Không du canh du cư thì mới giàu

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến bản Phinh Ngài, xã Nậm Có ( huyện Mù Cang Chải), ta dễ thấy một ngôi nhà đẹp, khang trang, thoáng mát và có chuồng gia súc rộng rãi nằm cách li nhà ở với hàng chục con trâu, bò. Đó là gia đình ông Lù A Mang - một người dân tộc Mông cần cù, ham học hỏi cách làm giàu từ nhiều người khác.

Đồng bào Mông xã Hồng Ca (Trấn Yên) chăm sóc cây quế.
Đồng bào Mông xã Hồng Ca (Trấn Yên) chăm sóc cây quế.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, sau khi ra ở riêng, bố mẹ chỉ chia cho vợ chồng ông 1 trâu, 1 con bò giống cùng với mấy thửa ruộng nhỏ và mảnh nương cằn cỗi, sản xuất ra nông sản không đủ sống. Ban đầu vợ chồng ông phải đi làm thuê để kiếm thêm tiền mua gạo. Cuộc sống  chật vật, có bữa no, bữa đói. Cư trú trên núi cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông đã từng nghĩ tới việc di cư sang những vùng đất khác ở huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) để sinh sống.

 

Nhưng thực tế đã cho ông thấy nhiều hộ di cư đi rồi sau một thời gian khai phá ở vùng đất mới không thành công lại đưa cả gia đình trở về vùng đất cũ, khiến cho cuộc sống gia đình nghèo lại nghèo hơn. Ông Lù A Mang nghĩ, nếu như mình có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất thì chắc gì những vùng đất khác đã bằng ở nơi này. Thêm vào đó từ thủa nhỏ, ông đã thấm những câu tục ngữ của dân tộc Mông: “Giàu mà di cư thì nghèo, còn nghèo di cư thì sẽ chẳng còn gì…”.

 

Vợ chồng ông quyết tâm bám lấy mảnh đất nghèo đã nuôi mình khôn lớn và trưởng thành. Ông nghĩ, tuy đất dốc, đất nghèo nhưng ở bản Phinh Ngài này, mình muốn làm giàu cũng không có gì là khó, nếu như mình chịu khó bỏ ra công sức đào mương dẫn nước về đắp bờ làm ruộng bậc thang, tích cực đầu tư thâm canh, tăng vụ và chăm bón tốt, chắc chắn năng suất sẽ cao, cuộc sống sẽ thoát khỏi đói nghèo. Bằng cách nghĩ đó, ông đã bàn với vợ con khai hoang ruộng bậc thang. Sau nhiều năm lao động cần mẫn, vợ chồng ông Lù A Mang đã có gần 2 ha ruộng bậc thang, đưa các loại giống lúa có năng suất vào gieo cấy. Từ đó , gia đình ông thu nhập ngày một cao hơn và hiện nay thường đạt tới 3 - 4 tấn/mỗi vụ.

 

Bên cạnh đó, ông Mang còn trồng gần 1 ha ngô nương để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Gặp chúng tôi, ông Mang cho biết: “Tuy cây lúa bị ảnh hưởng nhiều bởi những trận mưa to, gió lớn, song thóc vụ mùa năm 2008, gia đình ông vẫn thu đạt khoảng trên 3 tấn, chắc chắn là cũng đủ ăn cho cả năm. Những vụ trước đây không bị ảnh hưởng thời tiết thì thu đạt cao hơn…”.

 

Thấy ở vùng đất nơi mình sinh sống có thể phát triển chăn nuôi, ông mạnh dạn vay tiền của ngân hàng theo chương trình vay ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo và vay thêm từ anh em họ hàng, bạn bè về mua thêm trâu giống, bò giống. Đồng thời, ông quy hoạch vùng chăn nuôi riêng để xây dựng trang trại chăn nuôi, làm chuồng trại cẩn thận, đảm bảo che nắng, che mưa và chống rét cho trâu bò. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn gia súc nhà ông phát triển rất nhanh. Sau gần chục năm chăn nuôi, từ 2 con trâu và 2 con bò giống ban đầu, đến nay đàn gia súc đã phát triển tới 70 con, trong đó có 30 con trâu, 40 con bò, 5 con ngựa, 15 con lợn và thường xuyên có khoảng trên 100 con gia cầm. Bà con người Mông ở bản Phinh Ngài đều kháo nhau: “Nhà ông Mang giờ đây đã khác xưa nhiều rồi, thu hoạch một vụ gia đình có thể sử dụng trong vòng 2 năm thóc vẫn chưa hết và còn có nhiều trâu bò, lợn gà lắm!…”.

 

Nhờ biết tính toán, có trí sáng tạo mà từ hai bàn tay trắng ông Mang đã đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. Với những kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông đã hướng dẫn cách làm giàu cho nhiều người ở trong bản, trong xã. Bằng những việc làm của mình, ông Lù A Mang luôn được bà con dân bản mến phục, đồng thời trở thành tấm gương sáng ở vùng cao Phinh Ngài, xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải) để nhiều người học tập và làm theo.

 

Sùng Đức Hồng

Các tin khác

YBĐT - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở lại xã An Thịnh (huyện Văn Yên) để tìm gặp người cựu chiến binh năm xưa. Ông là Hoàng Cao Hỷ, người đã từng tham gia chiến dịch Sông Thao và từng cùng đội du kích trực tiếp đánh đồn Đại Bục, Đại Phác.

YBĐT - Ở bản Cung 11 xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái), ai cũng khâm phục và mến mộ ông Sùng A Vàng, người dân tộc Mông là một điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.

YBĐT - Đến Bản Đêu 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng biết đến bà Chu Thị Mặc, dân tộc Thái là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và làm ăn kinh tế giỏi.

YBĐT - Nhanh nhẹn, hóm hỉnh, thông minh thông thạo tiếng phổ thông là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Thào A Tông, cán bộ văn phòng xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái). Tuổi thơ của Tông lớn lên gắn bó với miền đất khó khăn này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục