Nguyễn Văn Đản - “Tài sản” lớn của An Sơn

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Như thể “đồng bằng” trên xứ núi, nằm giữa cánh đồng Mường Lò thênh thênh, trù phú, thôn An Sơn có những con người của quê hương “Chị Hai năm tấn”, có cánh đồng lúa thơm mát, tốt tươi, có truyền thống văn hoá lâu bền và… có một vị trưởng thôn “Thái Bình chính hiệu”.

“Thương yêu nhau từ đói nghèo”

“Tôi theo gia đình lên đây từ năm 1965, khi dân ta huởng ứng lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, lúc đó tôi mới vừa chín tuổi”. Ông Nguyễn Văn Đản kể với chất giọng chầm chậm, nặng có lẽ mang theo từ vùng quê Hưng Hà, Thái Bình - nơi ông đã sinh ra. Cũng chính từ năm đó, thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn được thành lập, ban đầu chỉ có 30 hộ quê Thái Bình.

Đến nay, cả thôn đã có 133 hộ, trong đó 96% là người Kinh từ Thái Bình lên. “Mọi người lên đây với mảnh đất bạc màu chỉ với đôi bàn tay trắng. Bà con thương yêu nhau từ đói nghèo” - ông Đản thả từng câu, chầm chậm như gợi trí nhớ về xa xôi lắm! - “Chúng tôi lập nghiệp nơi này với vốn dắt lưng chỉ mỗi cái nghề trồng lúa nước, mà sau chiến tranh đất đai còn bạc màu, cằn cỗi. Rồi lập thôn, lập làng, rồi cuốc xới, rồi cải tạo, (ông chép miệng) khó lắm đấy, có nói cô cũng không tưởng nổi đâu!”.

Đúng là không thể tưởng được những khó khăn ngày ấy, bởi hôm nay tất cả đã đổi thay, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập đạt gần 8 triệu đồng/người/năm. Cả thôn đã có chung một quỹ tín dụng 250 triệu đồng do dân đóng góp để hỗ trợ phát triển kinh tế hoặc xoá đói giảm nghèo... Nơi đây đã không còn là An Sơn của hơn 40 năm về trước.

Xây “thôn xuôi”nơi chốn ngược

Ông Nguyễn Văn Đản được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn từ bốn năm nay. Mọi hoạt động của thôn từ văn hóa, kinh tế, giáo dục, an ninh… ông đều nắm chắc. Ông phân tích lợi thế của vùng một cách rành rẽ: “Địa bàn thôn nhỏ, dân cư sống tập trung nên cũng có lợi thế về giao lưu kinh tế, văn hóa trong vùng. Nhân dân trong thôn đoàn kết nên cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được mọi người tích cực ủng hộ”.

Câu chuyện cứ cởi mở dần khi ông kể về những thành tích của thôn: nào là về kinh tế, tổng sản lượng nông nghiệp năm nay đã tăng gần 40% so với năm 2000; nào là về văn hoá, năm 2004 thôn An Sơn đã được công nhận là làng văn hoá cấp huyện; nào là giáo dục, mùa tuyển sinh năm nay trong thôn có một em đỗ đại học và 10 em đỗ các trường cao đẳng, trung cấp khác.

 Ông lại tự hào khoe: “Phần lớn học sinh của thôn đều học hết cấp ba, không có học sinh bỏ học giữa chừng hay thất học”. Ông nhớn mày: “Cũng động viên, khuyến khích ra trò đấy, mỗi em học giỏi, được giải ở trường đều được thôn trích quỹ ra để thưởng. Mới năm kia (2007), chúng tôi đã thành lập được hội khuyến học để thúc đẩy phong trào thi đua học tốt của con em trong thôn”. Không chỉ có riêng học sinh mà toàn thôn đều ra sức thi đua, thi đua làm kinh tế giỏi, thi đua xây dựng gia đình văn hoá, hàng năm có 92,7% số hộ được công nhận gia đình văn hoá.

“Là một thôn nhỏ, nhưng việc quản lý cũng phải thật chặt chẽ, Nhà nước có pháp luật thì thôn làng cũng phải có quy ước, chỉ đơn giản như việc cưới không tổ chức linh đình, tốn kém, việc tang không kéo dài nhiều ngày gây lãng phí; mỗi năm thực hiện ba lần vệ sinh môi trường tập thể, để đảm bảo môi trường thôn luôn xanh, sạch, đẹp .v.v.” - giọng vị trưởng thôn vẫn sang sảng giữa cái nắng trưa oi ả. Tuy tuổi đã ngoại ngũ tuần, nhưng trưởng thôn Nguyễn Văn Đản vẫn giữ được nét rắn rỏi của người quanh năm “hai sương một nắng”.

5 người con của ông cũng đã yên bề gia thất, ông đã có thể rảnh rang để cống hiến cho xã hội. Cái chức trưởng thôn tuy bé nhỏ, nhưng lại kéo theo trách nhiệm lớn lao. Mọi nhiệm vụ “trên trời dưới bể” của thôn đều do ông lo liệu cả.

Bà Nguyễn Thị Bích, người cùng thôn cởi mở: “Ông Đản là trưởng thôn nhưng là bạn của mọi gia đình. Ông ấy không những làm tốt việc công mà còn quan tâm đến đời sống riêng của từng nhà để kịp thời giúp đỡ. Ông làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm minh, không vụ lợi dựa trên ý Đảng, lòng dân nên được bà con nhất lòng ủng hộ. Người trưởng thôn này là “tài sản” lớn của An Sơn chúng tôi đấy!”.

Công tác an ninh được ông nhất mực lưu tâm, chỉ đạo ráo riết. Đội xung kích của thôn thường xuyên tuần tra bảo vệ tài sản của nhân dân. Ông Đản dãi bày: “Phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết của dân, khơi dậy tình tương thân tương ái của con người để mọi người cùng bảo vệ lẫn nhau. Chuyện là thật nhưng kể ra như đùa, nếu có ai đó lỡ quên xe ở giữa làng qua đêm cũng không mất được. Nói là thế, nhưng An Sơn cũng còn nhiều khó khăn lắm! Thôn mong nhất là Nhà nước đầu tư làm lại con đường để người dân đi lại được thuận tiện hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Hơn thế, toàn bộ đất của thôn từ năm 1965 đến nay vẫn là đất của xã, các hộ dân chưa có sổ bìa đỏ chứng thực quyền sở hữu đất nên không có tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất. Thôn chúng tôi cố gắng cũng nhiều nhưng vẫn rất sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Muốn đi nhanh được phải bước đều cả hai chân”.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ngoài tên tuổi và quê quán, vị Trưởng thôn này không nói gì hơn về bản thân mình. Nhưng hiện lên giữa thôn văn hoá An Sơn đó là một nhân cách hết lòng phục vụ nhân dân, một lãnh đạo thôn nhiệt tình, linh hoạt. Tôi tin thôn “Thái Bình” ấy sẽ ngày một “vững bước” như lần nào đã từng ngược lên xứ núi xây dựng quê hương.

 Nguyễn Tươi

Các tin khác

YBĐT - Ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), nhiều người biết đến anh Lương Trường Tuyên, hội viên Hội Nông dân xã như một tấm gương sáng vượt khó làm giàu.

YBĐT - Năm 1979, anh Phạm Văn Bình rời quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cùng gia đình định cư tại thôn Tân Lập, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên (Yên Bái). Đến nay bước sang tuổi 57, anh đã có tài sản trị hàng trăm triệu đồng nhờ làm tốt mô hình trang trại VAC.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra vườn ngô lai của gia đình anh Dương (áo sẫm).

YBĐT - Anh Hoàng Ngọc Dương, dân tộc Tày, ở thôn Chùa, xã Chấn Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình mỗi năm thu trên 100 triệu đồng.

YBĐT - 70 năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, vinh dự năm lần được gần Bác Hồ, cho đến bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Hoan - Bí thư Chi bộ 11, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn không ngừng cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Ông là một điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục