Người lưu giữ một phần nét đẹp văn hoá Thái
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với việc thành lập tổ hợp thêu may thổ cẩm Nghĩa An, chị Điêu Thị Xiêng, dân tộc Thái ở bản Đêu 2 xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đã góp phần lưu giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc. Không những thế, tổ hợp thêu may thổ cẩm của chị Xiêng còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn địa phương.
Chị Xiêng đang hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho các chị em trong tổ hợp.
|
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê được coi là cái nôi của nền văn hoá Thái nên nghề thêu may thổ cẩm đã trở nên gắn bó với chị từ những ngày còn thơ. Vào những buổi chăn trâu, cắt cỏ chị Xiêng lại cùng chúng bạn tập thêu thùa, từ những viền lên chiếc khăn piêu đến các hoạ tiết, hoa văn trên áo. Với người Thái, con gái phải biết may vá thêu thùa, chính bởi lẽ đó mà nghề thêu may thổ cẩm đã trở thành nghề truyền thống của người Thái.
Tuy nhiên trước những sự đổi thay của xã hội hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một, nghề may thêu thổ cẩm hiện nay chỉ để phục vụ cuộc sống của mỗi gia đình. Chính vì lẽ đó mà chị Xiêng luôn đau đáu với sự mai một của nghề dệt truyền thống của người Thái.
Là người năng nổ trong các hoạt động của thôn, bản, năm 1995 chị Xiêng được bầu làm chủ tịch hội phụ nữ xã, với cương vị và trọng trách mới, có điều kiện để thực hiện mong muốn khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Từ những trăn trở ấy, qua bàn bạc thống nhất với cấp uỷ, chính quyền và hội phụ nữ xã, nhất là những người tâm huyết với nghề thêu máy thổ cẩm. Năm 2006, chị Xiêng đã cùng 10 hội viên hội phụ nữ xã, đây là những người tâm huyết với nghề dệt may thổ cẩm đã thành lập tổ hợp thêu may thổ cẩm Nghĩa An.
Khi mới thành lập tổ hợp thêu may của chị gặp không ít khó khăn, toàn bộ hệ thống khung cửi, máy móc đều quá cũ kỹ không thể tạo ra được những sản phẩm có hoạ tiết, hoa văn hấp dẫn, hơn nữa sản phẩm làm ra phải có thị trường tiêu thụ hết sức khó khăn.
Cơ sở vật chất không có, các chị em trong tổ hợp phải mượn một góc nhà sàn văn hoá của xã để sản xuất, tài sản của tổ hợp chỉ chỉ vẻn vẹn hơn 10 chiếc khung cửi và 5 cái máy khâu nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm tìm kiếm thị trường thật không phải là chuyện dễ. Trước tình hình đó, chị Xiêng đã đề nghị với UBND xã, thị xã Nghĩa Lộ xin kinh phí mở mang quy mô sản xuất, đồng thời thông qua các hoạt động du lịch của địa phương để tiếp thị sản phẩm. Bằng những cách làm đó, sản phẩm may thêu thổ cẩm của chị Xiêng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nhiều đoàn khách du lịch đã tìm đến tổ hợp của các chị để thăm quan và đặt mua sản phẩm.
Vượt qua những tháng ngày khó khăn, tổ hợp thêu may thổ cẩm Nghĩa An dần khẳng định được uy tín và trở thành điểm đến thăm quan và những ai yêu thích sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Sản phảm của tổ hợp mỗi năm cung cấp ra thị trường và cho những du khách hàng nghìn sản phẩm thổ cẩm, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. Không chỉ có vậy, tổ hợp thêu may thổ cẩm của chị Xiêng ngày một phát triển và mở rộng quy mô với trên 20 thành viên tham gia, ngoài việc khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tổ hợp thêu may thổ cẩm còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn địa phương.
Để tổ hợp thêu may thổ cẩm duy trì và phát triển với quy mô hơn nữa, chị Xiêng cũng như các chị em trong tổ hợp đều có một mong muốn chung là cần được các cấp các ngành của thị xã Nghĩa Lộ, xã Nghĩa An quan tâm tạo điều kiện cho một cơ sở vật chất để duy trì hoạt động, bởi đến nay tổ hợp của các chị vẫn phải hoạt động nhờ tại trụ sở nhà văn hoá của xã.
Chia tay tổ hợp thêu may thổ cẩm trong tiếng lách cách của khung cửi, các chị em vẫn miệt mài gửi vào đó những tâm hồn, những tình cảm để thêu dệt nên những sản phẩm làm đẹp cho đời, cho cuộc sống hàng ngày.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Nhà ông Sùng A Hù cũng như bao gia đình người Mông khác ở xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), trước đây nghèo lắm. Vì chưa có kiến thức và vốn sản xuất nên muốn thoát đói nghèo cũng rất khó. Trăn trở mãi rồi ông Hù cũng tìm được cách làm giàu cho riêng mình.
YBĐT - Ở xã Hoà Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái), không ai không biết đến ông Phạm Văn Cảnh ở thôn 5, từ nghèo khó vươn lên giàu có nhờ mô hình kinh tế rừng - ao - chuồng.
YBDDT - Nhắc đến chị Mùa Thị Sầu, bản Chống Là, xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) ai trong xã cũng nói về chị là một phụ nữ giỏi giang, bởi chị đã biết kết hợp giữa vai trò của một Chủ tịch Hội Phụ nữ xã với sự cần cù, vốn có của người phụ nữ dân tộc Mông trong cuộc sống gia đình.
YBĐT - Trước đây, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 3b (gọi tắt là tổ 3b), thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn - Yên Bái) chỉ mơ ước làm ruộng có đủ gạo ăn là tốt rồi, chứ chưa ai dám nghĩ đến việc trồng lúa, trồng màu để làm giàu! Thế nhưng, hôm nay đã có rất nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ lúa chất lượng cao và cây màu.