Người nuôi tằm giỏi ở Tân Đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với niềm trăn trở tìm cách thoát nghèo năm 2001 anh Hoàng Văn Hậu ở thôn 5 xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đi học nghề trồng dâu nuôi tằm ở Vĩnh Phúc về làm thử nghiệm tại gia đình. Những ngày đầu dù đã say sưa chăm chút nhưng những lứa tằm nuôi đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên chết rất nhiều. Không nản chí, anh tiếp tục vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để có bằng được thành công.

Anh Hoàng Văn Hậu đang kiểm tra sinh trưởng của tằm.
Anh Hoàng Văn Hậu đang kiểm tra sinh trưởng của tằm.

Chỉ có 3 lao động chính, gia đình anh Hậu trồng được khoảng 2 mẫu dâu ở những diện tích soi bãi hoặc đất nông nghiệp kém hiệu quả. Từ những thất bại bước đầu đã tích luỹ thành kinh nghiệm. Giờ đây, trở thành hộ nuôi tằm giống chuyên nghiệp ở Tân Đồng anh còn mở cơ sở ươm tơ thu mua toàn bộ kén cho bà con. Anh Hậu cho biết: “Trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa nên bà con rất thích nuôi, hiện tại có bao nhiêu kén cũng tiêu thụ hết cho dân nên bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Thậm chí chưa đến ngày thu hoạch kén, nhưng khi có công việc cần tiền bà con còn tạm ứng trước tiền bán kén, gia đình cũng vui vẻ tạo điều kiện”.

Được biết, trung bình một vòng tằm chỉ bận rộn trong khoảng 13 ngày thì được thu hoạch. Trong một tháng, hộ nuôi nhiều có thể được tới 2 lứa, mỗi lứa 3 vòng tằm. Vậy là, sẽ được 6 vòng trong 1 tháng, trong khi đó mỗi vòng thu 19 - 20 kg kén. Với giá kén hiện tại dao động trong khoảng trên dưới 60 nghìn đồng/kg, thì đây quả là một con số không nhỏ. Trung bình mỗi lứa tằm gia đình anh Hậu thu mua khoảng chừng 3 tạ kén (cứ 1 tuần một lứa) và cứ 1 tạ kén quay được 15 kg tơ. Toàn bộ sản phẩm tơ tằm anh hợp đồng tiêu thụ với bạn hàng ở Nam Định với giá hiện tại trên 400 nghìn đồng/ kg.

Với cơ sở ươm tơ và nuôi tằm giống này, gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, vào chính vụ ươm tơ có khi lên tới 10 lao động với tiền công từ 50 -  60 nghìn đồng/ngày. Với nguồn vốn đầu tư khoảng 50 - 70 triệu đồng, trong 4 năm trở lại đây, gia đình anh đã mở rộng sản xuất, lượng kén thu mua và chế biến tăng lên... Từ hiệu quả rõ rệt của nghề trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân ở thôn 5 cũng như ở các thôn lân cận trong xã đã bước đầu chuyển đổi sang nghề này. Hiện nay chỉ tính riêng ở thôn 5 đã có 50 hộ trồng dâu nuôi tằm với 22 ha dâu được thu hoạch và 3 cơ sở ươm tơ.

Trưởng thôn Nguyễn Hữu Sơn cho biết: “Tới đây thôn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu, đồng thời phát triển thêm số hộ nuôi tằm để có thể xây dựng một làng nghề bền vững trong tương lai”. Đây cũng là chủ trương chung của xã Tân Đồng nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung để từng bước quy hoạch một làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Tân Đồng.

Với các nguồn thu từ nuôi tằm giống, ươm tơ, kể cả việc bán nhộng tằm - một thực phẩm khá hấp dẫn trong bữa ăn hàng ngày đều mang lại nguồn thu để trung bình mỗi năm gia đình anh Hậu thu lời hàng trăm triệu đồng. Có thể nói, trồng dâu nuôi tằm là một hướng đi khá hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để thoát nghèo và làm giàu cho nông dân ở Tân Đồng. Những cá nhân như gia đình anh Hậu - người đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi này chính là minh chứng thuyết phục khẳng định thành công để từ đó bà con học tập và làm theo.

Ngọc Tú

Các tin khác

YBĐT - Nhìn ngôi trường khang trang sạch sẽ với những lớp học gọn gàng, khuân viên rộng rãi thoáng mát cùng những cô bé, cậu bé hồn nhiên thông minh, ít ai nghĩ Trường tiểu học Nam Cường, thành phố Yên Bái đã có những lúc chỉ còn có hơn 70 em học sinh. Cơ sở vật chất cũ nát, chất lượng dạy và học không đáp ứng yêu cầu đã khiến cho nhiều gia đình tìm mọi cách để xin chuyển trường cho con em họ. Những giáo viên trẻ có trình độ cũng lần lượt xin chuyển trường. Đó là những khó khăn mà khi cô giáo Bùi Thị Hồng Như bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường từ năm học 2006 - 2007.

YBĐT - Pá Thoọc là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với địa bàn khá rộng, giao thông đi lại khó khăn. Thôn có đồng bào Tày, Dao, Mường, Thái... cùng chung sống. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên những năm qua, đói nghèo vẫn đeo đẳng. Phải tìm cách để giúp người dân thoát nghèo đói luôn đè nặng trong suy nghĩ của chị Hoàng Thị Thanh Hường – Trưởng thôn Pá Thoọc.

YBĐT - Ông Trần Trọng Dân được người dân xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) biết đến không chỉ với vai trò là một Chủ tịch Hội Nông dân xã gương mẫu, nhiệt tình mà còn là một người trồng trọt, chăn nuôi giỏi. Ao thả cá với diện tích hơn 200 m2, 20 ha rừng, 300 con gà, 20 con dê, 3 con lợn nái rừng, chính là những thành quả của quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của ông Dân sau nhiều năm lao động.

YBĐT - Chất giọng mộc mạc, dễ gần của người dân tộc thiểu số - ông Hoàng Văn Khuyến phấn khởi tâm sự với chúng tôi: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo cơ hội, đồng bào địa phương đã tích cực xây dựng phát triển đời sống kinh tế. Gia đình tôi cũng đã tập trung đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, cuộc sống dần ổn định và ngày một khá lên”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục