Triệu phú rừng cam
- Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người dân thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn - Yên Bái) rất khâm phục gia đình ông Vũ Ngọc In đang sở hữu một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả bậc nhất ở địa phương.
Ông Lang Văn Tân, hội viên Hội Nông dân ở khu 7, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng từ mô hình trồng cam. (Ảnh: Văn Tuấn)
|
Trước đây, cũng giống như nhiều gia đình ở thôn Thiên Tuế, gia đình ông In gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, dám nghĩ dám làm, sau khi nghỉ công tác tại Lâm trường Ngòi Lao ông nhận 10ha đất để trồng rừng. Nhận thấy thế mạnh của địa phương về phát triển cây ăn quả có múi, cùng với trồng rừng, ông đã khai hoang trên 2.000m2 đất ven các chân đồi để trồng cam. Sau 8 năm phát triển kinh tế vườn đồi, đến nay gia đình ông đã có trên 10ha keo, bồ đề và quế từ 5 – 8 năm tuổi, trên 1.300 gốc cam, quýt, trong đó có 600 gốc cam Đường canh. Năm 2007, chỉ tính riêng thu nhập từ cam, trừ mọi chi phí, gia đình ông In đã có trên 150 triệu đồng. Năm 2008, tuy chưa vào vụ thu hoạch chính nhưng với 400 gốc cam chanh, ông đã thu hoạch trên 4 tấn quả bán ra thị trường và thu về trên 15 triệu đồng. Thu nhập từ cam và vườn đồi đã giúp gia đình xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và nuôi 2 con ăn học đầy đủ.
Điều dễ nhận thấy trong mô hình phát triển vườn rừng của ông In là sự quy hoạch hợp lý, khả năng áp dụng KHKT vào sản xuất. Các khu rừng bao bọc phía trên các vườn cam vừa có tác dụng che chắn gió bão, vừa giữ độ ẩm cho vườn cam. Mặt khác, trong chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, ông In đã vận dụng hiệu quả các kiến thức học được qua các lớp tập huấn và qua các tài liệu để áp dụng vào thực tế tạo ra năng suất, chất lượng vượt trội cho vườn cam. Ông In cho biết: “Cam là loại cây có nhiều sâu bệnh hại và yêu cầu khắt khe về đất đai, khí hậu.
Để giảm thiểu sâu bệnh của vườn cam, gia đình chủ yếu bón phân chuồng, không lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc hóa học. Trong vườn của ông In trung bình 4 gốc cam có một chiếc bẫy bả sinh học để bắt côn trùng. Mặt khác, sau khi thu hoạch cần cẩn thận tỉa sạch những cành tăm, cành khuất không cần thiết để cây tập trung sức nuôi quả, nuôi thân”.
Thành công trong sản xuất, mỗi năm ông In còn nhận bao tiêu trên 600 tấn cam quả, cung cấp hàng ngàn cây cam giống chất lượng cao cho nhân dân trong vùng. Qua việc bao tiêu sản phẩm và cung cấp cây giống, gia đình ông In còn truyền đạt kinh nghiệm và tạo điều kiện cho nhân dân trong và ngoài xã phát triển, nâng cao chất lượng vườn cam trong mỗi gia đình. Chưa dừng lại ở đó, năm 2008 ông In đã đầu tư trên 350 triệu đồng xây dựng trên 100m2 chuồng trại nuôi nhím và bước đầu nuôi thử nghiệm 10 đôi nhím. Tuy mô hình nuôi nhím chưa khẳng định hiệu quả, nhưng từ việc phát triển vườn đồi và sự mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi, đến nay tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông In đã lên đến 250 triệu đồng, đó là chưa kể 10 ha rừng sắp đến tuổi khai thác.
Với ý chí, nghị lực và sự cần cù chịu khó, bằng bàn tay, khối óc của mình, ông In đã biến những đồi hoang xói lở, thành vườn cam bát ngát, trĩu quả và những vạt rừng xanh ngát mang hiệu quả kinh tế cao. Mô hình không chỉ khẳng định tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc phát triển kinh tế vườn đồi mà còn minh chứng, con đường làm giàu không phải ở đâu xa mà ở chính bàn tay, khối óc của mỗi người.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Đó chính là lời khen dành cho chị Đoàn Thị Hạnh - Phó bí thư Đoàn cơ sở Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Những năm trước đây, gia đình anh Phùng Văn Hợi cũng như nhiều hộ ở thôn 5 xã An Lạc (Lục Yên) rất vất vả, phải xoay đủ nghề mà cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng.
YBĐT - Bản Lao Chải, xã Lao Chải (Mù Cang Chải - Yên Bái) hiện có 94 hộ, trên 600 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông của 7 dòng họ cùng chung sống. Cũng như các bản khác trong xã, trước đây đại đa số người dân trong bản Lao Chải phải chịu cảnh nghèo đói và cuộc sống chìm trong các phong tục, tập quán lạc hậu.
YBĐT –Bằng ý chí, nghị lực, năng động, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, tận dụng đất đai hoang hoá để trồng quế, rừng, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Từ một gia đình nghèo Ngô Thành Đông đã phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VACR mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.