Chị Chuyển “dân số”
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2010 | 9:44:59 AM
YBĐT - Đến thôn 8, xã Việt Thành (Trấn Yên), không ai là không biết đến chị Nguyễn Thị Chuyển - nguyên là cộng tác viên dân số, bởi những đóng góp và cống hiến của chị trong công tác DS/KHHGĐ của địa phương trong hơn 10 năm làm cộng tác viên.
Chị chuyển (người thứ 4 từ trái sang) trực tiếp tư vấn kiến thức SKSS/KHHGĐ cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ.
|
Nhiều năm trước đây, tình trạng đẻ đông, đẻ dày ở thôn 8 diễn ra phổ biến cũng bởi nhiều lý do: trình độ nhận thức người dân còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, kinh tế chậm phát triển… Trước khi là cộng tác viên dân số, chị Chuyển đã có nhiều năm tham gia công tác hội phụ nữ của địa phương.
Được giao phụ trách công tác dân số xã từ năm 1998, hơn ai hết chị Chuyển hiểu một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo, tụt hậu là tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch. Nhận trách nhiệm giao, tuy không được qua các lớp tập huấn nhưng bù lại, chị Chuyển tích lũy được kinh nghiệm khi còn làm công tác phụ nữ nên phần nào hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em.
Điều quan trọng hơn cả là chị luôn nhận được sự ủng hộ hết lòng của chồng con, gia đình. Bởi vậy, phần lớn thời gian chị dành tham gia và trở thành cộng tác viên dân số tích cực của thôn. Chia sẻ những vui, buồn trong suốt 11 năm tham gia công tác DS/KHHGĐ, chị Chuyển cười vui: "Khó khăn thì nhiều lắm nhưng làm công tác tuyên truyền, vận động này không thể nóng vội, “mưa dầm thấm lâu” mới hiệu quả. Chuyện xảy ra lâu rồi.
Trong một lần đến gia đình sinh con một bề trong thôn vận động kí cam kết không sinh con thứ 3, câu chuyện đang diễn ra suôn sẻ, bỗng nhiên anh chồng và mẹ chồng đối tượng được vận động nghe được, ngay lập tức có những phản ứng thái quá, lời lẽ rất khó nghe... Lần đó coi như thất bại. Không nản lòng, mình quyết tâm đến vận động nhiều lần nữa và cuối cùng đã thành công". Chị Chuyển coi đó như là một dấu ấn và kỷ niệm khó quên trong suốt 11 năm làm cộng tác viên dân số.
Theo chị, tuyên truyền KHHGĐ với những người dân nông thôn không dễ, bởi vẫn còn không ít người có tư tưởng cũ, muốn có con đàn, cháu đống hay con trai để nối dõi tông đường. Vì vậy, muốn tuyên truyền để người dân nghe theo thì cộng tác viên phải gương mẫu và hiểu được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng và quan trọng là gia đình mình luôn phải gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì mới được nhân dân tin tưởng.
Đóng góp một phần công sức, trí lực không nhỏ vào thành công của công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, ở cương vị công tác mới, chị Chuyển vẫn không quên chia sẻ kinh nghiệm và cách làm của mình cho những thế hệ cán bộ chuyên trách dân số sau, những mong duy trì và giữ vững thành quả công tác DS-KHHGĐ của địa phương mà nhiều năm liền từng cống hiến. Với người dân Việt Thành, chị vẫn là cánh chim đầu đàn trong công tác DS-KHHGĐ của thôn, xã.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - "Ông nói mọi người tin, ông làm bà con tín nhiệm" - đó là nhận xét của Chủ tịch xã Nậm Lành (Văn Chấn) - Lý Kim Kinh về ông Mùa A Sử - Trưởng bản Ngọn Lành.
YBĐT - “Nuôi nhím là mô hình phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác mà đầu ra lại ổn định, hiện phong trào nuôi nhím ngày một được nhân rộng góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn”. Đó là lời tâm sự của bác Trần Văn Đệ, 56 tuổi thôn Văn Tiên 3, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) - một điển hình phát triển kinh tế giỏi từ nuôi nhím.
YBĐT - Ở thôn Mầu, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) mọi người khen gia đình chị Vũ Thị Thiết khéo làm ăn, giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
YBĐT - Đến thôn Mông Si, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngôi nhà sàn to đẹp, khang trang, thoáng mát, mái lợp phirôximăng sáng trắng ngay cạnh đường. Đó chính là ngôi nhà thứ hai của anh Giàng A Giao, một người dân không biết chữ nhưng luôn cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi cách phát triển kinh tế của người khác về áp dụng làm giàu cho gia đình.