Bác sỹ Lò Thị Thuận tâm huyết với nghề
- Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2010 | 9:04:39 AM
YBĐT - Ngay từ khi bắt đầu hướng nghiệp, cô gái Tày quê Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) Lò Thị Thuận đã nhắm tới con đường ngành y với mong muốn có thể góp sức mình mang kiến thức y học phục vụ bà con làng bản.
Bác sĩ Lò Thị Thuận (người thứ hai từ trái sang) thăm, khám bệnh cho bệnh nhân.
|
Tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1980, trở về công tác tại Bệnh viện Kinh tế mới trên chính mảnh đất Văn Chấn quê hương, bác sĩ Thuận đã đem tất cả tình yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ chữa trị bệnh cho nhân dân các dân tộc trong huyện và đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới.
Ngoài công tác khám chữa bệnh tại viện, bước chân của người bác sĩ trẻ còn lặn lội xuống từng thôn, bản tham gia vận động nhân dân thực hiện các chương trình y tế quốc gia như: Chương trình phòng chống sốt rét, chương trình phòng chống rối loạn do thiếu iốt, chương trình tiêm chủng mở rộng, dân số kế hoạch hoá gia đình. Càng đi, càng đến với bà con những vùng xa xôi, hẻo lánh, bác sĩ Thuận càng thấu hiểu những khó khăn của bà con để rồi quý trọng hơn, tâm huyết hơn với công việc mình đang làm.
Năm 1989, bệnh viện vận động các y, bác sĩ đi cơ sở xây dựng và củng cố các phòng khám đa khoa khu vực. Không ngại khó, ngại khổ, bác sĩ Thuận đã tình nguyện đến công tác tại Phòng khám Đa khoa khu vực Chấn Thịnh, cách bệnh viện 20km. Thời gian này, đời sống của của người dân Chấn Thịnh còn nhiều khó khăn, cán bộ y tế cũng không nằm ngoài những thiếu thốn ấy. ánh điện chưa đến được với xã nên y, bác sĩ ở đây phải khám, chữa bệnh cho người dân dưới ánh đèn dầu. Đường giao thông trong xã còn là những con đường đất, đá lổn nhổn, thế nhưng bác sĩ Thuận vẫn tận tình xuống dân.
Trong khó khăn chung, bác sĩ Thuận cùng với anh, chị em cán bộ y tế lấy sự nỗ lực và lòng nhiệt tình với nghề bù đắp phần nào những thiếu thốn của một phòng khám khu vực, mang lại niềm vui được chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Cho đến giờ, bác sĩ Thuận vẫn còn nhớ mãi niềm vui khi giúp được người bệnh qua cơn hiểm nghèo. Đó là những ca bệnh mà đáng lẽ ra điều kiện của một phòng khám khu vực không cho phép giữ lại, song vào hôm trời mưa, nước lớn hay điều kiện về thời gian không thể kịp để chuyển người bệnh lên tuyến trên.
Bằng tay nghề và sự nỗ lực hết mình, bác sĩ Thuận cùng cán bộ phòng khám đã thành công trong ca bệnh. Niềm vui được người dân tin yêu, quý mến càng cổ vũ cho chị say mê nghề nghiệp.
Sau những năm tháng tận tình trong chuyên môn ở Phòng khám Đa khoa khu vực Chấn Thịnh, bác sĩ Thuận được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Văn Chấn kiêm Giám đốc Bệnh viện Kinh tế mới. Đến năm 2006, thực hiện mô hình chia tách trung tâm y tế thành 3 đơn vị, bác sĩ Thuận tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Chấn.
Bệnh viện được giao chỉ tiêu 130 giường bệnh, trong đó 50 giường tại bệnh viện, 80 giường ở các phòng khám đa khoa khu vực. Tại bệnh viện chỉ có 9 bác sĩ, 7 bác sĩ được đưa về 7 phòng khám đa khoa khu vực.
Với cương vị một người quản lý, trong điều kiện bệnh viện còn thiếu thốn cả cơ sở vật chất và nhân lực, bác sĩ Thuận đã cùng ban giám đốc bệnh viện tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng của một bệnh viện tuyến ba, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Nhiều năm, bệnh viện được Sở Y tế tặng giấy khen, UBND tỉnh tặng bằng khen.
Mặc dù bận bịu với công việc, song bác sĩ Thuận vẫn dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, được Hội đồng Khoa học kỹ thuật Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn nghiệm thu, đưa vào áp dụng thực tế cho hiệu quả tốt.
30 năm gắn bó với nghề y, cho đến giờ, điều làm bác sĩ Thuận trăn trở hơn cả đó là việc thiếu nguồn nhân lực trong ngành ở khu vực miền núi như Văn Chấn, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành. Sự trăn trở này cũng bởi xuất phát từ niềm mong mỏi của một lương y: có thầy, có thuốc để chăm sóc sức khoẻ người dân ngày một tốt hơn nữa.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Già Ly là một già làng uy tín nhất xã. Gia đình ông có 5 con học đại học, cao đẳng. Ông vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cách đây vài năm và được đồng bào rất mực quý mến, tin tưởng” - những lời ấy dành cho già làng Mùa A Ly ở thôn Cu Vai của đồng chí Giàng A Sinh - Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ (Trạm Tấu) càng khiến tôi quyết tâm tìm gặp ông...
YBĐT - Một cửa hàng nho nhỏ ban đầu chỉ bán khung tranh với một vài viên đá rubi đứng nép mình dưới tán cây bàng già ở tổ 65, phường Yên Ninh, nay bỗng vụt đứng dậy vững vàng giữa long lanh của đá. Đá hồng ngọc Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá đỏ Quỳ Châu - Nghệ An, đá Bảo Lộc - Lâm Đồng, đá Đắc Nông - Đắc Lắc... đều có ở đây bởi sự nhạy bén, chủ động nắm giữ thị trường của ông chủ cửa hàng Đoàn Văn Tuấn.
YBĐT - Năm 2009, nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp Mông Sơn vẫn vững vàng trên thương trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả và đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Yên Bái.
YBĐT - Trưởng thôn Khe Ván, xã Quang Minh (Văn Yên) - Triệu Thiều Thăng là một trong những người có mô hình phát triển kinh tế trang trại quy mô và là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Không chỉ vậy, anh còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn về kỹ thuật, vốn và cây con giống để cùng nhau xoá đói giảm nghèo.