Người phụ nữ Mông đảm đang việc nước, việc nhà
- Cập nhật: Thứ năm, 4/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBDDT - Nhắc đến chị Mùa Thị Sầu, bản Chống Là, xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) ai trong xã cũng nói về chị là một phụ nữ giỏi giang, bởi chị đã biết kết hợp giữa vai trò của một Chủ tịch Hội Phụ nữ xã với sự cần cù, vốn có của người phụ nữ dân tộc Mông trong cuộc sống gia đình.
Đồng bào Mông xã Suối Bu (Văn Chấn) gieo cấy lúa mùa.
|
Hơn ai hết, chị hiểu rất rõ về sự cản trở đối với phụ nữ Mông bởi tập quán lạc hậu "trọng nam khinh nữ" từ bao đời nay. Gần chục năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã là khoảng thời gian thuận lợi nhất để chị giúp đỡ chị em có điều kiện vươn lên, thoát dần khỏi cuộc sống "lầm lũi" đói nghèo.
Xác định nhiệm vụ xây dựng, phát triển Hội là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, chị đã đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể với nhiều hình thức tập hợp vận động phụ nữ từ trẻ tới già vào tổ chức Hội. Từ khi Hội chỉ có vài chục hội viên, đến nay chị đã tập hợp được 425 hội viên 100% thôn, bản đã có tổ hội phụ nữ, tỷ lệ thu hút vào hội đạt trên 90%.
Chị Sầu cho biết: vận động hội viên vào Hội đã khó, song việc tìm được một người có năng lực làm tổ trưởng tổ phụ nữ ở các thôn, bản lại càng khó hơn. Bởi theo truyền thống của người Mông thì phụ nữ đã lấy chồng là không được ra khỏi nhà nếu không có chồng đi cùng. Trong khi đó, làm tổ trưởng công việc thì nhiều mà thù lao lại không có. Chị biết, muốn tuyên truyền được, trước hết phải đọc thông viết thạo tiếng và chữ phổ thông để còn nghiên cứu tài liệu. Chị đã tham gia lớp phổ cập giáo dục THCS, rồi tham gia lớp bổ túc, và giờ đây chị đã thông thạo tiếng phổ thông không kém gì tiếng mẹ đẻ. Vừa có trình độ văn hóa, vừa biết cả 2 thứ tiếng (Mông - Việt) đã giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ, phong trào của Hội những năm qua.
Bên cạnh đó, chị đã đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, bằng cách gắn các nội dung, nhiệm vụ công tác Hội với các phong trào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; biên soạn tài liệu về các phong trào, hoạt động của Hội ngắn gọn và dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông, giúp chị em nắm bắt chủ trương một cách nhanh nhất. Đặc biệt, việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới... đã giúp chị em hiểu được vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình.
Cùng với việc thường xuyên bám sát cơ sở, chị còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, tận tình cầm tay chỉ việc cho hội viên, hướng dẫn hội viên làm kinh tế. Đồng thời, tập hợp chị em tham gia tập huấn các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm hay chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận dụng những tiến bộ khoa học vào thực tế. Chị đã mạnh dạn đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay vốn ưu đãi cho hội viên để chị em có vốn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Với tổng số 83 hộ hội viên được vay 563 triệu đồng thì từ một chi hội có 100% hội viên có đói nghèo, đến nay đã có 45% gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo và 28 hộ có cuộc sống khá trở lên.
Đến thăm nhà chị Sầu mới thấy được cái sự "đảm việc nhà" của chị. Căn nhà gỗ gọn gàng, ngăn nắp, đồ đạc trong nhà chưa phải là hiện đại nhất, nhưng cũng đầy đủ để phục vụ cho cuộc sống của một gia đình. Gia đình chị có trên chục con lợn khoảng 70 đến 80kg, 2 con lợn nái, gần 100 con gà lớn nhỏ. Chị cho biết: "Mỗi năm nhà tôi bán ra thị trường từ 2 đến 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 10 đến 15 con và khoảng 70 đến 80 kg gà, thu về từ 40 đến 50 triệu đồng.
Để có được thu nhập đó, tôi đã phải sắp xếp thời gian hợp lý, vì thời gian chính trong ngày là dành riêng cho việc tham gia các hoạt động, phong trào của Hội". Những năm qua, chị đã giúp nhiều hội viên phụ nữ và bà con trong bản cây, con giống không lấy lãi để sản xuất.
Với gia đình, chị luôn là người vợ, người mẹ mẫu mực, cùng chồng nuôi dạy 2 con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Từ một phụ nữ dân tộc Mông chỉ biết nhất nhất theo "lệnh" của chồng, nay giỏi giang hơn cả cánh đàn ông và đã gánh trọn cả việc nước, việc nhà là vì chị đã thuyết phục được chồng, người giúp đỡ đắc lực khi chị gặp khó khăn. Cùng với đó, là sự tâm huyết, nghị lực của chị, không cam chịu đói nghèo, hủ tục và luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà Sùng Thị Xày - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cho biết: "Chị Mùa Thị Sầu là một chủ tịch Hội có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo trong các phong trào, hoạt động của Hội. Thành công của chị Sầu trong vai trò của một thủ lĩnh phụ nữ vùng cao rất đáng để chị em khác học tập, góp phần đưa phong trào của Hội Phụ nữ huyện ngày càng phát triển".
Thanh Xuân
Các tin khác
YBĐT - Trước đây, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 3b (gọi tắt là tổ 3b), thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn - Yên Bái) chỉ mơ ước làm ruộng có đủ gạo ăn là tốt rồi, chứ chưa ai dám nghĩ đến việc trồng lúa, trồng màu để làm giàu! Thế nhưng, hôm nay đã có rất nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ lúa chất lượng cao và cây màu.
YBĐT - Ở thôn 2, xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên - Yên Bái), ai cũng khen anh Phạm Đức Hậu là một tấm gương về ý chí vượt khó làm giầu bằng sức lao động của chính mình. Mới 32 tuổi, anh Hậu đã là chủ nhân của mô hình kinh tế VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) với mức thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm và là đại biểu HĐND xã.
YBĐT - Đó là cách gọi trìu mến mà các đoàn viên thanh niên Trạm Tấu (Yên Bái) dành cho anh Vũ Đăng Quỳnh - Bí thư Huyện Đoàn Trạm Tấu. Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này, anh thấu hiểu cuộc sống còn nhiều khó khăn của quê hương. Anh đã luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nơi đây...
YBĐT - Khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp (Trấn Yên - Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn.