Trưởng dòng họ Sùng gương mẫu

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/1/2010 | 9:27:39 AM

YBĐT - Tuy là một xã vùng cao, dân cư sống không tập trung nhưng đến các bản: Chống Là, Chống Gầu Bua, Sáng Nhù... xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải) thì không ai là không biết đến trưởng dòng họ Sùng là ông Sùng A Vừ.

Bởi, ông là một già làng, trưởng dòng họ gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho các con, cháu học tập và làm theo; xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất còn nhiều khó khăn.

Sinh năm 1950 trên bản Chống Là, trong chiến tranh ông là người lính dũng cảm, lúc thời bình, ông luôn tiên phong trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo, hơn ai hết ông hiểu về nguyên nhân dẫn đến cái đói, cái nghèo nơi đây. Bắt đầu từ việc chỉ bảo con cháu trong gia đình ăn, ở hợp vệ sinh, sống và làm việc theo pháp luật, bằng các việc làm cụ thể như: chuyển chuồng trại ra xa nhà ở; thu gom phân, rác thải để xử lý, có người chết không để lâu ngày; con cháu đủ tuổi đăng ký kết hôn mới cho lấy vợ, lấy chồng và mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ từ một đến 2 con để nuôi dạy cho tốt, để xây dựng gia đình văn hóa.

Đồng thời, tạo điều kiện cho con cháu đi học để nâng cao nhận thức cũng như trình độ. Kết quả ngay trong chính gia đình mình là tiền đề tốt để ông tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ, trong bản cùng thực hiện nếp sống mới.

Ông thường nói: “Muốn đời sống ngày một phát triển, không chỉ dừng lại ở việc xóa bỏ dần các hủ tục mà còn phải tích cực tham gia lao động sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Trong chuồng nhà ông luôn có 10 con lợn khoảng 40 đến 50 kg, một lợn nái, mỗi năm xuất chuồng 2 đến 3 lứa lợn thu về 15 đến 20 triệu đồng.

Cùng với đó, vợ chồng ông còn khai hoang 0,6 ha ruộng cấy lúa 2 vụ, mỗi năm thu hoạch gần 2 tấn thóc. Các con trong gia đình ông được học hành và đã trưởng thành, trong đó Sùng A Thênh là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, Sùng A Hờ – cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Sùng A Bình – Trưởng công an xã Hồ Bốn...

Gần 60 tuổi đời, 30 năm tuổi Đảng và đã từng ở cương vị Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, ông đã cống hiến hết mình, sống mẫu mực để con cháu trong dòng họ, nhân dân trong bản làm theo, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại đây thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngọn lửa “sống hết mình” trong ông càng được thắp sáng.

Ông tâm sự: “Tôi thấy anh em trong dòng họ của mình có những hủ tục nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi nghĩ, muốn phát triển kinh tế, trước hết phải xóa bỏ các hủ tục và thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng. Có chủ trương mới tôi luôn đi đầu thực hiện để làm gương cho con cháu.

Đối với anh em dòng họ Sùng chúng tôi, vào  mỗi dịp cuối năm lại tổ chức họp đánh giá những việc mình đã làm được, cái chưa làm được để phê bình và để những người không thực hiện theo chính sách của Đảng, lần sau thực hiện tốt hơn. Từ việc chỉ ra cái sai, tìm hướng đi cho họ, đến nay đời sống của anh em dòng họ Sùng đã khá hơn trước rất nhiều”.

Hiện tại dòng họ Sùng xã Hồ Bốn có 27 hộ, với trên 100 nhân khẩu, định cư tập trung ở các bản: Chống Là, Chống Gầu Bua, Sáng Nhù. Học theo tấm gương của ông Vừ, đến nay cả dòng họ không có người nào nghiện thuốc phiện, tình trạng tảo hôn đã được chấm dứt, số cặp vợ chồng vi phạm kế hoạch hóa gia đình giảm đáng kể. Từ chỗ hầu hết các hộ còn đói nghèo, đến nay 100% hộ trong dòng họ có cuộc sống khá, không còn tình trạng đói giáp hạt, 22/27 hộ đạt gia đình văn hóa.

Đặc biệt, một số cặp vợ chồng sinh con một bề là con gái, ông Vừ đã thuyết phục được họ dừng lại ở 2 con như gia đình anh: Sùng A Dì ở bản Sáng Nhù; Sùng A Trọng ở bản Chống Là... Anh Sùng A Dì tâm sự: “Trước đây ông tôi, bố tôi đều đói khổ vì chìm trong các hủ tục, đẻ 9 - 10 con vẫn phải đẻ, đẻ đến khi nào có con trai để làm chủ gia đình mới thôi. Nhưng chúng tôi được bác Vừ khuyên bảo nhiều nên cảnh thiếu đói, khổ cực đã xa dần.

Chúng tôi rất biết ơn trưởng dòng họ Sùng A Vừ...”. Còn trưởng bản Chống Là - Giàng A Tủa thì nhận xét: “Ông Vừ không chỉ dạy bảo con cháu trong dòng họ của mình mà ông còn nói cho cả con cháu ở các dòng họ khác trong bản, trong xã như: họ Giàng, họ Vừ, họ Lý... để cùng nhau phát triển. Chúng tôi rất quý trọng và thán phục ông. Nhờ có ông mà người dân trong bản Chống Là đã khấm khá lên nhiều...”. Không chỉ riêng bản Chống Là mà cả bản Chống Gầu Bua, Sáng Nhù của xã Hồ Bốn mấy năm trở về đây đều đã đạt “bản văn hóa”.

Với thành tích đã đạt được, vừa qua ông Vừ vinh dự được Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải bầu chọn đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái.

Thanh Xuân

Các tin khác

YBĐT - Đến thăm trang trại của vợ chồng anh chị Khánh - Yến ở thôn Khe Măng, xã An Bình (Văn Yên) không ai có thể ngờ rằng hơn chục năm về trước, nơi đây là vùng đất hoang vu, không có nhà cửa, đường sá đi lại khó khăn và sinh sống ở đây đã là một thử thách chưa nói gì đến phát triển kinh tế. Thế nhưng, cùng với thời gian, lòng kiên trì và sự cần cù, chăm chỉ, biết áp dụng KHKT mà anh chị đã có được cơ ngơi trù phú như hôm nay.

YBĐT - Sau nhiều lần về Hà Nội, qua làng đào Nhật Tân, thấy không khí nhộn nhịp mỗi khi xuân về, anh nghĩ: “Sao Yên Bái quê mình cũng có cái rét ngọt của mùa đông mà nghề trồng đào vẫn chưa phát triển. Trong khi đó, nhu cầu chơi đào tết của người dân ngày càng nhiều?”. Nghĩ là làm! Anh đã mạnh dạn mang cây đào Nhật Tân lên phố núi và anh Thanh là một trong những người đầu tiên trồng đào ở Yên Bái.

YBĐT - Đó là anh Sùng Ngọc Lương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Mù Cang Chải. Anh Lương quê ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Là hội viên Hội Người cao tuổi thôn Cầu Có, xã Đông Cuông (Văn Yên - Yên Bái), ông Nguyễn Đức Thọ dân tộc Tày năm nay 65 tuổi, đã nêu tấm gương sáng để bà con trong thôn học tập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục