"Ông nói mọi người tin, ông làm bà con tín nhiệm"
- Cập nhật: Thứ ba, 21/12/2010 | 9:28:53 AM
YBĐT - "Ông nói mọi người tin, ông làm bà con tín nhiệm" - đó là nhận xét của Chủ tịch xã Nậm Lành (Văn Chấn) - Lý Kim Kinh về ông Mùa A Sử - Trưởng bản Ngọn Lành.
Cuối năm 1983, do đời sống khó khăn nên 14 hộ dân tộc Mông xã Túc Đán (Trạm Tấu) đã di dân sang Nậm Lành. Vì ở tít trên non cao nên bản mang tên Ngọn Lành. Khi mới chuyển đến đây, dân bản nghèo lắm. Chính vì nghèo, chính vì tập quán xưa cũ đã ăn sâu vào tiềm thức nên bà con chỉ biết phá rừng để giải quyết cái đói trước mắt.
Họ đốt rừng để tìm mảnh nương màu mỡ hơn. Họ phá rừng, lấy gỗ bán để mưu sinh. Chỉ có mấy năm chuyển đến bản mới mà rừng đầu nguồn đã cạn kiệt, bà con nghèo vẫn hoàn nghèo. Làm thế nào giúp người dân Ngọn Lành đủ ăn? Làm thế nào để người dân Ngọn Lành có thể sống nhờ rừng mà không bị mất rừng? Trăn trở nhiều lắm bởi ngay bên cạnh thôi, tại sao bà con người Dao bản Tà Lành lại đủ ăn, nhà cửa lại to đẹp đến thế?
Ngọn Lành đã có rất nhiều lần họp bản, thậm chí có buổi họp, lãnh đạo xã còn mời cả Trưởng bản Tà Lành đến dự. Cán bộ xã phân tích rằng, người Dao ở Tà Lành giàu hơn, có cuộc sống no đủ hơn nhờ biết giữ rừng, sống nhờ rừng nhưng không phá rừng bừa bãi và nhất là phải "an cư" để "lập nghiệp". Rồi cây lúa nương không cho nhiều hạt, phải học cách trồng cấy lúa nước mới mong được nhiều thóc.
Người Ngọn Lành đã tìm được lời giải cho cuộc sống của mình. Muốn giàu trên chính mảnh đất mình đang sống thì phải yêu quý nó, đừng nghĩ nếu không làm ăn được thì lại chuyển đi nơi khác. Muốn sống nhờ vào rừng thì không được phá rừng. Muốn đủ ăn thì phải có ruộng nước vì cây lúa nương không cho nhiều hạt bằng cây lúa nước và nương lúa không gieo được nhiều vụ. Với quyết tâm của một người lính cùng trách nhiệm của Trưởng bản, ông Sử kiên trì đến từng nhà để vận động, để giải thích vì trong cuộc họp, nhiều người chưa hiểu cặn kẽ. Trên hết, muốn bà con tin, ông và gia đình phải đi đầu. Ông có làm trước thì bà con mới làm theo.
Trước tiên là khai hoang ruộng nước. Ông nhờ mọi người đến khai phá ruộng cho nhà mình. Sau đó, cán bộ khuyến nông huyện lên tận ruộng, chỉ cho cách làm. Vì thế, cây lúa nước dù ở trên cao nhưng được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vẫn xanh tốt và cho nhiều hạt. Bà con thấy thế cũng làm theo. Chỉ đợi có vậy, ông tập trung dân bản, chung sức lại để hôm nay khai phá ruộng cho nhà này, ngày mai giúp nhà khác. Từ chỗ không có ruộng, đến nay, cả bản có gần 7 ha ruộng bậc thang. Dân bản có ruộng, học cách cấy lúa đồng nghĩa với không đốt rừng làm nương nữa. Nhà nước giao đất, giao rừng cho từng hộ lại cấp cả kinh phí và cây giống để trồng rừng, phủ xanh đất trống, ông cùng dân bản quyết tâm bám rừng để sống. Càng ngày Ngọn Lành càng có nhiều hơn những nương quế, vườn chè. Nhà nào cũng trồng được quế, được chè.
Trước đây, an ninh trật tự của bản cũng là điều mà lãnh đạo xã Nậm Lành đau đầu tìm lời giải. Gần 20 hộ dân, hơn 100 nhân khẩu mà bản có tới 30 người nghiện. Ông đến từng nhà giải thích, vận động họ đi cai nghiện. Ngọn Lành hết người nghiện, đó là công lao của ông. Dân bản ơn ông lắm vì ông chính là người chỉ lối cho họ, giúp đỡ họ. Dân bản chí thú làm ăn. Trị an được thiết lập từ chính những buổi họp dân, từ chính những hương ước do dân bản đặt ra để giữ làng, giữ bản.
Trưởng bản Mùa A Sử lúc nào cũng đi đầu trong mọi công việc của Ngọn Lành. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, dân bản còn e ngại, ông cùng gia đình thực hiện trước. Năm ngoái, cây khoai tây lần đầu tiên được đưa lên vùng cao trồng chuyển đổi vào vụ đông, vụ mà cây lúa thiếu nước. Ông đi vận động cả bản cũng không ai chịu mua giống về trồng. Họ e không được thu hoạch. Khoai tây mới quá! Người Ngọn Lành chỉ nhìn thấy củ của nó trên ti vi, chỉ nghe tên nó trên đài phát thanh chứ chưa trông nó tận mắt bao giờ. Nhà nước bảo trồng, chắc gì hợp với cái lạnh vùng cao. Mà trồng không khéo lại chẳng có củ... Ông Sử đã mạnh dạn mua hơn 20 kg giống khoai tây về trồng ở ruộng nhà mình.
Ông nói mọi người tin, ông làm bà con tín nhiệm. Có đôi vợ chồng định li dị, người vợ bỏ chồng, bỏ con về nhà mẹ đẻ nhưng khi ông đến giải thích thiệt hơn, họ đã quay về với nhau và đến nay có thêm một cháu trai kháu khỉnh. Trưởng bản Ngọn Lành cũng còn là một cán bộ dân số tích cực. Chị cán bộ phụ nữ của bản mỗi lần muốn triển khai công việc đều nhờ ông nói hộ vì không ai nói mà mọi người nghe như ông Sử.
Cho đến nay, 14 hộ dân khi xưa đã phát triển thành 26 hộ, gần 150 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ sinh con thứ ba giảm hẳn. Người dân chú trọng đến việc học chữ của con, cháu mình. Ở bản trên, thương các cháu đi học xa quá, ông vận động người dân góp công, góp sức làm nhà cho con, cháu ở dưới này để đi học thuận tiện hơn.
Đi đầu phát triển kinh tế, giờ ông Sử đã là người giàu nhất bản. Với 20 con trâu, ông có nhiều trâu nhất bản. Từ ruộng nước, thu nhập mỗi năm của gia đình được hơn 5 tấn thóc. Đây cũng là một điều mà dân bản noi theo người Trưởng bản đã gần 70 tuổi này. Kinh tế khá giả, ông làm thêm một ngôi nhà ở dưới chân núi để đi lại cho tiện. Vào nhà ông, nếu ai không biết thì nghĩ ông kinh doanh xe máy. Thực ra đó là xe máy của gia đình ông và của bà con trên bản gửi nhờ. Các con ông được học hành tử tế nay đều trưởng thành và học theo bố nên người nào cũng khá giả. Một anh hiện là công an viên lại cùng bố gánh vác công việc của bản.
Ông Sự giãi bày: "Trưởng thôn vất vả lắm, lúc đầu nói bà con không nghe đâu. Có khi đang ngủ, gia đình họ cãi lộn, dân bản gọi đến mình, mình phải cả đêm giải thích thiệt hơn cho họ hiểu. Các công việc mình đều phải làm trước và vận động con cái làm thì mọi người mới làm theo".
Ngọn Lành đã khác xưa nhiều lắm! Địa phương cũng đang định hướng cho bản đăng ký xây dựng làng văn hóa. Chủ tịch xã Lý Kim Kinh cho biết: "Đến nay, Trưởng bản Mùa A Sử đã nhiều tuổi rồi nhưng chúng tôi và dân bản Ngọn Lành vẫn tín nhiệm". Nhờ ông, Ngọn Lành mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Nhờ ông, rừng đầu nguồn Nậm Lành mới ngày càng xanh tốt. Được lãnh đạo và bà con tin yêu, ông quyết tâm đưa Ngọn Lành bằng bạn bằng bè và không ngừng phát triển.
Nguyễn Xuân Tình
Các tin khác
YBĐT - “Nuôi nhím là mô hình phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác mà đầu ra lại ổn định, hiện phong trào nuôi nhím ngày một được nhân rộng góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn”. Đó là lời tâm sự của bác Trần Văn Đệ, 56 tuổi thôn Văn Tiên 3, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) - một điển hình phát triển kinh tế giỏi từ nuôi nhím.
YBĐT - Ở thôn Mầu, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) mọi người khen gia đình chị Vũ Thị Thiết khéo làm ăn, giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
YBĐT - Đến thôn Mông Si, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngôi nhà sàn to đẹp, khang trang, thoáng mát, mái lợp phirôximăng sáng trắng ngay cạnh đường. Đó chính là ngôi nhà thứ hai của anh Giàng A Giao, một người dân không biết chữ nhưng luôn cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi cách phát triển kinh tế của người khác về áp dụng làm giàu cho gia đình.
YBĐT - Bước chân lên bản khi mới đôi mươi, giờ đây cô giáo Trần Thị Hường (Trường Tiểu học Suối Giàng, Văn Chấn) đã trở thành một người con của đồng bào Mông nơi đây.