Ông chủ ong trên đất Ngọc

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tuy đã hẹn trước nhưng phải đến lần thứ ba, chúng tôi mới gặp được anh. Bởi cuộc sống của những chú ong “du mục” tìm hoa ở những đồi rừng khác nhau nên “ông chủ” nuôi ong bậc nhất trên vùng đất Ngọc này cũng phải nay đây mai đó. Ấy chính là đoàn viên Lê Văn Tuấn, sinh năm 1983, hiện đang sinh hoạt ở Chi đoàn thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Anh lê Văn Tuấn chăm sóc đàn ong.
Anh lê Văn Tuấn chăm sóc đàn ong.

Lê Văn Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Tuấn đã nghỉ học để giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. Nhiều năm đỡ đần gia đình làm nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất và thâm canh cây lúa nhưng cuộc sống cũng chẳng khá giả, vẫn thiếu thốn và vất vả. Từ thực tế đó, Tuấn đã lập nhiều dự án để phát triển kinh tế như chăn nuôi lợn, mở xưởng mộc hay buôn bán, sản xuất đá quý... nhưng cuối cùng, anh đã chọn nghề nuôi ong.

Đầu năm 2004, anh đi tham quan một số mô hình về nuôi ong có tiếng ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang. Nhận thấy đây là nghề có triển vọng, thu nhập cao lại phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên anh đã quyết tâm học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình này. Đến đầu năm 2005, Tuấn mua về năm tổ ong ở Hà Giang với số tiền trên 4 triệu đồng.

Cái buổi ban đầu làm quen với nghề, thật không đơn giản chút nào, Năm tổ ong mới mua thì sau một thời gian ngắn đã chết mất hai, cộng với chưa có kỹ thuật nên bị ong rừng cắn phá, chưa thay chúa kịp thời... Trở ngại đó không làm anh lùi bước mà càng thôi thúc phải học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ tìm hiểu kiến thức qua sách báo, Tuấn còn dành nhiều thời gian đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của một số người nuôi ong nổi tiếng ở các địa phương khác.

Với quan niệm “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cuối cùng, anh cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong, đó là muốn có được sản phẩm mật chất lượng, lượng mật nhiều phải biết di chuyển ong theo mùa hoa nở. Nhờ vậy, sản lượng mật ong luôn năm sau cao hơn năm trước.

Từ thị trấn Yên Thế, chúng tôi đi xe máy đến thăm đàn ong của anh Tuấn đang “du mục” ở một đồi rừng ở thôn 7, xã Tân Lĩnh. Giữa rừng cây đang mùa rộ hoa là những dãy thùng ong vuông vức được xếp thành từng hàng dưới gốc. Hình như đã đến “cữ”, anh bắt đầu đi lật từng khay cầu ong lên rồi đảo chiều ngược lại. Thấy tôi vội kéo áo trùm kín đầu, Tuấn cười trấn an: “Không sao đâu, chưa quen thấy cảm giác sợ vậy thôi chứ chúng không đốt đâu”. Nói rồi, anh quay sang nhẹ nhàng lật tiếp những khay cầu ong khác, từng động tác thật gọn và khéo.

Theo Tuấn thì nghề nuôi ong mật cũng dễ mà cũng khó, đòi hỏi người nuôi phải vững kỹ thuật cơ bản mới chọn được ong chúa chất lượng, tạo ra nguồn ong thợ tốt. Trong quá trình nuôi phải biết cách chăm sóc, cho ăn, nhân đàn… Nếu phát hiện ong bị bệnh phải cách ly, trị bệnh hoặc chuyển ngay ong đi để thay đổi môi trường và tìm nguồn nuôi khác cho phù hợp.

Do vậy, người nuôi cũng còn phải có “duyên” với… ong, đồng thời phải kiên trì, nhẫn nại, cần cù như chính những con ong chăm chỉ thì mới trụ được. Chị Hà Thị Uyên, vợ của anh Tuấn cho biết thêm: “Nghề nuôi ong vất vả, hằng ngày phải thức khuya dậy sớm để vệ sinh đàn, đảo cầu, cắt ong nhộng đực bỏ đi và thường xuyên kiểm tra ong chúa. Cách đánh mật đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, lấy cầu ong ra nhẹ nhàng rũ ong xuống để không làm tổn thương đàn ong mật”.

Không ngại gian khổ, từ chỗ năm tổ ong ban đầu, đến nay Tuấn đã nhân rộng ra trên 80 đàn, đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm. Trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng mật thu được anh đạt hơn 1,3 tấn,  thu về trên 104 triệu đồng. Người nuôi ong đã giúp gia đình Tuấn có cuộc sống khá giả. Và niềm vui đó nhân lên gấp bội khi chính anh trở thành động lực để cho nhiều đoàn viên thanh niên trong huyện đến học tập kinh nghiệm, có thêm quyết tâm  tích cực xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Văn Tuấn

Các tin khác
Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của bệnh binh 2/3 Đặng Huy Chuân.

YBĐT - Thương bệnh binh, những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc độc lập, hòa bình. Còn hôm nay, họ vượt lên khó khăn, vững vàng trên trận tuyến mới – phát triển kinh tế. Bệnh binh 2/3 Đặng Huy Chuân ở tổ dân phố 2, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái)là một người như thế.

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Lưu quay mật ong.

YBĐT - Không chọn cuộc sống an nhàn khi đã ở những năm tháng có quyền được như thế. Không cho bàn tay, khối óc mình ngơi nghỉ khi đã bước vào tuổi cao niên. Khi làm cha làm mẹ họ đã là những người để con cháu cậy nhờ nay làm ông làm bà họ vẫn "chưa chịu" ngồi đó để nhờ cậy cháu con.

YBĐT - Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và phong trào thi đua yêu nước do Hội LHPN các cấp phát động, nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Nga - Bí thư chi bộ thôn Chăn Nuôi, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã vận động gia đình đẩy mạnh phát triển kinh tế. Bản thân chị Nga cũng là người có nhiều đóng góp trong công tác Đảng và Hội tại địa phương.

Ông Kỷ bên chuồng hươu con mới sinh.

YBĐT - Bà con thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trìu mến gọi ông là “Ông già triệu phú”. Bởi không chỉ là thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ trang trại của gia đình, mà ông còn “triệu phú” những điều ông học được từ những năm tháng trong “trường đại học lớn” – TNXP. Tên ông là Nguyễn Kỷ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục