thành công trong kinh doanh, nhưng ông cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống công nhân và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Công ty mỗi năm dành khoảng 100 triệu đồng để làm từ thiện và hỗ trợ 10 gia đình thương binh liệt sỹ, 5 em học sinh nghèo của huyện Văn Chấn. Sống sót sau lửa đạn, đứng vững trong cơn khốn khó, giờ đây ông lại tiếp tục lấy đất quê hương làm giàu, ngọn lửa nhiệt huyết của người lính Nguyễn Hồng Quang lại tiếp tục cháy hết mình cho quê hương.

Anh Dũng

Các tin khác

YBĐT - Tôi tự thấy xấu hổ với bản thân mình khi gặp người thương binh nặng Lương Viết Huấn tại nhà riêng ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (trước đây là Đông Lý), huyện Yên Bình (Yên Bái), bởi phải cuốc bộ qua một đoạn đá sỏi lẫn bùn đất của quốc lộ 70 và đường đất dốc lầy thụt từ đó ra sát mép hồ Thác Bà, nên có lúc đã nghĩ là gian khổ quá!

Ông Nguyễn Hữu Thà thăm ao của gia đình.

YBĐT - Ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái (Yên Bái) nhiều người biết đến ông Nguyễn Hữu Thà, thương binh 1/4, người luôn mẫu mực trong các phong trào hoạt động của địa phương.

Anh lê Văn Tuấn chăm sóc đàn ong.

YBĐT - Tuy đã hẹn trước nhưng phải đến lần thứ ba, chúng tôi mới gặp được anh. Bởi cuộc sống của những chú ong “du mục” tìm hoa ở những đồi rừng khác nhau nên “ông chủ” nuôi ong bậc nhất trên vùng đất Ngọc này cũng phải nay đây mai đó. Ấy chính là đoàn viên Lê Văn Tuấn, sinh năm 1983, hiện đang sinh hoạt ở Chi đoàn thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của bệnh binh 2/3 Đặng Huy Chuân.

YBĐT - Thương bệnh binh, những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc độc lập, hòa bình. Còn hôm nay, họ vượt lên khó khăn, vững vàng trên trận tuyến mới – phát triển kinh tế. Bệnh binh 2/3 Đặng Huy Chuân ở tổ dân phố 2, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái)là một người như thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục