Trần Anh Tôn biết tìm đường sáng

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/3/2010 | 2:59:26 PM

YBĐT - Từ một học sinh cá biệt, bố mẹ và thầy cô, bạn bè thất vọng về sự học tập và tu dưỡng đạo đức của Trần Anh Tôn – học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên). Vậy mà, với lòng quyết tâm của bản thân kết hợp với sự giáo dục giữa gia đình và nhà trường, Tôn đã ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức.

Em đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi đại học năm 2009 và Tôn đã thi đỗ vào Khoa Luật Trường đại học Vinh.

Trần Anh Tôn sinh ra và lớn lên tại thôn 9, xã Việt Thành (huyện Trấn Yên). Nhà có hai anh em trai và Tôn là con cả. Gia đình Tôn làm nông nghiệp, cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng bố mẹ Tôn luôn ước mong các con ngoan ngoãn, học giỏi.

Những năm học cơ sở, Tôn học tại Trường THCS thị trấn Cổ Phúc và Tôn chăm chỉ học tập, luôn được các thầy cô nhận xét là cậu họ trò thông minh, có nhiều tiến bộ trong học tập và tu dưỡng đạo đức.

Cả 4 năm liên tục, Tôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Học hết THCS, Tôn làm hồ sơ dự thi vào THPT Lê Quý Đôn và học tại lớp 10A8. Trường mới, Tôn có nhiều bạn mới trong và ngoài trường và Tôn kết bạn với cả những thanh niên hư hỏng. “Gần mực thì đen”, em bị các bạn xấu rủ đi la cà quán sá, Tôn thường xuyên nghỉ học, bỏ giờ đi chơi bi-a, điện tử.

 Tôn nhiều lần được nhà trường mời gia đình xuống gặp giáo viên chủ nhiệm và bộ môn để giải quyết việc học tập và tu dưỡng đạo đức của Tôn, mong Tôn trở thành con người tốt, nhưng Tôn chẳng có sự chuyển biến nào cả. Hai năm học lớp 10 và lớp 11, Tôn xếp loại học lực trung bình, đạo đức yếu. Hai năm liền, Tôn phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong hè, khi đến trường phải có sự nhận xét, xác nhận của Công an xã Việt Thành.

Sang năm học lớp 12, ngoài việc bỏ học đi đánh bi-a, chơi điện tử, Tôn còn tham gia vào một số vụ đánh nhau ngoài trường học. Công an thị trấn Cổ Phúc đã mời gia đình và Tôn lên Ủy ban nhân dân thị trấn Cổ Phúc để giải quyết. “Con dại cái mang”, gia đình đã cam kết sẽ giáo dục con, nhưng bố mẹ vẫn đau lòng, thất vọng về con vì Tôn không có sự tiến bộ. Việc học hành của Tôn ngày càng chểnh mảng, học kỳ I lớp 12, Tôn xếp loại học lực yếu, đạo đức yếu.

 Biết mình cứ đà này có lẽ sẽ không được thi tốt nghiệp, Tôn chán trường, chán lớp đòi bỏ học đi làm để kiếm sống. Bố mẹ Tôn không đồng ý, tiếp tục động viên Tôn quay lại trường học tập. Lợi dụng bố mẹ vắng nhà, Tôn đã viết một lá thư tạm biệt bố mẹ để đi làm tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Trong thư có đoạn viết: “Con mượn tạm chiếc xe đạp và 3 triệu đồng của bố mẹ vừa bán lợn để trong tủ. Khi nào con kiếm được tiền con sẽ trả lại bố mẹ”. Rồi Tôn ra ga mua vé tàu xuôi đi Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm.

 Hai ngày lang thang trên đất khách quê người để tìm kiếm việc làm nhưng chẳng ai thuê mướn. Hết tiền, đói khát, Tôn nhớ tới bố mẹ. Lúc đó Tôn thấy ân hận về những việc làm mình gây ra và quyết định gọi điện về cho bố mẹ vào đón. Thương con, bố mẹ Tôn đã vay mượn bạn bè, anh em cấp tốc xuôi tàu về Hà Nội rồi mua vé máy bay đi thành phố Hồ Chí Minh đón em trở về nhà.

Về nhà, Tôn xin lỗi bố mẹ, thầy cô rồi trở lại trường học tập. Tôn quyết tâm làm lại từ đầu. Tôn chuộc lại lỗi lầm bằng việc ra sức học tập, ôn lại những kiến thức đã bị bỏ trống. Từ tình thế tưởng như không thế cứu vãn nổi, vậy mà Tôn đã vượt qua mọi cám dỗ của bạn bè xấu và thi đỗ tốt nghiệp THPT. Kỳ thi đại học năm 2009 vừa qua, Tôn đã thi đỗ vào Khoa Luật Trường đại học Vinh.

Từ một cậu học trò cá biệt, vậy mà với lòng quyết tâm của bản thân, Tôn đã biết tìm đường sáng. Giờ đây, Trần Anh Tôn đã trở thành sinh viên đại học. Phía trước Tôn là bầu trời rộng mở tương lai. Mong sao, các bạn trẻ đừng làm khổ bố mẹ, thầy cô, bè bạn. Và ai đó lỡ mắc lỗi lầm thì hãy học tập tấm gương của Trần Anh Tôn để trở thành người tốt, giúp ích cho xã hội.

Hoàng Văn Vinh

Các tin khác
Bác sĩ Lò Thị Thuận (người thứ hai từ trái sang) thăm, khám bệnh cho bệnh nhân.

YBĐT - Ngay từ khi bắt đầu hướng nghiệp, cô gái Tày quê Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) Lò Thị Thuận đã nhắm tới con đường ngành y với mong muốn có thể góp sức mình mang kiến thức y học phục vụ bà con làng bản.

Người Mông ở Trạm Tấu được sử dụng nước sạch từ các chương trình dự án của Nhà nước. (Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Già Ly là một già làng uy tín nhất xã. Gia đình ông có 5 con học đại học, cao đẳng. Ông vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cách đây vài năm và được đồng bào rất mực quý mến, tin tưởng” - những lời ấy dành cho già làng Mùa A Ly ở thôn Cu Vai của đồng chí Giàng A Sinh - Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ (Trạm Tấu) càng khiến tôi quyết tâm tìm gặp ông...

Đoàn Văn Tuấn (giữa) đang hướng dẫn các thợ làm bức tranh đá phong cảnh khổ lớn.

YBĐT - Một cửa hàng nho nhỏ ban đầu chỉ bán khung tranh với một vài viên đá rubi đứng nép mình dưới tán cây bàng già ở tổ 65, phường Yên Ninh, nay bỗng vụt đứng dậy vững vàng giữa long lanh của đá. Đá hồng ngọc Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá đỏ Quỳ Châu - Nghệ An, đá Bảo Lộc - Lâm Đồng, đá Đắc Nông - Đắc Lắc... đều có ở đây bởi sự nhạy bén, chủ động nắm giữ thị trường của ông chủ cửa hàng Đoàn Văn Tuấn.

YBĐT - Năm 2009, nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp Mông Sơn vẫn vững vàng trên thương trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả và đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục