Không đổi mới thì không thể thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp (Trấn Yên - Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài mấy sào ruộng, vợ chồng anh còn phải xoay đủ nghề nhưng cái nghèo, vẫn chưa chịu buông tha. "Trước đây, ở nông thôn không có nghề phụ, tất cả chỉ trông vào cây lúa, cây rau và tiền đi làm thuê. Trồng lúa, trồng rau cũng mùa được, mùa mất. Khổ nhất là sâu bệnh! Nhiều khi mất trắng, cả nhà không biết phải trông vào nguồn thu nào". Anh Tiến kể lại.
Quyết tâm vượt lên cái khó, anh Tiến mạnh dạn vay của ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 5 triệu đồng. Từ nguồn vốn ấy, anh đã mua lợn nái về chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi những người có kinh nghiệm chăn nuôi, tích cực tham dự các lớp khuyến nông do huyện tổ chức, anh đã biết được cách xây dựng chuồng trại, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh, dịch... Vì thế, lứa lợn nào cũng cho năng suất cao. "Góp gió thành bão", từ một con lợn nái, đến nay anh Tiến đã có cả một trang trại chăn nuôi lợn lên tới hơn trăm con và 4 con lợn nái.
Anh Tiến tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng lo lắng, không biết nuôi có đạt hiệu quả không, chỉ sợ, lúc nó phát bệnh, rồi bao nhiêu vốn liếng mất hết thì mình lấy tiền đâu mà đầu tư tiếp. Nhiều khi cũng nản chí lắm! Nhưng nghĩ, nếu mình không "liều", không đổi mới thì cái nghèo cứ đeo bám suốt thôi!".
Mới xây dựng đầu năm 2007, nhưng trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến đã sớm "nổi tiếng" khắp vùng không chỉ về quy mô chăn nuôi mà còn ở cách thức tổ chức chăn nuôi rất khoa học. Nằm cách nhà hơn 1 cây số đường đồi, trang trại được xây dựng trên diện tích 1 ha. Cách trang trại lợn không xa là cái ao lớn để thả cá. Anh Tiến nói về kinh nghiệm của mình: “Tôi luôn coi vấn đề phòng trừ dịch bệnh lên hàng đầu. Bởi nếu không phòng trừ tốt thì dịch bệnh xảy ra rất dễ lây sang cả đàn. Phòng bệnh chính là tiến hành các biện pháp xử lý, phòng dịch ngay từ đầu, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, liên tục… Điều quan trọng ở đây là phòng trước chứ không phải dịch đến rồi mới chống thì lúc đó sẽ trở tay không kịp”.
Ngoài ra, anh Tiến còn thực hiện tiêm phòng vắcxin cho đàn gia súc của mình theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y, trong đó tiêm đủ loại vacxin phòng các loại dịch bệnh chủ yếu ở lợn như: dịch tả, thương hàn và đặc biệt là lở mồm long móng. Bên cạnh đó, anh luôn chú ý đến việc phun thuốc sát trùng ở cả khu vực trong và ngoài trại. Anh Tiến còn hình thành trang trại khép kín để nuôi hơn 100 con vịt đẻ, thả gần 2 tạ cá giống tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ xây thêm khu chăn nuôi gà trong trang trại này. Nuôi gà vừa cho năng suất, lại vừa dễ tiêu thụ”.
Biết tính toán khoa học, nhạy bén với thị trường, cộng với sự cố gắng của cả gia đình, nên mỗi năm tổng thu nhập của gia đình anh đạt từ 100 đến 150 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng/năm. Anh Tiến còn dồn số tiền tích lũy được hàng năm để chung vốn đầu tư một lò gạch và mua 3 máy say xát để vừa tăng thêm nguồn thu nhập vừa tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Không ít người đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của anh để phát triển trang trại và được anh tận tình chia sẻ.
Hiện nay, gia đình anh Tiến là một trong những hộ thuộc diện khá giả ở xã Báo Đáp. Anh Tiến có hai người con đang học đại học và cả hai đều học Khoa Thú y Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Hiền Trang
Các tin khác
YBĐT - Đến bản Phinh Ngài, xã Nậm Có ( huyện Mù Cang Chải), ta dễ thấy một ngôi nhà đẹp, khang trang, thoáng mát và có chuồng gia súc rộng rãi nằm cách li nhà ở với hàng chục con trâu, bò. Đó là gia đình ông Lù A Mang - một người dân tộc Mông cần cù, ham học hỏi cách làm giàu từ nhiều người khác.
YBĐT - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở lại xã An Thịnh (huyện Văn Yên) để tìm gặp người cựu chiến binh năm xưa. Ông là Hoàng Cao Hỷ, người đã từng tham gia chiến dịch Sông Thao và từng cùng đội du kích trực tiếp đánh đồn Đại Bục, Đại Phác.
YBĐT - Ở bản Cung 11 xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái), ai cũng khâm phục và mến mộ ông Sùng A Vàng, người dân tộc Mông là một điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Đến Bản Đêu 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) ai cũng biết đến bà Chu Thị Mặc, dân tộc Thái là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và làm ăn kinh tế giỏi.