"Hai lửa" đến “Hai Rừng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng 7 năm 1969, khi mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền Nam, Bắc đang trong thời kỳ gay go, ác liệt thì anh Nguyễn Quang Giàu, dân tộc Tày xã Minh Xuân (Lục Yên) lên đường đi chiến đấu. Là chiến sỹ đặc công, anh đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến gian khổ, ác liệt. Có những trận, trước khi xuất quân, các anh được đơn vị làm lễ truy điệu sống vì tính chất ác liệt, nguy hiểm khó có hy vọng trở về.

Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Yên Thành (huyện Yên Bình). (Ảnh: H.N)
Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Yên Thành (huyện Yên Bình). (Ảnh: H.N)

 Anh là một trong những chiến sỹ đặc công đã đột nhập đánh phá sân bay B52 của Mỹ ở Cò Rạt (Thái Lan). Với những thành tích và chiến công đã lập được, Nguyễn Quang Giàu đã được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng hai, Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng hai, hạng ba, danh hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới, dũng sỹ diệt Mỹ và nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Quang Giàu lại trở về quê hương và lại cùng với những người thân của mình tham gia lao động sản xuất xây dựng cuộc sống gia đình vì quê hương thân yêu. Khác hẳn với mọi người, họ đua nhau làm nhà ra phố, ra mặt đường để buôn bán, anh lại đi sâu vào tận trong núi để dựng nhà, trồng rừng, làm ruộng, đào ao nuôi cá... Lúc bấy giờ có nhiều người nói, anh dại. Ai nói gì thì cũng mặc, anh vẫn không nản chí và nhận trông coi chăm sóc, bảo quản 80 ha rừng phòng hộ, 20 ha rừng trồng... Nhiều người được giao rừng không nhận, anh lại nhận thêm để trông coi, chăm sóc.

Là người đã sinh ra và lớn lên với rừng nên Nguyễn Quang Giàu gắn bó và yêu quý rừng như máu thịt. Ngày nào không đi thăm rừng được một lúc là ngày đó ăn không ngon. Đối với rừng bảo vệ, hàng tuần anh bố trí một quỹ thời gian nhất định để đi kiểm tra xem cây cối có bị đổ do bão gió hoặc bị đốn, chặt trộm không. Sau này có những người nhìn thấy khu rừng anh chăm sóc tốt tươi, cây cối phát triển thì sinh lòng ghen tỵ, gây chuyện kiện cáo đòi lại rừng, rồi tìm cách phá hoại rừng trồng của anh.

Không nản lòng, anh kiên trì thuyết phục mọi người, mặt khác tăng cường tuần tra bảo vệ. Có lần anh bắt gặp cả tốp sáu, bảy người đang dùng rìu, cưa chặt trộm cây, thấy anh có một mình bọn chúng hò nhau xô vào đánh anh, song chỉ một loáng võ thuật của một cựu binh đặc công đã làm chúng nằm quay cả ra đất. Bọn chúng run sợ, van xin, anh ôn tồn nhắc nhở rồi giải huyệt tha cho cả bọn đi về, từ đấy không ai dám vào phá rừng của anh nữa.

“Vạn sự khởi đầu nan”, khi bắt tay vào trồng rừng, mới thấy nó không ít khó khăn. Gia đình nghèo đói, vợ chồng anh phải vơ vét hết những thứ gì có thể bán được đều đem bán đi để thuê nhân công phát dọn, mua cây giống về trồng. Năm đầu vừa trồng được mấy tháng, cây non đang lên thì trời đổ mưa lũ, nước mưa kèm theo đất đá, cỏ rác cuốn trôi gần như  toàn bộ hơn một chục ha rừng mà vợ chồng anh vừa bỏ công lao, tiền của ra trồng. Không nản lòng, anh lại đi vay mượn, nhờ anh em họ hàng, làng bản giúp sức để trồng lại. Anh, chị từ sáng sớm ăn vội miếng sắn luộc rồi lại vác cuốc, vác dao lên rừng để làm cỏ, chăm sóc cây trồng.

Do lao động vất vả, ăn uống thiếu thốn, cộng thêm những cơn sốt rét rừng từ chiến trường năm xưa vẫn cứ đeo bám, hành hạ, nên có lần đang trên rừng một mình thì cơn sốt rét ập đến, vợ anh trưa không thấy chồng về, đi tìm thì thấy anh đang nằm co quắp bên gốc cây trong rừng. Nguyễn Quang Giàu vốn nhỏ người, có lúc chỉ còn dưới 40kg. Thương chồng, nhiều lúc chị Tuân (vợ anh) đã khuyên anh bỏ bớt rừng đi không trồng nữa nhưng anh không nghe. Gian khổ, vất vả, song đất đã không phụ công người, đến nay 20 ha rừng trồng của anh đã cho mấy đợt thu hoạch.

Ước tính mỗi năm gia đình thu lãi từ rừng cũng được trên 60 triệu đồng. Ngoài trồng rừng, trồng lúa, anh còn chăn nuôi trâu, dê, lợn, thả cá..., nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã thoát khỏi đói nghèo. Anh còn giúp đỡ nhiều gia đình trong bản, anh em cựu chiến binh trong chi hội cùng thoát nghèo nhờ trồng rừng và chăn nuôi, vì thế nên anh được mọi người rất quý trọng.

Chúng tôi đã có dịp đến thăm những cánh rừng đại ngàn trên dãy núi Hoàng Anh do gia đình anh chăm sóc. Nhìn những cây chò chỉ cao vút, thân cây to tới ba, bốn người ôm không hết, rồi những cây lát, cây lý, cây đinh, cây sấu xum xuê xòe tán che mát cả một khoảng rừng, chúng tôi chợt nhớ lại những khu rừng Trường Sơn năm nào chúng tôi đã sống, chiến đấu trong những năm chống Mỹ. Dòng suối rì rầm, trong vắt, tiếng chim cúc cu rộn rã gọi bạn, tiếng bầy ong vỗ cánh vo ve và tiếng sào sạc của lá rừng đại ngàn.

Nhìn Nguyễn Quang Giàu tóc bạc gần hết, vóc dáng đen gầy nhưng săn chắc, có ai biết được cách đây gần 40 năm anh đã từng tung hoành đại náo sân bay Cò Rạt của Mỹ ở Thái Lan; đã từng nổi tiếng là Hai Lửa của miền Đông Nam Bộ. Đến nỗi bọn Mỹ, ngụy chỉ nghe đến tên Hai Lửa là đã khiếp sợ. Giờ đây anh Hai Lửa lại đang là ông “Hai Rừng” của quê hương Lục Yên. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi theo thời gian. Hai Lửa ngày xưa của chúng tôi vẫn ẩn mình dưới chân núi Hoàng Anh, ngày ngày cần mẫn làm bạn với núi rừng, đồng ruộng. Anh ngày đêm vẫn âm thầm chịu đựng những cơn đau đớn của những vết thương và chất độc hóa học do chiến tranh để lại trong người và không một lời kêu ca, phàn nàn. Vẫn hết mình với bà con làng bản, một lòng thủy chung son sắt với bạn bè, đồng đội.

Nguyễn Xuân Đoán

Các tin khác

YBĐT - Đi trên con đường lưng núi Hấu Tọ, thuộc thôn Mông Si, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu - Yên Bái), ai cũng dễ dàng trông thấy một ngôi nhà sàn đẹp mới dựng ngay bên cạnh đường. Nhà sàn đó là ngôi nhà thứ hai của ông Giàng A Giao - một người dân không biết chữ nhưng cần cù và ham học hỏi vươn lên làm giàu.

Nông dân Lục Yên học nghề mây tre đan xuất khẩu.

YBĐT - Sau nhiều lần thăm dò, nghiên cứu, liên hệ với họ hàng và những người thân quen ở làng nghề Ngọc Động để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, ông Toản quyết một lần nữa "Tầm sư học đạo" để chuyển đổi nghề nghiệp.

YBĐT - Anh Hoàng Đức Hưởng, sinh năm 1970 ở thôn 6, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) là một thanh niên biết vượt lên khó khăn, làm giàu bằng sức lao động của mình từ nghề chăn nuôi gia súc.

YBĐT - Muốn dùng cụm từ "vệ sinh viên", song bác cười rất tươi: "Không! Tôi quét chợ thật mà, cần gì phải từ ngữ mỹ miều, khó hiểu. Cứ bình dân thôi". Càng cảm phục hơn khi được biết từ vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp in Yên Bái, năm 1986 bác nghỉ hưu, về cư trú tại tổ 24 phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), chăm sóc vườn cây cùng gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục