Bí thư Chi bộ thôn Tà Xùa

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/3/2010 | 3:01:22 PM

YBĐT - Ở bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vài năm trở lại đây, đời sống của đồng bào Mông đã bớt đi đói nghèo. Đó là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nhiệt tình của Bí thư Chi bộ trẻ tuổi, nhiệt tình Phàng A Dề. Anh là người luôn tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình cũng như chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Sinh ra trên mảnh đất vùng cao này, hằng năm, khi mùa giáp hạt tới, chứng kiến cảnh nhiều gia đình trong bản thiếu đói, anh mong muốn được mang sức trẻ góp phần xây dựng quê hương. Anh đã đi nhiều nơi để học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình và áp dụng vào điều kiện của gia đình mình. Mảnh đất vùng cao nhiều nắng và gió này không ưu đãi con người như những miền quê trù phú khác.

Có được hạt gạo, người nông dân phải vất vả, vỡ từng mảnh ruộng bên các sườn núi để trồng lúa nước. Lúc đầu, gia đình anh Dề chỉ có vài mảnh ruộng nhỏ nhưng vợ chồng cần cù, chịu khó cày cuốc sớm hôm để mở rộng diện tích canh tác, tới nay có hơn 6.000 m2 ruộng nước.

Anh không thể nào quên những tháng ngày vất vả đó: “Đất nhiều đá nên làm ruộng bậc thang mất nhiều công sức, từ san đất tới đắp bờ rồi đưa nước về ruộng. Hai vợ chồng tôi phải làm 2 - 3 ngày mới được một thửa ruộng”.

Có ruộng cộng với đưa các giống mới vào trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên mỗi năm, gia đình anh Dề thu gần 3 tấn lúa. Không cho đất nghỉ, một vụ anh trồng lúa, một vụ trồng ngô và đậu tương vừa để tăng thu nhập vừa thêm nguồn thức ăn chăn nuôi đàn lợn hơn 10 con.

Ngoài ra, nhận trồng và chăm sóc 6 ha rừng là nguồn thu đáng kể cho gia đình. Thấy rõ lợi ích từ rừng, anh vận động các gia đình trong thôn cùng tham gia. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu từ 30 - 40 triệu đồng.

Anh Dề đã trở thành một trong những người làm kinh tế giỏi của xã. Gia đình anh đã có ngôi nhà khang trang, vững chãi và các con anh có điều kiện học tập chu đáo. Không chỉ vậy, anh còn tận tình hướng dẫn các hộ nghèo phát triển kinh tế thông qua giúp đỡ giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ thế nên nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo như gia đình anh Giàng A Lềnh, Phàng A Vư, Phàng A Vang...

Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, anh vận động các hộ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế để Tà Xùa không còn hộ đói. Tới nay, hơn 80% số hộ trong thôn có xe máy và ti vi. Cuộc sống giờ đây đã vơi đi nhiều đói khổ.

Tuy mới 33 tuổi nhưng anh Dề đã có 9 năm tuổi Đảng và 4 năm làm Bí thư Chi bộ thôn. Cái đói, cái nghèo đeo bám mảnh đất vùng cao bởi sinh đẻ nhiều. Anh hiểu điều đó hơn ai hết. Anh đã tới từng gia đình để vận động và giải thích cho bà con hiểu lợi ích của việc sinh ít con. “Mưa dầm thấm lâu”, tới nay, bản Tà Xùa không còn nhiều gia đình sinh con thứ 3. Trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Bản Tà Xùa quê anh đang xây dựng bản văn hóa.

Người Bí thư Chi bộ trẻ này như chiếc cầu nối để những chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Anh thân thuộc với từng gia đình, từ người già tới con trẻ và được mọi người yêu mến. Đó có lẽ là phần thưởng lớn hơn bất kỳ những bằng khen, giấy khen anh đã được nhận.

Hồng Khanh

Các tin khác

YBĐT - Từ một học sinh cá biệt, bố mẹ và thầy cô, bạn bè thất vọng về sự học tập và tu dưỡng đạo đức của Trần Anh Tôn – học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên). Vậy mà, với lòng quyết tâm của bản thân kết hợp với sự giáo dục giữa gia đình và nhà trường, Tôn đã ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức.

Bác sĩ Lò Thị Thuận (người thứ hai từ trái sang) thăm, khám bệnh cho bệnh nhân.

YBĐT - Ngay từ khi bắt đầu hướng nghiệp, cô gái Tày quê Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) Lò Thị Thuận đã nhắm tới con đường ngành y với mong muốn có thể góp sức mình mang kiến thức y học phục vụ bà con làng bản.

Người Mông ở Trạm Tấu được sử dụng nước sạch từ các chương trình dự án của Nhà nước. (Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Già Ly là một già làng uy tín nhất xã. Gia đình ông có 5 con học đại học, cao đẳng. Ông vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cách đây vài năm và được đồng bào rất mực quý mến, tin tưởng” - những lời ấy dành cho già làng Mùa A Ly ở thôn Cu Vai của đồng chí Giàng A Sinh - Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ (Trạm Tấu) càng khiến tôi quyết tâm tìm gặp ông...

Đoàn Văn Tuấn (giữa) đang hướng dẫn các thợ làm bức tranh đá phong cảnh khổ lớn.

YBĐT - Một cửa hàng nho nhỏ ban đầu chỉ bán khung tranh với một vài viên đá rubi đứng nép mình dưới tán cây bàng già ở tổ 65, phường Yên Ninh, nay bỗng vụt đứng dậy vững vàng giữa long lanh của đá. Đá hồng ngọc Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá đỏ Quỳ Châu - Nghệ An, đá Bảo Lộc - Lâm Đồng, đá Đắc Nông - Đắc Lắc... đều có ở đây bởi sự nhạy bén, chủ động nắm giữ thị trường của ông chủ cửa hàng Đoàn Văn Tuấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục