Gương sáng đảng viên người Xa Phó
- Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào Xa Phó chúng tôi đã có cơm ăn áo mặc. Bản thân tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình tôi đã có của ăn của để, các cháu được học hành tiến bộ...”. Đó là lời tâm sự chân thành, cởi mở của ông Lương Minh Các, người dân tộc Xa Phó, ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) khi nói về những đổi thay của gia đình và địa phương.
Ông kể, người Xa Phó có trên 700 nhân khẩu, chiếm khoảng 1/3 dân số toàn xã. Những năm trước đây, ảnh hưởng của dân trí thấp, trình độ canh tác lạc hậu, dẫn đến du canh du cư. Đời sống của đồng bào hết sức khó khăn, thường xuyên thiếu đói, trẻ em không được đến trường, bệnh tật không được chữa trị kịp thời... Lúc đó, Lương Minh Các mới phục viên (năm 1989) và anh đã hăng hái tham gia công tác đoàn ở thôn 7. Bản chất của người lính đã được tôi luyện trong quân ngũ cộng với sự nhiệt tình, năng nổ, Lương Minh Các đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, người dân trong thôn yêu quí, thanh niên noi theo.
Năm 2000, ông Các được bầu làm phó bí thư đoàn xã, rồi lại kiêm cả trưởng ban lâm nghiệp xã. Hoạt động đoàn thanh niên được đẩy mạnh, việc phát triển kinh tế vườn rừng, giao khoán bảo vệ rừng được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào và ngay cả bản thân gia đình ông cũng chưa thể đổi thay. Không chịu bó tay trước hoàn cảnh, ông Lương Minh Các quyết định tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình làm kinh tế giỏi ở các nơi. Là cán bộ ban lâm nghiệp xã, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Có được kiến thức và qua tham quan các mô hình, ông Các quyết tâm vay vốn đầu tư khai phá 0,5 ha ruộng nước. Áp dụng các kỹ thuật được học vào sản xuất nông nghiệp, năm đầu tiên ông thu được 4 tấn thóc. Thế là, bài toán về thiếu lương thực coi như đã được khắc phục.
Không bằng lòng với thực tại, ông Các tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng rừng. Ông tâm sự: “Lúc đó, tôi thấy nơi đây còn nhiều đồi núi trọc phù hợp với phát triển vườn rừng vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, vừa bảo vệ môi trường sinh thái”. Năm 2004, ông đề nghị xã và được cấp 10 ha đất đồi, vay vốn trồng quế, keo, bồ đề, kết hợp chăn nuôi trâu bò, nuôi dê. Công việc tiến triển thuận lợi, có chút tiền, ông mua thêm 5 ha đất đồi rừng trồng rừng kinh tế, nhận bảo vệ 30 ha rừng phòng hộ. Nếu tính bình quân một năm, trừ chi phí gia đình ông Các thu khoảng 50 - 60 triệu đồng. Ngôi nhà xây kiên cố với những tiện nghi có giá trị, ô tô để vận chuyển sản phẩm... mọi cái đều từ bàn tay lao động cần cù sáng tạo của vợ chồng ông mà ra.
Theo ông Các, gia đình đã có chút của ăn của để, nhưng “của để dành” lớn nhất vẫn là các con. Bởi vậy, ngoài tập trung vào làm kinh tế, ông vẫn chăm lo chuyện học hành cho các con chu đáo. Hiện 2 cháu đang theo học cao đẳng, đứa út thì học trường nội trú của tỉnh. Cho đến giờ, ông Các không nhớ đã giúp vốn cho bao nhiêu hộ khó khăn phát triển kinh tế. Chỉ biết rằng, hàng năm gia đình ông đã dành hàng chục triệu đồng cho các gia đình nghèo vay vốn phát triển sản xuất không lấy lãi, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Ông Đặng Văn Lả - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng khẳng định: “Ông Các không những là một điển hình sản xuất giỏi mà còn là một cán bộ, đảng viên mẫu mực. Bản thân ông rất tích cực trong việc vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hoá như: bảo tồn trang phục truyền thống của người Xa Phó; vận động nghệ nhân lưu truyền và phát huy văn hoá phi vật thể (khèn Ma Nhí); ủng hộ kinh phí cho các hoạt động văn hoá truyền thống của dân tộc. Nhiều năm làm xã đội trưởng, ông Các luôn sâu sát động viên chiến sỹ dân quân tham gia các hoạt động, huấn luyện, diễn tập bảo đảm chất lượng, quân số theo qui định”.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Nhỏ nhắn và dịu dàng, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thủy – một trong những thầy, cô giáo đạt thành tích cao trong phong trào thi đua “Hai giỏi” của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái).
YBĐT - Với niềm trăn trở tìm cách thoát nghèo năm 2001 anh Hoàng Văn Hậu ở thôn 5 xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đi học nghề trồng dâu nuôi tằm ở Vĩnh Phúc về làm thử nghiệm tại gia đình. Những ngày đầu dù đã say sưa chăm chút nhưng những lứa tằm nuôi đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên chết rất nhiều. Không nản chí, anh tiếp tục vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để có bằng được thành công.
YBĐT - Nhìn ngôi trường khang trang sạch sẽ với những lớp học gọn gàng, khuân viên rộng rãi thoáng mát cùng những cô bé, cậu bé hồn nhiên thông minh, ít ai nghĩ Trường tiểu học Nam Cường, thành phố Yên Bái đã có những lúc chỉ còn có hơn 70 em học sinh. Cơ sở vật chất cũ nát, chất lượng dạy và học không đáp ứng yêu cầu đã khiến cho nhiều gia đình tìm mọi cách để xin chuyển trường cho con em họ. Những giáo viên trẻ có trình độ cũng lần lượt xin chuyển trường. Đó là những khó khăn mà khi cô giáo Bùi Thị Hồng Như bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng nhà trường từ năm học 2006 - 2007.
YBĐT - Pá Thoọc là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với địa bàn khá rộng, giao thông đi lại khó khăn. Thôn có đồng bào Tày, Dao, Mường, Thái... cùng chung sống. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên những năm qua, đói nghèo vẫn đeo đẳng. Phải tìm cách để giúp người dân thoát nghèo đói luôn đè nặng trong suy nghĩ của chị Hoàng Thị Thanh Hường – Trưởng thôn Pá Thoọc.