Giàu từ nuôi nhím
- Cập nhật: Thứ ba, 6/10/2009 | 12:00:00 AM
YBĐT - Anh Hoàng Tiến Dũng, thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô (huyện Lục Yên - Yên Bái) là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, khiến ai cũng khâm phục.
Năm 1981, anh phục viên về quê làm kinh tế và xây dựng gia đình với chị Trần Thị Núi. Sau khi xây dựng gia đình, ra ở riêng anh chị sinh được 2 cháu, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên cái đói, cái nghèo quanh năm đeo bám.
Với ý chí, nghị lực và bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, anh không thể khoanh tay đứng nhìn cái cảnh “cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc” Đã mạnh dạn làm không ít nghề như: nấu rượu, nuôi lợn, nuôi bò, nuôi rắn, làm mộc... nhưng những công việc này vừa tốn nhiều công sức, đầu ra không có, ít thu nhập có khi lại còn nguy hiểm như nghề nuôi rắn...
Với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, anh càng trăn trở tìm kiếm, học hỏi và tìm cho mình một nghề phù hợp nhất ngay trên mảnh đất quê nhà. Trên cơ sở đó, khi được bạn bè tư vấn giới thiệu và qua quá trình đi thực tế thăm các mô hình nuôi nhím của bạn bè, cộng với việc tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng như: đài, báo, sách vở... anh đã dần say mê và quyết định đến với nghề nuôi nhím. Nhưng để bắt tay vào công việc này, ngay từ đầu anh đã gặp không ít rắc rối, vì kinh tế gia đình khó khăn mà đồng vốn bỏ ra để đầu tư nuôi nhím lại quá lớn. Thấy vậy, vợ con, anh em bạn bè khuyên can, nhưng anh đã thuyết phục họ, đặc biệt với vợ con thông qua những hiểu biết và hiệu quả từ việc nuôi nhím.
Sau khi đã thống nhất với gia đình, anh quyết định vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để đầu tư. Qua xem truyền hình và được bạn bè giới thiệu, anh biết cơ sở nuôi nhím của ông Tân Hoàng ở miền Nam. Thế là, vào tháng 8/2005, 2 bố con anh đã lên đường vào Nam và đến với cơ sở nuôi nhím lớn nhất cả nước là trang trại của ông Tân Hoàng ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để vừa học hỏi kinh nghiệm, quan sát thực tế và mua con giống.
Vào thời điểm năm 2005, giống nhím rất đắt. Với 30 triệu đồng, anh chỉ mua được 2 cặp nhím giống khoảng 2 tháng tuổi. Mặc dù đã được tư vấn, học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi và được quan sát thực tế cách chăn nuôi, song lúc đầu anh vẫn gặp lúng túng và có những khó khăn nhất định trong cách chăm sóc đàn nhím. Nhưng qua một thời gian, với lòng say mê và tỉ mỉ quan sát, chăm sóc, dần dần anh đã quen với cách cho ăn, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh... Nhìn những con nhím ngày một lớn và khỏe mạnh mà lòng thấy vui.
Sau 6 tháng chăm sóc, 2 cặp nhím anh mua về đã sinh được 4 con. Sau 2 tháng tuổi, tính giá thị trường lúc đó nếu bán thì thu gần đủ số vốn bỏ ra, nhưng anh quyết định để lại để phát triển đàn. Qua, thời gian nuôi đã cho anh kinh nghiệm nếu biết cách chăm sóc cũng không có gì là khó khăn, nguồn thức ăn thì rất đơn giản và mình có thể chủ động được, đó là các loại rau, bí đỏ, khoai sắn... Buổi sáng chủ yếu cho nhím ăn rau để giữ nước, buổi trưa và tối thì cho ăn thêm những thứ có chất tinh bột như khoai, sắn... Bệnh loài nhím thường gặp là bệnh ỉa chảy nên phải luôn giữ vệ sinh chuồng trại cho sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và giữ ấm về mùa đông.
Hiện tại anh có 20 con nhím (có 7 con chưa đến độ tuổi sinh sản) 13 con đang trong độ tuổi sinh sản, trong đó có 6 đực, 7 cái, mỗi con cái sinh 2 lứa/1 năm, mỗi lứa sinh từ 1-2 con (chủ yếu là 2 con). Vậy là 7 con cái sinh sản được 14 lứa, nếu tính giá thị trường hiện tại khoảng 8,5 triệu đồng/1 cặp anh thu được khoảng 119 triệu đồng, trừ chi phí và rủi ro trong chăm sóc anh lời được khoảng 80 – 90 triệu đồng.
Sau gần 4 năm gắn bó với mô hình nuôi nhím đã đem lại cho gia đình anh một đời sống kinh tế khá giả. Anh không những có tiền trả hết nợ nần, trang trải cuộc sống gia đình, mua sắm các đồ đạc mà còn nuôi 2 con tốt nghiệp đại học.
Anh thổ lộ: “Mô hình nuôi nhím là một mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, không tốn công chăm sóc, không tốn kém thức ăn rất phù hợp với người nông dân. Do vậy, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc với bà con gần xa về cách nuôi”.
Hà Ngọc Đông
Các tin khác
YBĐT - Trong những điển hình sản xuất nông - lâm nghiệp giỏi của Hội Nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái), nổi lên hộ gia đình anh Lê Cao Vy, thôn 4 xã An Bình. Ai ai trong xã cũng tấm tắc khen ngợi gia đình anh giỏi phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo. Anh là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó làm giàu để người dân trong xã học tập và noi theo.
YBĐT - Từ trung tâm xã vượt qua con đường mòn nhỏ hẹp với những rãnh nước, khe suối chắn ngang, cuối cùng chúng tôi cũng đến được gia đình ông Đỗ Quốc Nhuận thương binh hạng 4/4 thôn Văn Thi 4, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Thật khác xa so với những gì chúng tôi tưởng tượng, cả một vùng đồi núi cằn cỗi được phủ kín một màu xanh của chè, ngô, sắn và rừng kinh tế.
YBĐT - Ở xã Việt Thành (Trấn Yên - Yên Bái), nhiều người biết đến anh Lương Trường Tuyên, hội viên Hội Nông dân xã như một tấm gương sáng vượt khó làm giàu.
YBĐT - Như thể “đồng bằng” trên xứ núi, nằm giữa cánh đồng Mường Lò thênh thênh, trù phú, thôn An Sơn có những con người của quê hương “Chị Hai năm tấn”, có cánh đồng lúa thơm mát, tốt tươi, có truyền thống văn hoá lâu bền và… có một vị trưởng thôn “Thái Bình chính hiệu”.