Những triệu phú lúa ở Mường Lò
- Cập nhật: Thứ ba, 2/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước đây, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 3b (gọi tắt là tổ 3b), thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn - Yên Bái) chỉ mơ ước làm ruộng có đủ gạo ăn là tốt rồi, chứ chưa ai dám nghĩ đến việc trồng lúa, trồng màu để làm giàu! Thế nhưng, hôm nay đã có rất nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ lúa chất lượng cao và cây màu.
Từ ý tưởng…
Ngồi trong căn nhà xây khá đầy đủ tiện nghi như: xe máy, ti vi, tủ lạnh… ông Vũ Đăng Lư - tổ trưởng tổ 3b, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ vui vẻ kể: “Vào khoảng thời điểm năm 1999, hầu như tất cả các hộ làm nông nghiệp ở tổ 3b đều đói ăn, trừ một số hộ nghỉ hưu.
Nguyên nhân chủ yếu là do không có ruộng để sản xuất. Tổ có 115 hộ thì có tới 60% số hộ làm nông nghiệp, nhưng chỉ có 34,4 ha đất màu lại chủ yếu trồng đậu tương và trồng nhãn. Đậu tương năng suất thấp, còn nhãn thì mới trồng được từ 5- 7 năm chưa được thu hoạch nên dân đói lắm! Lúc đó tôi thấy bãi màu trồng nhãn, trồng đậu tương ở đây khá bằng phẳng, có thể làm mương dẫn nước về chuyển đổi sang trồng lúa, thế là tôi quyết định phá bỏ nhãn đi để làm lúa”.
Ông Lư vừa làm vừa vận động một số hộ cùng phá nhãn để làm lúa. Cũng vì việc này mà, suýt nữa ông Lư bị chi bộ kỷ luật vì vận động nhân dân phá nhãn đi để cấy lúa. Nhưng thật may cho ông, khi sắp bị chi bộ kỷ luật thì cấp trên có ý kiến ủng hộ chủ trương phá nhãn đi để cấy lúa của tổ 3b. Vậy là ông Lư thoát án kỷ luật, các hộ dân phấn khởi cùng phá bỏ nhãn đi để trồng lúa, trồng màu…
… đến thành công
Sau khi phá bỏ nhãn, ông Lư đã chuyển đổi được 0,5 ha lúa nước, chủ yếu bằng giống lúa lai của Trung Quốc, năng suất khá cao, bình quân một năm thu được trên 10 tấn thóc, không chỉ đảm bảo lương thực cho 7 khẩu ăn trong năm mà còn dư thừa thóc bán phục vụ chi phí sinh hoạt của gia đình.
Qua một năm phá nhãn đi để cấy lúa, ông Lư và rất nhiều hộ trong tổ 3b đã thoát khỏi cái đói, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo. Với quyết tâm làm giàu trên đồng ruộng của mình, ông Lư đã ngày đêm suy nghĩ: nếu cấy lúa chỉ thiên về năng suất thì không thể giàu được mà phải sản xuất lúa chất lượng cao để trở thành hàng hoá và sản xuất thêm cây màu vụ 3 thì mới hy vọng giàu được. Từ những trăn trở của mình, ông Lư cùng bàn bạc với một số hộ trong tổ thống nhất cùng đưa vào gieo cấy đại trà giống lúa Chiêm Hương và trồng cà chua, hành, dưa chuột, đậu đỗ để trở thành hàng hoá cung cấp cho thị trường.
Với 0,5 ha ruộng, ông Lư để 4.000 m2 gieo cấy 2 vụ bằng giống lúa Chiêm Hương, còn 1.000 m2 trồng hành cà chua, dưa chuột, đậu đỗ… mang lại hiệu quả khá cao. Từ năm 2006 đến nay, ông Lư thu nhập từ trồng lúa và trồng cây màu khoảng trên 70 triệu đồng/năm. Riêng năm 2008, do giá cà chua lên cao nên chỉ với 8.000 m2 trồng cà chua ông đã thu được 30 triệu đồng; 200m2 hành, thu được 7 triệu đồng, cộng với 5,6 tấn lúa Chiêm Hương, tổng thu nhập đạt trên 80 triệu đồng. Nhờ sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao và trồng cây màu, gia đình ông Lư không chỉ có đủ tiền nuôi 3 con học đại học mà còn xây được nhà ở và mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền.
Cùng xóm với ông Lư còn có một hộ gia đình khác cũng là điển hình về sản xuất lúa, màu giỏi của tổ 3b được nhiều người biết đến, đó là hộ gia đình ông Nhữ Văn Nghĩa. Ông Nghĩa có dáng vẻ “hơi cũ”, khó gần, nhưng khi tiếp xúc thì lại khác.
Ông Nghĩa rất cởi mở khoe rằng: “Từ khi nghe theo bác Lư xoá bỏ nhãn đi trồng lúa, trồng cà chua, trồng hành, đậu đỗ… gia đình tôi đã “đổi đời”. Gạo ăn không thiếu nữa mà còn dư thừa bán đi xây được nhà và mua sắm xe máy, ti vi, điện thoại di động…”. Cũng chỉ có 5.500 m2 ruộng, ông Nghĩa để 4.500 m2 cấy lúa Chiêm Hương, còn 1.000 m2 trồng cà chua, hành, đậu đỗ, ngô… quanh năm không cho đất nghỉ. Bình quân 4 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông cũng thu được trên 100 triệu đồng từ trồng lúa đặc sản và cây màu.
Năm 2008, gia đình ông thu được 170 triệu đồng, trong đó lúa Chiêm Hương 84 triệu đồng và trên 90 triệu đồng từ bán cà chua, hành, đậu đỗ, rau…, trừ chi phí đi còn lãi được trên 150 triệu đồng. Ông Nghĩa trồng lúa, trồng rau màu giỏi như vậy, nhưng khi tổ dân phố giới thiệu về huyện dự hội nghị sản xuất giỏi, ông lại từ chối với lý do; “Mình chỉ biết làm thôi, còn báo cáo thì khó lắm, không nói được, để cho người khác đi báo cáo”.
Ở tổ 3b không chỉ có gia đình ông Lư, ông Nghĩa sản xuất giỏi mà có tới trên 30 hộ trồng lúa đặc sản, trồng màu như: hộ ông Nguyễn Văn Nhớ, Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Văn Tý, Nhữ Văn Tình… đều có mức thu nhập từ 80 đến trên 100 triệu đồng/năm. Lúa đặc sản và cây màu đã giúp nhiều hộ dân ở tổ dân phố 3b thoát khỏi đói nghèo trở thành triệu phú.
Hy vọng, trong những năm tới, huyện sẽ nhân rộng ra được nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và trồng rau màu như ở tổ 3b đang làm, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Chiêm Hương, Séng Cù, T10… cà chua, hành, dưa chuột, đậu đỗ… của Văn Chấn. Có như vậy mới giúp nông dân Văn Chấn sản xuất, tiêu thụ hàng hoá bền vững.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Ở thôn 2, xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên - Yên Bái), ai cũng khen anh Phạm Đức Hậu là một tấm gương về ý chí vượt khó làm giầu bằng sức lao động của chính mình. Mới 32 tuổi, anh Hậu đã là chủ nhân của mô hình kinh tế VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) với mức thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm và là đại biểu HĐND xã.
YBĐT - Đó là cách gọi trìu mến mà các đoàn viên thanh niên Trạm Tấu (Yên Bái) dành cho anh Vũ Đăng Quỳnh - Bí thư Huyện Đoàn Trạm Tấu. Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này, anh thấu hiểu cuộc sống còn nhiều khó khăn của quê hương. Anh đã luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nơi đây...
YBĐT - Khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp (Trấn Yên - Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn.
YBĐT - Đến bản Phinh Ngài, xã Nậm Có ( huyện Mù Cang Chải), ta dễ thấy một ngôi nhà đẹp, khang trang, thoáng mát và có chuồng gia súc rộng rãi nằm cách li nhà ở với hàng chục con trâu, bò. Đó là gia đình ông Lù A Mang - một người dân tộc Mông cần cù, ham học hỏi cách làm giàu từ nhiều người khác.