Chị Sinh chăn nuôi giỏi

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ở xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Đặng Thị Sinh - hội viên chi hội phụ nữ thôn Ngòi Tu là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Chị là một trong những người đi đầu mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn và trở thành hộ chăn nuôi giỏi của xã.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Đặng Thị Sinh thôn ngòi Tu xã Vũ Linh (Yên Bình) mỗi năm thu lãi trên 60 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Đặng Thị Sinh thôn ngòi Tu xã Vũ Linh (Yên Bình) mỗi năm thu lãi trên 60 triệu đồng.

Đến gia đình chị, điều đầu tiên nhận thấy là quy mô chuồng trại, các thiết bị bổ trợ phục vụ chăn nuôi được gia đình chị quan tâm đầu tư theo mô hình bán công nghiệp. Nền chuồng đảm bảo khô ráo thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, chất thải được xử lý qua hệ thống hầm Biôgas nên khá sạch sẽ. Hiện trong các ô chuồng có khoảng 40 - 50 con lợn, mỗi con chừng 30 đến 40 kg và 3 con nái vừa mới đẻ trên 30 lợn con. Chị Sinh cho biết, chị quyết định mở rộng chăn nuôi như hiện nay là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhu cầu chi tiêu sinh hoạt ngày càng lớn, nếu chỉ trông vào 3 sào ruộng có thâm canh giỏi, năng suất cao mấy cũng chỉ thu hạt thóc đủ ăn.

Từ suy nghĩ đó, năm 2000, chị vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi kết hợp cả chăn nuôi lợn thịt và lợn nái. Những năm đầu vì chưa có kinh nghiệm nên chỉ nuôi 10 con một lứa. Thấy có hiệu quả, chị bàn với chồng tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại để chăn nuôi với quy mô lớn hơn, tăng thêm 1 nái. Vậy là, trong chuồng có 2 nái lợn, thời gian này nhà không phải mua thêm lợn giống từ bên ngoài mà còn cung cấp con giống cho những ai có nhu cầu chăn nuôi.

Thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi lợn mỗi năm cho gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng, năm 2008 chị vay tiếp vốn ngân hàng 70 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay với 3 con lợn nái không đủ cung cấp giống để chăn nuôi lớn, chị mua thêm lợn giống từ bên ngoài. Thuận lợi là khách hàng của gia đình chị đã quen nên việc tìm con giống không khó khăn. Cứ sau mỗi lần xuất lợn thịt thì họ lại chở lợn giống đến tận nhà. Lợn con có bảo hành được tiêm phòng dịch đầy đủ cộng thêm tính cẩn thận áp dụng tốt kiến thức KHKT trong chăn nuôi nên đàn lợn chị nuôi rất ít bị bệnh, được ăn đầy đủ nên con nào con ấy lớn nhanh trông thấy, trung bình mỗi lứa chị nuôi 3 tháng thì xuất chuồng.

Khách hàng quen của chị ở tại xã, thị trấn Thác Bà và các huyện lân cận thuộc tỉnh Tuyên Quang cũng rất thích mua lợn thương phẩm của gia đình chị. Bởi vì, chị không cho ăn nhiều cám công nghiệp mà thức ăn chủ yếu là nhiều ngô, thóc nghiền, bỗng rượu... nên lợn không tích nhiều nước. Năm vừa qua, chị Sinh xuất bán 3 lần được 20 tấn lợn thương phẩm, thu về trên 200 triệu đồng. Sau khi đã trừ chi phí mua con giống, thức ăn chị thu lãi trên 60 triệu đồng. Điều phấn khởi nhất là sau 2 năm mở rộng quy mô chăn nuôi, gia đình chị Sinh đã hoàn trả hết các khoản vay nợ của ngân hàng. Năm 2009, gia đình chị duy trì quy mô chăn nuôi 100 con lợn được hỗ trợ 30 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm chăn nuôi giỏi, chị Sinh đã trở thành tấm gương sáng cho chị em trong thôn học tập làm theo, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội.

Q.N

Các tin khác
Chị Xiêng đang hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho các chị em trong tổ hợp.

YBĐT - Với việc thành lập tổ hợp thêu may thổ cẩm Nghĩa An, chị Điêu Thị Xiêng, dân tộc Thái ở bản Đêu 2 xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đã góp phần lưu giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc. Không những thế, tổ hợp thêu may thổ cẩm của chị Xiêng còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn địa phương.

YBĐT - Nhà ông Sùng A Hù cũng như bao gia đình người Mông khác ở xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), trước đây nghèo lắm. Vì chưa có kiến thức và vốn sản xuất nên muốn thoát đói nghèo cũng rất khó. Trăn trở mãi rồi ông Hù cũng tìm được cách làm giàu cho riêng mình.

Ông Cảnh chăm sóc đàn gà thương phẩm.

YBĐT - Ở xã Hoà Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái), không ai không biết đến ông Phạm Văn Cảnh ở thôn 5, từ nghèo khó vươn lên giàu có nhờ mô hình kinh tế rừng - ao - chuồng.

Đồng bào Mông xã Suối Bu (Văn Chấn) gieo cấy lúa mùa.

YBDDT - Nhắc đến chị Mùa Thị Sầu, bản Chống Là, xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) ai trong xã cũng nói về chị là một phụ nữ giỏi giang, bởi chị đã biết kết hợp giữa vai trò của một Chủ tịch Hội Phụ nữ xã với sự cần cù, vốn có của người phụ nữ dân tộc Mông trong cuộc sống gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục