Gương sáng bản Đêu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo lời giới thiệu của Hội Người cao tuổi thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Vì Văn Luân (dân tộc Thái) ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An. Bước vào tuổi 62 nhưng ông Luân vẫn còn khoẻ khoắn thể hiện sức vóc của một lão nông tri điền.

Vừa rót nước mời khách, ông vừa say sưa kể về hoàn cảnh và cách làm giàu của gia đình: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm, bố mẹ già yếu lại đông anh em. Cái nghèo chưa qua, cái đói lại tới, kinh tế gia đình đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Nhìn đồng đất quê nhà đã từ lâu mình cứ trăn trở: tại sao cũng mảnh ruộng đó, cánh đồng đó mà nhiều hộ gia đình ở các địa phương đã thoát được nghèo mà mình không làm được?. Không lẽ mình cứ phải cam chịu mãi cảnh đói nghèo ?”. Cuộc sống kham khổ đã nuôi dưỡng trong ông ước mơ làm giàu.

Với quyết tâm đó, ông đã lặn lội sang các xã bạn học tập kỹ thuật canh tác và cách thức chăm sóc cây con giống mới. Ông cũng luôn chịu khó học hỏi qua sách báo, nghe đài, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội nông dân tổ chức. Có kinh nghiệm, ông mạnh dạn đầu tư vốn dành dụm được tập trung vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, mỗi năm nuôi 3 lứa lợn thịt, 2 lứa lợn nái, xuất chuồng được trên 1 tấn lợn thịt/năm, trừ chi phí còn lãi trên 7 triệu đồng.

Kết hợp cùng chăn nuôi trên diện tích 11 sào ruộng 2 vụ, ông đưa các giống lúa mới năng xuất, chất lượng cao vào thâm canh, sản lượng hàng năm đạt trên 6 tấn, dư dật lương thực cho cả gia đình còn tận thu được sản phẩm phụ phục vụ chăn nuôi. Năm 1995, khi Đảng và Nhà nước phát động chủ trương giao đất giao rừng cho từng hộ gia đình, ông nhận 4,5 ha đất để trồng rừng.

Ông Luân tâm sự: “Hồi mới đầu mình cũng rất lo không biết làm thế nào để canh tác trên diện tích đó được. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của bà con thôn, bản, mình cũng vượt qua được khó khăn”. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông tập trung trồng 1-2 ha rừng kinh tế. Số diện tích còn lại ông trồng ngô và các cây rau màu khác. Mỗi năm ông Luân thu hẹp lại diện tích ngô và rau màu, dần dần gia đình ông đã phủ xanh được cả 4,5 ha rừng với 2 loại cây trồng chính là thông và keo. Không dừng lại ở đó, ông còn chuyển đổi diện tích 4 sào đất ruộng kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá thương phẩm như: cá trắm, cá chép, cá trôi... mỗi năm thu trên 10 triệu đồng tiền lãi.

Khi kinh tế gia đình đã ổn định có bát ăn bát để, năm 2005 trong guồng máy chung của nền kinh tế thị trường, lại có lợi thế gia đình ở gần trung tâm xã, ông Luân bàn bạc cùng các thành viên trong gia đình quyết định đầu tư kinh doanh dịch vụ, huy động toàn bộ nguồn vốn tích cóp được của gia đình và vay thêm nguồn vốn từ ngân hàng mua 2 máy xay xát, 2 máy nghiền thức ăn gia súc; 1 máy tuốt lúa, 1 má-y bừa. Phát triển được nghề này ông đã tạo được việc làm thường xuyên cho 6 lao động là con, cháu trong gia đình, phục vụ đắc lực cho bà con dân bản lúc mùa vụ. Nguồn thu từ dịch vụ này đạt trên 15 triệu đồng/năm. Tính chung các nguồn thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ xay xát... mỗi năm của gia đình ông Vì Văn Luân đạt trên 50  triệu đồng.

Không những làm giàu cho gia đình mình, ông Luân còn nhiệt tình hướng dẫn các hộ gia đình trong thôn, bản kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật chăm sóc cây, con giống. Nhờ vào sự giúp đỡ của ông mà nhiều hộ gia đình ở bản Đêu đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. “Tuổi càng cao ý chí càng cao”, mô hình kinh tế tổng hợp do ông Luân gây dựng thật sự là một điển hình tiên tiến, ông là tấm gương sáng của Hội Người cao tuổi xã Nghĩa An cần được nhân rộng. 

 Quỳnh Nga

 

Các tin khác
Giám đốc Nguyễn Hồng Quang (thứ ba, phải sang) cùng anh em công nhân bên dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 15 triệu viên/năm dự kiến hoàn thành vào quý II/2009.

YBĐT - Trên vùng đất lũ Cát Thịnh (Văn Chấn), mới đây mọc lên một toà nhà 5 tầng sang trọng, trị giá cả tỷ đồng. Mấy ông khách từ xa thường xuyên qua đây ngạc nhiên: Không biết ai ở vùng đất lũ khó khăn này lại có ngôi nhà to thế? Họ có biết đâu, chủ nhân của nó là ông Nguyễn Hồng Quang, một người chuyên nghề đốt gạch, chiều nào cũng đánh cờ tướng với mấy bác xe ôm...

YBĐT - Tôi tự thấy xấu hổ với bản thân mình khi gặp người thương binh nặng Lương Viết Huấn tại nhà riêng ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (trước đây là Đông Lý), huyện Yên Bình (Yên Bái), bởi phải cuốc bộ qua một đoạn đá sỏi lẫn bùn đất của quốc lộ 70 và đường đất dốc lầy thụt từ đó ra sát mép hồ Thác Bà, nên có lúc đã nghĩ là gian khổ quá!

Ông Nguyễn Hữu Thà thăm ao của gia đình.

YBĐT - Ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái (Yên Bái) nhiều người biết đến ông Nguyễn Hữu Thà, thương binh 1/4, người luôn mẫu mực trong các phong trào hoạt động của địa phương.

Anh lê Văn Tuấn chăm sóc đàn ong.

YBĐT - Tuy đã hẹn trước nhưng phải đến lần thứ ba, chúng tôi mới gặp được anh. Bởi cuộc sống của những chú ong “du mục” tìm hoa ở những đồi rừng khác nhau nên “ông chủ” nuôi ong bậc nhất trên vùng đất Ngọc này cũng phải nay đây mai đó. Ấy chính là đoàn viên Lê Văn Tuấn, sinh năm 1983, hiện đang sinh hoạt ở Chi đoàn thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục