Làm giàu từ nghề nuôi ong
- Cập nhật: Thứ ba, 7/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước năm 2000, gia đình ông Đặng Văn Định ở thôn 1, xã Minh Quán (huyện Trấn Yên - Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn, lao động vất vả và làm đủ mọi nghề mà cuộc sống vẫn thiếu thốn.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, đồng thời tham khảo tài liệu sách báo, ông đã làm quen với nghề nuôi ong do nhận thấy nghề nuôi ong không cần vốn đầu tư lớn, người nuôi lại có thể tự tạo, tìm kiếm dụng cụ nuôi, sản phẩm mật cho giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, ông đã quyết định gắn bó với nghề này. Ông cho biết: năm 2002, được bạn bè giới thiệu, ông đã trực tiếp đi tham quan học hỏi kỹ thuật ở Phú Thọ và mạnh dạn mua 6 đàn ong về nuôi. Do mới nuôi lần đầu nên kinh nghiệm còn ít nên đàn ong phát triển chậm, sản lượng mật ít, thậm chí còn bị bay mất 4 đàn. Thất bại nhưng ông không nản chí.
Năm sau, ông tiếp tục đầu tư 8 đàn nữa. Từ 10 đàn ban đầu, số lượng đàn ngày càng sinh sôi nảy nở, đến nay ông đã có trên 40 đàn ong. Ông Định tâm sự: “Nuôi ong không khó nếu chúng ta biết quan tâm chăm sóc đến chúng và biết vận dụng quy trình kỹ thuật vào thực tế. Bản thân tôi luôn coi ong như những người bạn. Hàng ngày chăm sóc chúng như: cho ăn, vệ sinh tổ, chống nóng chống rét, tách đàn, phòng trừ bệnh, chống kiến mối hại...”.
Đến mùa hoa nhãn, hoa vải, hoa táo, ông tìm địa hình thích hợp như ở huyện Văn Chấn, Văn Yên và thành phố, Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) để vận chuyển đàn ong đến lấy mật. Mỗi năm bình quân ông thu được hơn 400 lít mật, với giá bán 100.000 đồng/lít, thu được trên 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn sản xuất ong giống, ong chúa, mỗi năm bán được gần 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí gia đình thu được 45 triệu đồng/năm. Sản phẩm mật ong của ông bán ra thị trường được mọi người ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả phù hợp lại đảm bảo vệ sinh.
Là thành viên của Hội Nuôi ong huyện Trấn Yên, ông luôn tham gia nhiệt tình trong phong trào phát triển Hội, cùng nhau trao đổi học tập kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, Hội ngày càng phát triển lớn mạnh, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giúp các hội viên yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập. Ngoài nuôi ong, ông còn chăn nuôi lợn, gà, trồng rau, thả cá... góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho gia đình. Dự định của ông những năm tiếp theo là mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và phát triển chăn nuôi, dịch vụ để có nguồn thu cao hơn. Con trai lớn của ông cũng đang theo học nghề của bố để trong tương lai gần, sản xuất của gia đình sẽ phát triển không ngừng, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội.
Là một trong những người nuôi ong giỏi trong Hội, hàng năm ông Định luôn được bầu là hội viên xuất sắc, là tấm gương sáng, địa chỉ tin cậy để mọi người học tập và làm theo.
Nguyễn Thị Nga
Các tin khác
YBĐT - Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Lục Yên (Yên Bái) hiện có 24 cơ sở hội với 7.432 hội viên sinh hoạt ở 231 chi hội và 171 tổ hội. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ không đồng đều, đời sống của từng hội viên gặp nhiều thiếu thốn, song những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Hội NCT huyện Lục Yên đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, nhất là trong các phong trào: người cao tuổi nêu gương sáng góp phần xoá đói giảm nghèo; nêu gương sáng xây dựng con người mới, xây dựng gia đình hiếu học, khuyến học, khuyến tài; “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
YBĐT - Lý Minh Hiền, dân tộc Dao, Phó bí thư chi đoàn thôn Nậm Kịp, Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên xã được xem là người mạnh dạn trong phong trào phát triển kinh tế của tuổi trẻ xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn( Yên Bái). Với 9 năm làm Phó bí thư chi đoàn Hiền đã tích luỹ được biết bao kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trong phong trào đoàn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
YBĐT - Đến Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hỏi nhà Hờ A Hừ ở bản Háng Tầu Dê, bà con dân bản trong xã ai cũng biết, vì anh là người cán bộ, đảng viên luôn gần gũi mang những thông tin về chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con dân bản.
YBĐT - Từ thành phố Yên Bái, vượt chặng đường đầy khúc khuỷu, chúng tôi đến được với đỉnh Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mùa này, núi rừng vùng cao Yên Bái đang trải thảm xanh mướt, hòa lẫn vào trong đó là sắc màu của những bông hoa rừng dịu dàng và trên đỉnh Châu Quế Thượng, tiếng sáo “cúc kẹ” thánh thót của nghệ nhân Đặng Thị Thanh đang vang lên hòa với không gian kỳ bí và quyến rũ của thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi vùng cao Yên Bái.