Người làm giàu trên vùng đất khó
- Cập nhật: Thứ tư, 16/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là người nông dân quanh năm quen với cảnh một nắng hai sương cũng chỉ dám mong có đủ ăn, đủ mặc chứ ít ai dám nghĩ đến việc làm giàu. Đó là suy nghĩ của đa số những người nông dân một số xã ở Trấn Yên, bởi diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người còn thấp và đa phần là đất cằn cỗi, bạc màu. Vậy mà trái với những suy nghĩ ấy, nông dân Phí Đắc Hùng ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông vẫn đang ngày ngày làm giàu cho bản thân và cho quê hương bằng sự thông minh, cần cù của mình.
Được tận mắt thấy cơ ngơi của anh chắc hẳn ai cũng phải thán phục. Anh Hùng đã trở nên nổi tiếng ở Quy Mông từ khá lâu cũng nhờ cây đao riềng. Tiếp chúng tôi với sự cởi mở của người nông dân chân chất, anh Hùng chia sẻ: “Anh chị thấy đấy, cái khó ló cái khôn! Lam lũ vất vả mãi rồi thì mình cũng phải tìm cách làm giàu chứ, chẳng nhẽ cứ chịu nghèo mãi sao? Tôi đã gắn bó với cây đao riềng từ rất lâu rồi và tôi tin đó là cây trồng phù hợp với mảnh đất này”.
Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Quy Mông không lấy gì làm trù phú, năm 17 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, một mình phải gánh vác công việc gia đình và nuôi 2 em ăn học. Ngay trong lúc khó khăn ấy anh đã bắt đầu trồng đao và duy trì cho đến nay. Tuy nhiên, trong những năm đầu trồng đao do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chế biến cũng như giá đao bột không cao nên cây đao chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, cuộc sống của gia đình anh vẫn khó khăn. Không ngại khó ngại khổ, anh Hùng vẫn quyết tâm duy trì nghề trồng đao. Nhiều lần, anh về tận tỉnh Hà Tây (cũ) để học hỏi kinh nghiệm về quy trình chăm sóc cây đao và chế biến đao bột của các hộ nông dân trồng đao nơi đây.
Năm 2005, anh mang về giống đao riềng Trung Quốc và bắt tay vào trồng thử nghiệm trên diện tích 2 sào. Ngay trong vụ thu năm đó, diện tích đao thử nghiệm của anh đã cho năng suất hơn 2 tấn/sào. Đây là kết quả hơn cả mong đợi và cũng chính từ đây anh nhận ra giống đao mới này phù hợp với đồng đất quê mình. Với kinh nghiệm sẵn có cộng với kiến thức học được từ những chuyến đi xa nên trong những năm tiếp theo, diện tích trồng đao riềng của anh liên tục được mở rộng và cho năng suất ngày càng cao.
Không dừng lại ở đó, năm 2006 anh Hùng đầu tư gần 50 triệu đồng mua máy liên hoàn, đồng thời xây dựng hệ thống bể lọc và bể chứa phục vụ cho quy trình chế biến đao củ ra đao bột nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, diện tích đao riềng của anh đã tăng lên 12 sào và luôn cho năng suất bình quân đạt 3tấn/sào/năm. Trên diện tích đó, anh Hùng còn trồng xen cây ngô trong thời kỳ cây đao còn nhỏ để tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời kéo dài thời gian sinh trưởng của cây đao giúp nâng sao sản lượng đao bột. Mỗi năm anh Hùng thu được 2 tấn ngô hạt và trên 30 tấn đao củ cho sản lượng gần 10 tấn bột thành phẩm.
Ngoài ra, anh Hùng còn thu mua thêm đao củ từ những hộ trồng đao trong thôn để chế biến. Toàn bộ sản lượng thu được, anh mang bán cho các cơ sở sản xuất miến đao ở Giới Phiên với giá từ 7 đến 8 triệu đồng/tấn. Như vậy, mỗi năm anh có thu nhập trên 80 triệu đồng từ nghề trồng đao riềng và chế biến đao bột thành phẩm. Ngoài việc trồng và chế biến đao riềng, hàng năm anh Hùng còn có thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ 2 ha chè và 8 sào lúa. Đây thực sự là một con số ấn tượng đối với một hộ nông dân ở Trấn Yên. Học tập kinh nghiệm của anh, đến nay ở thôn Thịnh An xã Quy Mông đã có hơn 30 hộ dân trồng đao riềng và nhiều hộ bắt đầu thoát khỏi đói nghèo, kinh tế đã khấm khá hơn trước.
Trấn Yên là một huyện còn nghèo, phần lớn người dân nơi đây chỉ dám mong có được cuộc sống đủ ăn đủ mặc mà điều này còn phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, người nông dân Phí Đắc Hùng trồng cây đao riềng làm giàu trên mảnh đất khó rất xứng đáng là tấm gương để nhiều hộ nông dân khác không những ở Trấn Yên mà còn nhiều nơi khác học tập và làm theo.
Thanh Tiến
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù định cư tại tổ 2, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) chưa lâu, song thương binh 4/4 - Trần Công Hùng được hội viên cựu chiến binh cũng như người dân địa phương khâm phục bởi ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu.
YBĐT - Người dân Hán Đà huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Hãnh ở thôn Hồng Quân là một trong những hộ chăn nuôi giỏi vào hạng nhất nhì ở xã này.
YBĐT - Bà Nguyễn Thị Quế trước kia ở huyện Yên Bình, sau đó bà cùng gia đình lên Văn Yên (Yên Bái) xây dựng vùng kinh tế mới và gắn bó với thôn Khe Cỏ xã An Thịnh suốt hơn 40 năm qua. Nhớ lại mấy chục năm về trước, do biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số lại có văn hóa, bà được mời làm giáo viên giảng dạy cho con em đồng bào các xã Đại Sơn, An Thịnh.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái), năm 1978, anh Lê Văn Long lên đường nhập ngũ. Năm 1990, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh tiếp tục tham gia Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Yên Thế. Hàng năm, anh luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến đầu năm 2004, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Công an thị trấn Yên Thế.