Gặp người cứu hơn 1000 sinh mạng trong lũ dữ

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - Đến giờ, khi đã an toàn về đến nhà được hơn 24h, anh Nguyễn Ngọc Tâm, lái tàu LC1 chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai ngày 9-8 mới kể lại cho vợ đêm kinh hoàng ngồi trên nóc tàu giữa dòng nước xiết. Vợ anh và các con dù đã chuẩn bị tinh thần cả tuần trước đó khi biết anh mắc nạn giữa lũ dữ vẫn chưa hết hoàn hồn. Nghe xong câu chuyện, chị chẳng nói gì chỉ nắm lấy bàn tay khâu 10 mũi của người chồng dũng cảm vừa cứu cả nghìn sinh mạng mà rưng rức khóc.

Vừa qua một cơn đại nạn phải sống chơ vơ giữa dòng lũ dữ nhưng sớm 14 - 8 đã thấy lái chính anh Nguyễn Ngọc Tâm và lái phụ anh Hoàng Hữu Long có mặt tại số 2 Khâm Thiên để làm những khâu cuối cùng kiểm tra an toàn đầu máy chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới trên hành trình quen thuộc Hà Nội – Lào Cai.

Chiếc đầu máy định mệnh mang số hiệu D12E – 626 mấy hôm trước đổ nghiêng giữa dòng lũ dữ giờ lấm lem bùn đất cũng đang nằm bảo dưỡng trong phân xưởng. Chắc nhiều người, ngay cả những đồng nghiệp của anh Tâm và Long, cũng chẳng thể hình dung chiếc đầu máy đó đã cứu thoát cả ngàn số phận nhờ một quyết định chớp nhoáng, táo bạo của người lái tàu.

Cái đêm định mệnh ngày 9 - 8 khi đoàn tàu LC1 đi qua địa bàn huyện Trấn Yên trong bóng tối mịt mù và mưa như trút bất ngờ gặp lũ dữ nhiều người đã biết. Ngay cả chuyện 1.203 hành khách đi trên chuyến tàu hôm đó được cứu thoát nhờ một quyết định táo bạo của kíp tàu thì ít người biết tới. Hành trình chống chọi với nước lũ, giành giật sự sống cho 2 lái tàu dũng cảm suốt cả đêm hôm đó giờ mới được chính những nhân vật của câu chuyện kể lại.

Anh Nguyễn Ngọc Tâm nhớ lại: “Đêm đó, khi tàu mới chạy qua địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bái đến khúc cua km45 + 800, tôi nghe tiếng nước réo. Qua đèn pha phát hiện có nước xâm xấp đường ray. Lúc đó, như một phản xạ, tôi cho tàu dừng lại nhưng với lực đẩy quá lớn, cả đoàn tàu trượt trên đường ray đúng hơn 200 m mới dừng lại giữa cây cầu bắc qua ngòi Sen, chảy thẳng xuống sông Hồng cách đó không xa.” Lúc đó tàu LC1 đang di chuyển với tốc độ chậm qua một khúc cua một bên là sông Hồng, một bên là núi cao hoàn toàn bất ngờ khi rơi vào tâm của một dòng nước lũ từ trên núi trút xuống.

Trước tình huống bất ngờ đó, chỉ kịp hội ý chớp nhoáng với trưởng tàu Vũ Ngọc Tú là nhanh như cắt, hai anh Tâm và Long đã thoăn thoắt những động tác phanh gấp, cho tàu chạy lùi cách đó 200m kịp nép vào một khe núi. Để làm được điều này, hai người lái tàu phải đối mặt vô vàn nguy hiểm khi nước xiết, chảy văng cả đá khiến nền khiến ray yếu, làm chiếc đầu máy nặng 65 tấn tách hẳn khỏi đoàn tàu nghiêng hẳn về một bên. Kíp lái lúc đó đã kịp trèo lên nóc đầu tàu thoát thân. 1203 hành khách đi trên chuyến tàu cũng đã được cứu thoát một cách ngoạn mục.

Cả đêm 9 - 8 hôm đó, khi biết chuyện mình vừa được cứu thoát, hơn 1.000 hành khách đã vô cùng cảm động. Họ thức trắng đêm cùng kíp tàu lo cứu hai người lái đang gặp nguy hiểm giữa dòng lũ chỉ cách đó 7m. Có hành khách thậm chí tháo cả võng, dỡ cả kiện hàng để chập thành những đoạn dây chắc chắn quay sang phía đầu tàu hy vọng đón các anh về… nhưng mọi cố gắng của họ đều vô vọng.

Anh Phạm Văn Trường, Phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà - Lào nhớ lại: “Khi nhận được điện báo sự cố ngay trong đêm chúng tôi đã thành lập tổ cứu trợ, điều một chiếc cẩu chuyên dụng nặng 100 tấn từ Đà Nẵng ra và một đoàn công tác lên đường. Sáng sớm hôm sau khi có mặt tại hiện trường vẫn còn nghe tiếng nước réo như voi gầm, ngựa hí. Cả đoàn trừ toa xe nằm lọt giữa khe núi hai bên nước chảy xiết nhưng công tác cứu người là vô cùng quan trọng nên anh em vẫn quyết định phải dùng thừng chão làm cầu phao tạm”. Kế hoạch làm cầu phao tạm này có được nhờ sáng kiến của người dân trong vùng lũ khi mọi nỗ lực dùng thuyền sang cứu đều không thể thực hiện được. 6 tiếng sau khi sự cố xảy ra, nước đã bớt hung dữ, cầu treo bằng dây chão đã được buộc chắc chắn giữa đầu tàu và toa xe cuối cùng, anh Hoàng Hữu Long một lần nữa xin qua trước.

Dây chão buộc ngang lưng vậy mà vừa xuống nước anh đã bị nước cuốn xa gần chục mét. Hơn chục anh em nắm đầu dây bên kia mới kéo được lái phụ lên toa an toàn. Anh Tâm cũng được cứu sống bằng cách tương tự. Dù mất nhiều máu vì vết thương khi cố gắng lùi tàu nhưng khi nằm trong vòng tay đồng đội anh vẫn mỉm cười khi biết rằng mình đã đưa toàn bộ con tàu và hơn 1000 hành khách kịp nấp vào trong khe núi giữa hai dòng nước xiết.

(Theo HNMĐT)

Các tin khác

YBĐT - Cách đây vừa tròn 40 năm, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 17 tuổi Trần Văn Như ở thôn Hán xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đóng quân tại nước bạn Lào rồi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, năm 1975, ông Như trở về địa phương và xây dựng gia đình với bà Vũ Thị Xuyến là người cùng thôn. Sau đó, ông tiếp tục tái ngũ và đóng quân tại Bát Xát – Lào Cai, đến năm 1980 thì xuất ngũ.

YBĐT - Theo lời giới thiệu của Hội Người cao tuổi thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Vì Văn Luân (dân tộc Thái) ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An. Bước vào tuổi 62 nhưng ông Luân vẫn còn khoẻ khoắn thể hiện sức vóc của một lão nông tri điền.

Giám đốc Nguyễn Hồng Quang (thứ ba, phải sang) cùng anh em công nhân bên dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 15 triệu viên/năm dự kiến hoàn thành vào quý II/2009.

YBĐT - Trên vùng đất lũ Cát Thịnh (Văn Chấn), mới đây mọc lên một toà nhà 5 tầng sang trọng, trị giá cả tỷ đồng. Mấy ông khách từ xa thường xuyên qua đây ngạc nhiên: Không biết ai ở vùng đất lũ khó khăn này lại có ngôi nhà to thế? Họ có biết đâu, chủ nhân của nó là ông Nguyễn Hồng Quang, một người chuyên nghề đốt gạch, chiều nào cũng đánh cờ tướng với mấy bác xe ôm...

YBĐT - Tôi tự thấy xấu hổ với bản thân mình khi gặp người thương binh nặng Lương Viết Huấn tại nhà riêng ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (trước đây là Đông Lý), huyện Yên Bình (Yên Bái), bởi phải cuốc bộ qua một đoạn đá sỏi lẫn bùn đất của quốc lộ 70 và đường đất dốc lầy thụt từ đó ra sát mép hồ Thác Bà, nên có lúc đã nghĩ là gian khổ quá!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục