Nguyễn Thị Xuân Thủy - nỗ lực với sự nghiệp trồng người
- Cập nhật: Thứ năm, 26/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhỏ nhắn và dịu dàng, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy – một trong những thầy, cô giáo đạt thành tích cao trong phong trào thi đua “Hai giỏi” của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy và học sinh trong giờ tập vẽ.
|
Những năm học phổ thông, Nguyễn Thị Xuân Thủy luôn mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dìu dắt học sinh khôn lớn. Và ước mơ đã thành hiện thực khi cô đoạt giải quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi Văn năm lớp 12, được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội II (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc), nhưng do hoàn cảnh gia đình nên cô đã chọn theo học ở Trường CĐSP Yên Bái.
Tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm năm 1995, khi vừa tròn 20 tuổi, năm 1999, cô được phân công giảng dạy tại Trường tiểu học Bảo Lương (thành phố Yên Bái). Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề nên mới đứng trên bục giảng một năm, cô đã là giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, đoạt giải Nhất trong cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, giải Ba viết chữ đẹp cấp quốc gia… Năm học 2003 - 2004, cô được phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi cho đến nay. Trong suốt chặng đường công tác, cô đã gặp biết bao nhiêu khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường, nhưng với ý chí và nghị lực, cô đã vượt qua tất cả để làm tốt công việc của một người giáo viên, người vợ và người mẹ.
Với nhiệt huyết và say mê học hỏi, cô đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia… nhưng cô giáo Thủy chưa bao giờ ngừng phấn đấu và rèn luyện. Cô tâm niệm, những thành tích đã đạt được mới chỉ là trong thời điểm nhất định, muốn khẳng định mình phải luôn trau dồi, học hỏi nâng cao nghiệp vụ. Sáng kiến kinh nghiệm trong việc “Rèn chữ viết cho học sinh tiểu học” của cô đã được ngành giáo dục - đào tạo thành phố và tỉnh đánh giá cao.
Theo cô, học sinh tiểu học, đặc biệt là các em học sinh lớp một, thầy cô phải chăm chút nét chữ cho các em ngay từ những ngày đầu để tạo nên một thói quen, một nếp nghĩ tích cực bởi “nét chữ, nết người”. Để học sinh viết đẹp, trước hết chữ của giáo viên phải đẹp, rõ ràng cho các em noi theo, cần có phương pháp, kỹ năng dạy chữ viết linh hoạt, phải kiên trì và tỉ mỉ để rèn nét chữ cho các em. Nhiều hệ học sinh được cô Thủy bồi dưỡng trong các cuộc thi học sinh giỏi, học sinh viết chữ đẹp đã đoạt nhiều giải cao của tỉnh, của quốc gia như em Nguyễn Tiến Thành, Ngô Bích Ngọc, Nguyễn Lan Hương…
Trong suốt những năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy luôn được đồng nghiệp quý mến, đánh giá cao về chuyên môn, được phụ huynh và học sinh tin yêu. Khi được hỏi về kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô Thủy cho biết: “Theo tôi, trước hết mình phải là một tấm gương sáng về đạo đức, về ý thức tự học tự rèn luyện để các em học sinh noi theo. Với học sinh ở lứa tuổi tiểu học thì không thể dạy bằng phương pháp cứng nhắc, kỷ luật được mà phải thực sự yêu và hiểu tâm lý của các em thì mới có thể dạy tốt, các em mới tiếp thu dễ dàng những gì cô giáo giảng”.
Nói về cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy, Hiệu trưởng nhà trường – cô giáo Nguyễn Thị Thu Lan tự hào: “Cô giáo Thủy là một giáo viên không những giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, có trách nhiệm với công việc mà cô còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường. Tuy hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nhưng cô luôn nỗ lực, tận tụy với công việc và đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi của tỉnh và quốc gia. Cô Thủy được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp quý mến và cảm phục”.
Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Thủy cho rằng cô là người may mắn bởi cô được làm việc trong một môi trường sư phạm tốt, có được những thành tích như ngày hôm nay, cô đã nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ và động viên rất lớn của các đồng nghiệp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những thành tích của cô Nguyễn Thị Xuân Thủy xuất phát từ tài năng, sự nỗ lực, cố gắng với sự nghiệp trồng người.
Linh Trang
Các tin khác
YBĐT - Với niềm trăn trở tìm cách thoát nghèo năm 2001 anh Hoàng Văn Hậu ở thôn 5 xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đi học nghề trồng dâu nuôi tằm ở Vĩnh Phúc về làm thử nghiệm tại gia đình. Những ngày đầu dù đã say sưa chăm chút nhưng những lứa tằm nuôi đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên chết rất nhiều. Không nản chí, anh tiếp tục vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để có bằng được thành công.
YBĐT - Nhìn ngôi trường khang trang sạch sẽ với những lớp học gọn gàng, khuân viên rộng rãi thoáng mát cùng những cô bé, cậu bé hồn nhiên thông minh, ít ai nghĩ Trường tiểu học Nam Cường, thành phố Yên Bái đã có những lúc chỉ còn có hơn 70 em học sinh. Cơ sở vật chất cũ nát, chất lượng dạy và học không đáp ứng yêu cầu đã khiến cho nhiều gia đình tìm mọi cách để xin chuyển trường cho con em họ. Những giáo viên trẻ có trình độ cũng lần lượt xin chuyển trường. Đó là những khó khăn mà khi cô giáo Bùi Thị Hồng Như bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường từ năm học 2006 - 2007.
YBĐT - Pá Thoọc là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với địa bàn khá rộng, giao thông đi lại khó khăn. Thôn có đồng bào Tày, Dao, Mường, Thái... cùng chung sống. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên những năm qua, đói nghèo vẫn đeo đẳng. Phải tìm cách để giúp người dân thoát nghèo đói luôn đè nặng trong suy nghĩ của chị Hoàng Thị Thanh Hường – Trưởng thôn Pá Thoọc.
YBĐT - Ông Trần Trọng Dân được người dân xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) biết đến không chỉ với vai trò là một Chủ tịch Hội Nông dân xã gương mẫu, nhiệt tình mà còn là một người trồng trọt, chăn nuôi giỏi. Ao thả cá với diện tích hơn 200 m2, 20 ha rừng, 300 con gà, 20 con dê, 3 con lợn nái rừng, chính là những thành quả của quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của ông Dân sau nhiều năm lao động.